Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp: Nền kinh tế số Việt Nam dự báo tăng 3 lần trong 4 năm tới

Khương Lực Thứ năm, ngày 02/12/2021 11:42 AM (GMT+7)
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) thông tin, trong vòng 4 năm tới nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần - mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 6 quốc gia Đông Nam Á.
Bình luận 0

Hôm nay, 2/12, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp đang được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức.

Trình bày báo cáo về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Cơ hội và thách thức, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 16 tỷ USD năm 2020, đạt 21 tỷ USD năm 2021 (tăng 31%) và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 (bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ).

Nền kinh tế số Việt Nam dự báo tăng 3 lần trong 4 năm tới - Ảnh 1.

TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiếc lược phát triển nông nghiệp thông thôn trình bày tham luận tại diễn đàn.

Về tiềm năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, Indonesia đang là nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, với mua sắm trực tuyến ở nước này được dự báo tăng gấp đôi lên mức 146 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, Việt Nam mới là quốc gia được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trình độ công nghệ chung của cả nước thấp. Theo Bộ KHCN chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.

Theo UNDP, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ ở Việt Nam chỉ 10%, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80-90, 75% đã hết khấu hao. Theo đánh giá của WEF năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam đạt 3,8/7 xếp hạng 97/141).

Trong khi đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả (hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm 0,6% GDP, còn châu Âu năm 2013 là 2,01%, Nhật Bản năm 2013 là 3,47%, Mỹ năm 2012 là 2,81%...

"Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa" – TS. Trần Công Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp, Việt Nam cần tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp.

Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

"Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần cụ thể" – TS. Trần Công Thắng nêu cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem