Nóng gần 50 độ C: Người Việt làm vườn xanh mướt ở sa mạc Sahara

Nguyễn Xuân Định (Trưởng ban Hợp tác Quốc tế-TƯ Hội NDVN) Thứ năm, ngày 20/07/2017 13:31 PM (GMT+7)
Sức người, trí tuệ, quyết tâm và công nghệ có thể biến cát sỏi thành vàng. Dưới cái nóng của nhiệt độ 40-50oC gần sa mạc Sa ha ra, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã khen gợi như vậy trong chuyến thăm các trang trại nông nghiệp xanh mướt của người Việt Nam tại Ai Cập.
Bình luận 0

Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Israel, đoàn đại biểu Hội Nông dân Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn làm Trưởng đoàn bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 7 năm 2017.

img

Chủ tịch Lại Xuân Môn chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Ai Cập.

Tại đây, đoàn có các buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, các Vụ, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp Ai Cập, Hiệp hội Nông nghiệp, thăm trang trại của Việt kiều nhằm tìm hiểu các chính sách của Chính phủ Ai Cập đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều chỉnh luật để tạo điều kiện cho nông dân

Ai Cập là nước không thuận lợi về điều kiện tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp, trên 90% diện tích là sa mạc và chỉ có 9 triệu ha sản xuất nông nghiệp, nhưng kinh tế nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP (gần 350 tỉ USD), 20% giá trị xuất khẩu.

Quy mô diện tích đất canh tác ở Ai Cập cũng tình trạng manh mún, bình quân1,05 ha/hộ. Hiện nay, Chính phủ nước này đang sửa đổi luật để tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện điều kiện sống. Chính phủ Ai Cập đã xóa bỏ mức hạn điền từ những năm 80 của thế kỷ trước, khuyến khích đầu tư theo nhóm hộ để nâng quy mô sản xuất, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, nâng cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

img

Chủ tịch Lại Xuân Môn tặng quà lưu niệm Lãnh đạo Viện Kinh tế Nông nghiệp Ai Cập.

Chính phủ nước này còn tổ chức các hoạt động khuyến nông miễn phí cho nông dân, hỗ trợ nông dân một số loại giống, thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân đối với các mặt hàng chiến lược như bông, bột mì, ngô… với giá thị trường quốc tế. Nông dân Ai Cập được miễn thủy lợi phí,có thể vay vốn đầu tư cho sản xuất với lãi suất chỉ bằng 25% lãi suất ngân hàng thương mại, được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xã hội và được nhận trợ cấp của Chính phủ khoảng 40 USD/người/tháng sau 65 tuổi.

Công nghệ cao hướng tới xuất khẩu

Các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu theo Chương trình của Chính phủ Ai Cập nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho sản xuất nông nghiệp, như hệ thống giống cây trồng sử dụng ít nước, ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao, sử dụng công nghệ vệ tinh phân tích điều kiện sản xuất của từng khu vực, tận dụng sản phẩm phụ trong sản xuất nông nghiệp sản xuất khí…Kết quả nghiên cứu được các trung tâm dịch vụ khuyến nông chuyển giao cho nông dân.

img

Chị Hoàng Thị Kim Liên giới thiệu với Chủ tịch Lại Xuân Môn về trang trại của gia đình tại vườn nho đã cho thu hoạch.

Ngoài việc cử cán bộ khuyến nông, chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn nông dân thì Ai Cập còn huy động cả nông dân giỏi để đào tạo kỹ năng, tay nghề cho nông dân. Nông dân còn được hướng dẫn, khai thác thông tin về đất, nước, giống, phân bón, kỹ thuật bón phân, tưới nước, phòng trừ dịch hại…phục vụ sản xuất kinh doanh của mình theo hình thức  trực tuyến qua thông qua máy tính, điện thoại thông minh.

img

Chủ tịch Lại Xuân Môn thăm vườn chanh không hạt của chị Hoàng Thị Kim Liên.

Chính phủ khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, cây trồng sử dụng ít nước cho giá trị cao để cải tạo đất, hạn chế việc thất thoát nước, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, lượng phân bón hữu cơ, vi sinh chiếm trên 30% tổng lượng phân bón sử dụng tại Ai Cập.

Trên 70% lượng phân bón được sản xuất trong nước và được quản lý chất lượng hết sức chặt chẽ.Chính phủ nước này quy hoạch và cải tạo 1,5 triệu ha đất sa mạc để sản xuất công nghệ cao. Ở khu vực này người sản xuất được hưởng đầu tư cơ bản và hỗ trợ của Chính phủ.

img

Ảnh chủ tịch Lại Xuân Môn thăm Trung tâm Dịch vụ Vệ tinh Nông nghiệp Ai Cập.

Chia sẻ với các đối tác Ai Cập, Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng Ai Cập có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, như về dân số, giá trị sản phẩm nông nghiệp đóng góp trong GDP, chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao hướng tới xuất khẩu, các chính sách an sinh xã hội, song cũng có một số khác biệt, nhưng không lớn. Việt Nam có diện tích chỉ bằng 1/3 diện tích đất của Ai Cập, nhưng nông nghiệp đóng góp gần 20% GDP, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo dự báo, nông nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu và mất lợi thế về nguồn nước ngọt trong sản xuất. Chính vị vậy Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, lựa chọn các loại giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng ít nước hơn, sử dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao đời sống của người nông dân Việt Nam.

Chủ tịch Lại Xuân Môn đánh giá cao việc Ai Cập đang biến sa mạc luôn ở nhiệt độ trên 40oC thành khu vực nông nghiệp xanh, nhất là việc sử dụng công nghệ cao, công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, sử dụng phân bón hữu cơ để biến đất nghèo dinh dưỡng thành màu mỡ, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người dân.Việt Nam sẽ nghiên cứu các kinh nghiệm này để có thể áp dụng tại Việt Nam.

img

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long báo cáo với Chủ tịch Lại Xuân Môn về tình hình Ai Cập và quan hệ Việt Nam – Ai Cập 

Chia sẻ với đoàn, đại diện các cơ quan, đơn vị của Ai Cập đoàn tiếp xúc và làm việc đều bày tỏ sự khâm phục Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược giành độc lập, cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay. Khẳng định Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ai Cập, có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Ai Cập rất mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam. Hy vọng, trong thời gian tới Việt Nam và Ai Cập có thể thúc đẩy hợp tác trong việc trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thương mại những mặt hàng hai bên có lợi thế.

Trước đó, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và  thăm một trang trại người Việt Nam trên sa mạc Sa-ha-ra. Chủ trang trại là chị Hoàng Thị Bích Liên cho biết, trang trại có diện tích 130 ha được trồng các loại cây như chanh, nho, ớt…Hầu hết các sản phẩm của trang trại được xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Với vốn liến ban đầu, gia đình chị chỉ có đủ tiền mua được 20 ha đất, tiền vốn đầu tư trang thiết bị, cây giống, phân bón phải đi vay. Sau hơn 10 năm lao động vất vả, hiện nay tổng số vốn chị có lên tới trên 1 triệu USD. Dưới nắng nóng gần 50oC, ngắm những vườn chanh, nho, ớ xanh tốt, Chủ tịch Lại Xuân Môn bày tỏ sự thán phụcnghị lực và quyết tâm của gia đình chị. Chủ tịch cho rằng “Sức người, trí tuệ, quyết tâm và công nghệ có thể biến cát sỏi thành vàng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem