Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Khoảng cách vùng miền sẽ được xóa nhòa nhờ chuyển đổi số

Anh Thơ (ghi) Thứ năm, ngày 02/12/2021 06:28 AM (GMT+7)
Cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh) - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số, người nông dân sẽ có thể xóa bỏ được khoảng cách giữa các vùng miền.
Bình luận 0

Ông nhận định thế nào về quá trình chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ?

- Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, nghị quyết cũng xác định rõ, phát triển công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có chuyển đổi số là bước đột phá.

Nông nghiệp, nông thôn cũng không đứng ngoài cuộc sự vận động như vũ bão này. Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nông nghiệp được coi là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số là giải pháp đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chuyển đổi số nhìn từ mảnh vườn thửa ruộng (bài cuối): Được hỗ trợ tốt, nông dân sẽ làm hiệu quả  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương thăm một cơ sở sản xuất tại Na Rì (Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Thắng.

Người nông dân muốn phát triển, tận dụng cơ hội, xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng miền thì chuyển đổi số là giải pháp quan trọng.

Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhờ ứng dụng chuyển đổi số, nhiều nông dân đã vượt qua khó khăn, đưa sản phẩm đi nhiều thị trường thông qua sàn thương mại điện tử.

Dù vậy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, của thị trường. Theo ông, để có thể chuyển đổi số thành công, người nông dân cần làm gì?

- Chuyển đổi số vẫn là lĩnh vực mới, khi Chính phủ ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên, các ngành, lĩnh vực đã lập tức vào cuộc, cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp. 

Tôi được biết, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hội nghị về chuyển đổi số nông nghiệp và sẽ ban hành các chính sách cụ thể về chuyển đổi số nông nghiệp.

img

"Nếu cung cấp dữ liệu cho nông dân, chuyển đổi số sẽ được triển khai mạnh mẽ thì nông dân ở bất kỳ vùng miền nào cũng có thể nắm được thông tin, được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức...".

Ông Nguyễn Duy Hưng

Tinh thần chung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 dành nhiều ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Muốn đạt được mục tiêu này, chỉ có con đường duy nhất là chuyển đổi số.

Vậy, để chuyển đổi số thành công, người nông dân cần làm gì? 

Theo tôi, có nhiều việc phải làm. Thứ nhất phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để nông dân biết được mình sẽ tận dụng được những gì từ chương trình chuyển đổi số mang lại để từ đó vượt khó và vươn lên. 

Thứ hai, người dân cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Thứ ba cần nâng cao hệ thống hạ tầng dữ liệu thông tin, kỹ thuật.

Ngoài ra, người dân cần được các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ về vốn tín dụng, hỗ trợ cung cấp thông tin, dữ liệu được tích hợp trên nền tảng số.

Với công nghệ số, chúng ta có thể tích hợp các thông số về đất đai, khí hậu, thông tin thị trường để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, đến các doanh nghiệp. 

 Những nền tảng dữ liệu đó thông qua trí tuệ nhân tạo sẽ giúp nông dân giải phóng sức lao động nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, người nông dân cũng có thể trở thành nhà khoa học và nắm bắt được nhu cầu thị trường, áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Hiện nay, cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số. Ông nhận định như thế nào về tín hiệu tích cực này?

- Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức một hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số nông nghiệp. Qua hội nghị, tôi thấy có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số. 

Nông dân là trung tâm của hoạt động chuyển đổi số, do vậy phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, doanh nghiệp.

Với tiềm lực của mình, doanh nghiệp đầu tư công nghệ thông tin là những người dẫn dắt công nghệ, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả.

Nếu cung cấp dữ liệu cho nông dân, chuyển đổi số sẽ được triển khai mạnh mẽ thì nông dân ở bất kỳ vùng miền nào cũng có thể nắm được thông tin, được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức kể cả khi bà con đang ở vùng núi cao, vùng ven biển hay giữa thủ đô Hà Nội. Nói cách khác, chuyển đổi số sẽ xóa nhòa khoảng cách vùng miền.

Ban Kinh tế Trung ương đang được giao tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp nông dân nông thôn, trên cơ sở đó sẽ tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành một nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chắc chắn, vấn đề về chuyển đổi số sẽ được đề cập đến rất nhiều trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem