2 năm qua, đã có hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương được học nghề, nâng cao kỹ năng làm nông nghiệp. Nhờ vậy mà trình độ canh tác nông nghiệp của người nông dân được nâng cao, giá trị sản lượng, thu nhập của bà con cũng tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Điển (xã Tam Kỳ, Kim Thành, Hải Dương) - học viên lớp trồng rau do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết, trước đây ông thường chỉ trồng, chăm sóc rau theo kiểu truyền thống. Nhưng kể từ khi tham gia lớp học nghề, ông Điển cùng với các học viên khác đã được truyền đạt những kỹ năng làm nông nghiệp hiện đại. "Chúng tôi được dạy về quy trình sản xuất rau VietGAP, cách sử dụng phân bón, chọn giống, gieo trồng... và cả cách tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm" - ông Điển nói.
Trong 5 năm (từ 2014-2019), các cấp Hội đã tư vấn, giới thiệu cho gần 13.000 người vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giới thiệu, giúp đỡ về các thủ tục pháp lý, dạy ngoại ngữ, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn cho gần 2.000 lao động, trong đó 468 lao động nông thôn đã đi lao động tại Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Malaysia…
Ông Tăng Bá Dương - giáo viên dạy nghề trồng rau cho biết, các học viên sau khi học nghề xong đều nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề. Cụ thể, họ biết được quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo VietGAP; biết cách lựa chọn giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng, ứng dụng thành thạo quy trình trồng chăm sóc các loại cây ăn quả, cây lúa, cây rau có giá trị kinh tế cao; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí giá thành sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. "Lớp học nghề trồng trọt đã gắn việc đào tạo với xây dựng một số mô hình trình diễn sử dụng phân bón đồng bộ, khép kín, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm" - ông Dương nói.
May mắn được học nghề, từ đó anh Đặng Minh Hải (thôn Lũy Dương, xã Gia Lương, huyện Gia Lộc) đã có kiến thức để làm ăn lớn. Sau học nghề, anh Hải đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi lợn. Giờ đây anh Hải đã trở thành ông chủ của mô hình nuôi lợn với quy mô trên 2.000 con lợn thịt, doanh số mỗi năm đạt hơn 500 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu về được 300-350 triệu đồng.
"Nhờ được học nghề mà tôi có thể tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học mới. Thành công bước đầu là động lực để tôi mở rộng làm ăn kinh doanh lớn. Tôi cũng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật mới với các nông dân có cùng ý tưởng" - anh Hải tâm sự.
Hình thành HTX, vùng sản xuất hàng hóa lớn
Báo cáo kết quả công tác dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho thấy, qua gần 6 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm. Kết quả đã mở hơn 340 lớp dạy nghề cho gần 12.000 người, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề khi trực tiếp tổ chức 177 lớp nghề, cấp chứng chỉ cho 6.185 người.
Đến nay, các cơ quan đào tạo nghề của tỉnh cũng hỗ trợ thành lập 4 HTX, 292 tổ hợp tác, với 116 mô hình trồng trọt, 34 mô hình chăn nuôi... Các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Ông Đặng Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù công tác dạy nghề đạt được nhiều thành tựu, nhưng 6 tháng đầu năm 2020 công tác dạy nghề cũng đối diện với nhiều khó khăn. Tình hình dịch Covid-19 xảy ra trên thế giới và Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong đó có hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua ngành chăn nuôi của cả nước cũng đối mặt với khó khăn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Chính bởi vậy, hoạt động đào tạo nghề cho bà con nông dân cũng đã phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của hội viên, nông dân.
"Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc mở lớp nghề chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, Trung tâm đã thay đổi cơ cấu lớp nghề, xây dựng bài giảng cho phù hợp, hướng dẫn học viên các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và bổ sung thêm chuyên đề chăn nuôi gia cầm, thủy cầm cho học viên" - ông Hưng nói.
Những khó khăn trên đã tác động không nhỏ tới việc xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Hiện trung tâm mới thực hiện cung ứng vật tư đầu vào, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn hạn chế.
Ông Hưng cho biết thêm: "Để hoạt động dạy nghề có hiệu quả, thời gian tới, trung tâm sẽ thực hiện khảo sát đầu vào. Bên cạnh đó trung tâm sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề. Đồng thời sẽ thực hiện liên kết để tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu đầu vào tới khâu sản xuất và tiêu thụ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.