Đó là Nghị quyết về “Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030” (với 88,5% số ĐB tán thành) và Nghị quyết về “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn TP.Hà Nội” giai đoạn 2012-2016 (85% số ĐB tán thành).
Năm 2015, đạt 231 triệu đồng/ha
Nghị quyết về quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp “vẽ” nên bức tranh tương lai của nông nghiệp thủ đô với nhiều con số ấn tượng như: Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 169,88 nghìn tỷ đồng (vốn có ngân sách khoảng 29,84 nghìn tỷ đồng); giá trị sản xuất đặt ra cho giai đoạn 2015 là 231 triệu đồng/ha, giai đoạn 2016-2020 đạt 340 triệu đồng/ha.
|
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Xuân Việt phát biểu tại HĐND sáng 4.4. |
Nền nông nghiệp của một đô thị đất chật người đông như Hà Nội được xác định không chỉ cao về năng suất mà còn phải tăng về giá trị, hàm lượng khoa học công nghệ, đảm nhận thêm vai trò là “vành đai xanh” cho đô thị trung tâm... Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong những trọng tâm. Nghị quyết đã đề xuất quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia tại vùng ven sông Đáy với quy mô lên đến 300ha vừa làm công tác nghiên cứu và sản xuất giống, hàng hoá nông sản.
Trước đó tại phiên thảo luận, một số đại biểu (ĐB) vẫn tỏ ra hoài nghi về tham vọng mức thu nhập 231 triệu đồng/ha vào năm 2015 trong tờ trình của UBND thành phố. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NNPTNT Hoàng Thanh Vân dẫn ra những thuận lợi và quyết tâm của các cấp chính quyền và cho rằng con số đó hoàn toàn đạt được. Ông Vân dẫn thực tế hiện nay, nhiều khu vực tại Hà Nội đã có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Phải coi đầu tư nông nghiệp là an sinh xã hội
Nghị quyết về “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012-2016 được coi là một trong những động thái đầu tiên để cụ thể hoá tham vọng đó. Các ý kiến tham gia tại buổi thảo luận đã góp ý để thực hiện các chính sách này một cách hiệu quả, đơn giản nhưng tránh trùng lặp, lãng phí. Có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh nguồn lực hàng năm còn hạn chế, UBND thành phố cần tập trung hỗ trợ trước cho các xã đang tiến hành xây dựng nông thôn mới.
Nền nông nghiệp của một đô thị đất chật người đông như Hà Nội được xác định không chỉ cao về năng suất mà còn phải tăng về giá trị, hàm lượng khoa học công nghệ, đảm nhận thêm vai trò là “vành đai xanh” cho đô thị trung tâm...
ĐB Nguyễn Hữu Thắng (Từ Liêm) cho rằng phải tăng thêm hỗ trợ; đặc biệt phải chú ý hỗ trợ khâu sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đồng đều về chất lượng, quy cách… mới có thể tạo ra một thị trường nông sản nông nghiệp giá trị cao. Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong phân tích: Hiện tổng mức đầu tư về nông thôn lên đến 39% ngân sách; tuy nhiên, mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 7%; trong đó, nếu loại trừ các công trình thuỷ lợi, tổng đầu tư ngân sách nhà nước cho sản xuất nông nghiệp chỉ còn 3,4%. ĐB Phong đặt câu hỏi, liệu mức đầu tư đó có tương xứng với một lĩnh vực nuôi sống xấp xỉ 60% dân số của thủ đô? “Nên xác định đầu tư nông nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội” - ông Phong nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch TP.Hà Nội Trần Xuân Việt đã tiếp thu những đóng góp của các ĐB. Ông Việt cũng khẳng định, dựa trên ngân sách được cấp hàng năm, UBND thành phố sẽ bố trí ngân sách để thực hiện thành công những cơ chế, chính sách được đưa ra trong các nghị quyết này.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.