Nông dân vựa lúa miền Nam tăng thêm lợi nhuận tới 3,5 triệu đồng/ha nhờ “bí kíp” này
Nông dân vựa lúa ĐBSCL tăng thêm lợi nhuận tới 3,5 triệu đồng/ha nhờ “bí kíp” này
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 01/09/2021 08:18 AM (GMT+7)
Mô hình canh tác lúa thông minh trong vụ hè thu 2021 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã cho kết quả vượt trội khi năng suất lúa bình quân tăng hơn từ 100-300kg/ha, lợi nhuận tăng từ 1,6 - 3,5 triệu đồng/ha so với mô hình canh tác lúa truyền thống.
Tại tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh tại 3 tỉnh Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ trong vụ hè thu 2021 diễn ra chiều 31/8, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, mô hình canh tác lúa thông minh đang đi rất đúng hướng khi tiến dần đến nền nông nghiệp minh bạch, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp thông minh không chỉ đảm bảo tăng thu nhập cho người sản xuất mà còn phải góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, cải thiện môi trường theo hướng "sản xuất nhiều hơn" với đầu tư ít hơn để góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh. Mô hình canh tác lúa thông minh đã làm được điều đó", ông Thanh nói.
Mô hình thắt lưng, buộc bụng
Anh Ngân Văn Phi, nông dân trồng lúa ở xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), cho biết, vụ hè thu này đã là vụ mùa thứ 2 anh canh tác theo mô hình canh tác lúa thông minh và đạt kết quả vượt trội so với lối canh tác truyền thống.
Theo anh Phi, trước đây anh gieo sạ theo kinh nghiệm truyền thống thì phải dùng ít nhất 200 - 250kg lúa giống/ha.
Bây giờ được hướng dẫn kỹ thuật sạ theo khóm nên lượng lúa giống giảm chỉ còn gần 60kg/ha, năng suất lúa vẫn tương đương, thậm chí là vượt trội hơn so với cách làm truyền thống.
Chưa kể, mô hình sạ khóm tiết kiệm được chi phí công gieo mạ và cấy khá cao, dao động 3 - 3,5 triệu đồng/ha.
"Ban đầu, khi nghe nói phải giảm lượng lúa giống tôi băn khoăn lắm, vì kinh nghiệm trồng lúa lâu nay rồi giờ gieo sạ ít đi thì liệu có ảnh hưởng tới năng suất hay không? Rồi phải giảm thuốc BVTV, giảm phân bón nữa… Nhưng nhờ sự tư vấn tận tâm của các nhà khoa học như chú Chiến (TS Hồ Văn Chiến), chú Vệ (GS.TS Nguyễn Bảo Vệ), tôi liều áp dụng theo và bây giờ tôi hết "hoài nghi" với mô hình này rồi", anh Phi cười nói.
Lão nông Trần Văn Út, ngụ xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ở địa phương này đa số là đất phèn nhẹ, nên tập quán bình thường là sạ dầy (khoảng 250 - 300kg lúa giống/ha), chi phí canh tác cao. Nhưng nhờ mô hình canh tác lúa thông minh, nhà nông giảm được lượng giống, giảm cả lượng phân bón, thuốc BVTV…
"Hồi xưa sạ dày, lúc nhỏ nhìn cây lúa tốt nhưng lớn lên thì mật độ cây dày dễ sinh bệnh và chi phí tăng cao. Khi áp dụng chương trình, tôi sạ thưa hơn (khoảng 100kg lúa giống/ha) nhưng cây khỏe, chi phí chăm sóc cũng giảm nhưng năng suất vẫn tương đương, thậm chí nhỉnh hơn từ 30 - 50kg/ha so với canh tác truyền thống", ông Út chia sẻ.
Đánh giá về mô hình này, ông Mai Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết, qua đánh giá cuối vụ lúa hè thu, nông dân trong mô hình đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật được tập huấn vào thực tế sản xuất như: Sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ còn 60-80 kg/ha; áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ…
Kết quả, lúa hè thu trong mô hình cuối vụ đạt trên 7,5 tấn/ha, lợi nhuận trên 27 triệu đồng/ha cao hơn so với ruộng đối chứng là 3,4 triệu đồng/ha, tương đương 14,31% so với canh tác truyền thống.
Tương tự tại Vĩnh Long, nhiều nông dân áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh cho lợi nhuận bất ngờ 28,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất đối chứng ngoài mô hình gần 2,3 triệu đồng/ha, tăng 8,9% so với ngoài mô hình. Đó là do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất nên chi phí giảm, năng suất tăng.
Nhân rộng mô hình
Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền - đơn vị khai sinh ra chương trình canh tác lúa thông minh cho biết, hiện tại vụ hè thu 2021, Đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch được 4/13 tỉnh.
4 mô hình canh tác lúa thông minh tại Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long đã thu hoạch cho năng suất bình quân các hộ tăng hơn ngoài mô hình từ 100 - 300kg/ha, lợi nhuận tăng từ 1.644.000 - 3.400.000đ/ha. Các mô hình còn lại tiếp tục thu hoạch vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ từ các tỉnh, hầu hết mô hình đạt nhiều kết quả tốt. Nhóm nông dân trong mô hình đã có nhiều thay đổi tốt trong việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác hiệu quả vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả mô hình của mình…
Cũng theo ông Ngô Văn Đông, dựa trên những kết quả đạt được qua những mùa vụ vừa qua, các nhà khoa học của Bình Điền sẽ sớm chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để đăng ký chương trình này là tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt, sẽ kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để phát triển và nhân rộng mô hình canh tác này rộng khắp để nông dân trồng lúa có thể học tập, tiến tới mô hình canh tác nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
"Mục tiêu xa hơn của những người làm chương trình chúng tôi là nghiên cứu đánh giá thêm tiêu chí về chất lượng lúa gạo trong các mô hình so với sản xuất đại trà để kết nối đầu ra theo hướng nâng cao giá trị lúa gạo của ngành lúa gạo Việt Nam", ông Đông nói thêm.
Đánh giá về chương trình, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho hay, số liệu tổng kết từ 13 địa phương triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thời gian vừa qua đã chứng minh giải pháp này phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với yếu tố bền vững môi trường.
"Tôi đề nghị Trung tâm Khuyến nông các địa phương mở rộng, nhân rộng mô hình này đến bà con nông dân. Đặc biệt, chính bà con nông dân nên chia sẻ, ứng dụng các tiến bộ này vào chương trình canh tác của chính mình trên ruộng đồng để đảm bảo sản phẩm nông sản làm ra vừa an toàn, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu nhập cho nhà nông và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường", ông Thanh đúc kết.
Qua đánh giá kết quả mô hình canh tác lúa thông minh tại 3 tỉnh Long An, Cần Thơ và Vĩnh Long, các đại biểu đã đánh giá khá cao kết quả của hình thức sạ khóm lồng ghép trong mô hình canh tác lúa thông minh.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả đánh giá chung của mô hình cho thấy năng suất lúa sạ khóm bình quân đạt 7 tấn/ha, cao hơn 0,4 tấn/ha so với năng suất bình quân ruộng đối chứng (sạ lan, sạ hàng, cấy). Hiệu quả kinh tế ruộng lúa sạ khóm đạt trên 27 triệu đồng/ha, cao hơn gần 25% so với hiệu quả kinh tế bình quân ruộng lúa lúa đối chứng.
Chẳng hạn, tại TP Cần Thơ, năng suất bình quân ruộng lúa đối chứng (sạ lan, sạ hàng, cấy) 7 tấn/ha, lợi nhuận 23,8 triệu đồng/ha. Trong khi đó năng suất ruộng lúa sạ khóm đạt 7,54 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,54 tấn/ha. Lợi nhuận mô hình lúa sạ khóm đạt 28,8 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 5 triệu đồng/ha (21%).
Với kết quả vượt xa về năng suất và hiệu quả kinh tế của ruộng lúa sạ khóm so với các hình thức xuống giống khác, Ban Cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã thống nhất đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình đưa hình thức sạ khóm lồng ghép vào mô hình canh tác lúa thông minh trong kế hoạch thực hiện năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.