Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đặt mục tiêu đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm
TP.HCM đặt mục tiêu tăng giá trị nông nghiệp công nghệ cao lên 1 tỷ đồng/ha mỗi năm
Nam Bình
Thứ sáu, ngày 06/10/2023 12:37 PM (GMT+7)
Tính chung cả giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha của TP.HCM đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. TP phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
TP.HCM định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao từ rất sớm
Tại Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS. Phạm Đình Dũng, Trưởng BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), cho biết TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đô thị hóa diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong phát triển nông nghiệp.
TP.HCM đã có chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao từ khá sớm.
Ngày 7/5/2010, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, và tầm nhìn đến năm 2025.
Trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021-2025), Đảng bộ TP.HCM cũng nêu rõ: Phát triển nông nghiệp TP.HCM là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.
Trong đó, TP.HCM xác định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất. Đây là đúng định hướng, phù hợp và góp phần tăng năng suất sản lượng, chất lượng, giá trị gia tăng của cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, TP.HCM đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, TP.HCM tiếp tục thực hiện hiệu quả, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn; phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao.
Với khởi đầu là sự hình thành và phát triển AHTP đầu tiên trong cả nước, tiếp sau đó là Trung tâm Công nghệ sinh học, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đi đúng hướng và phù hợp với sự phát triển chung của Thành phố.
TP.HCM gia tăng giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao
Theo Trung tâm AHTP, GRDP ngành nông nghiệp TP.HCM tăng từ 3.413 tỷ đồng (năm 2010) lên 4.462 tỷ đồng năm 2015.
Kết quả này giúp tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm và tăng lên 5.268 tỷ đồng năm 2020, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước (2,54%/năm).
TS. Dũng cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện nay, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hàng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP.HCM giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên 1ha đất vẫn tăng hàng năm. Năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm.
Tính chung cả giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển. AHTP tiếp tục khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Dũng chia sẻ nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM cũng đang đối diện nhiều thách thức, cần được nhận diện rõ.
Vi thế, Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức nhằm mục tiêu tập hợp các luận cứ khoa học, làm cơ sở đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố.
"Hội thảo mong muốn góp phần thay đổi và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước", TS. Phạm Đình Dũng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.