Vì sao có thực trạng này và chúng ta cần phải làm gì để gỡ các “nút thắt” cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay là chủ đề đã được NTNN trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Về vấn đề này, NTNN đã trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp đang kiệt sức
Thưa ông, có thể nói trong nhiều năm qua, nhất là từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, rồi suy giảm kinh tế 2011, nông nghiệp (NN) đều là “cứu cánh” cho nền kinh tế nước ta. Song vì sao, chúng ta vẫn cứ “bỏ quên” NN đến độ “bết bát” như thời điểm này?
- Không ai phủ định là công của NN rất nhiều, vừa tạo ra an ninh lương thực, vừa là ngành duy nhất xuất siêu, giúp cân bằng lạm phát. Phải khẳng định, thời gian vừa qua chúng ta đã có nhiều chính sách về NN, song đây cũng là thời điểm cần xem xét lại mức độ quan tâm đến NN.
Có thể đánh giá mức độ quan tâm của xã hội đến NN theo tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với tỷ lệ của NN đóng góp cho GDP chung và của nhà nước theo tỷ lệ đầu tư công cho sản xuất NN. Ở Việt Nam, cả hai tiêu chí này đều thấp so với mức trung bình các nước đang phát triển. Điều đó cho thấy, sự quan tâm về chính sách là chưa ổn.
Bây giờ phải đặt câu hỏi, vì sao công lao của NN lớn như thế, mà chúng ta lại đối xử tệ với NN như vậy?. Khách quan mà nói, nhà nước còn nghèo, chưa có lực đầu tư cho nông nghiệp. Theo kinh nghiệm chung, càng công nghiệp hóa, tỷ trọng GDP của NN càng giảm, khi nào giảm tỷ lệ này xuống đến 15%, trở xuống thì nhà nước bắt đầu lấy từ công nghiệp đầu tư vào NN, bắt đầu trợ cấp, bảo hộ.
Hiện nay tỷ lệ này ở Việt Nam là 20% và đang tiếp tục giảm. Xã hội thôi không thu thuế, lấy phí của nông nghiệp nữa nhưng chưa có sức đầu tư nhiều vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nông thôn quá yếu thì trợ giúp sau đó là quá muộn rồi. Nhiều nước công nghiệp sẽ chỉ còn những nền nông nghiệp kém cạnh tranh, nếu không có bảo hộ là không thể sống sót.
Trên thực tế, nền NN của chúng ta hiện nay rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai, thị trường, dịch bệnh. Phải chăng, đây chính là thời điểm chúng ta cần phải tập trung đầu tư cho NN nhiều nhất?
Tuy ở Việt Nam, hiện tỷ trọng GDP của NN vẫn chiếm 20%, đúng ra vẫn đang là giai đoạn có thể lấy đi, song thực tế trải qua chiến tranh, phát triển kinh tế không hợp lý, thiên tai, dịch bệnh kéo dài, nông thôn đang kiệt sức. Đã đến lúc nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp là cấp thiết.
Ở các tỉnh cũng vậy thôi, đợt vừa rồi tôi đi một loạt các tỉnh, thì thấy nhiều tỉnh thuần nông như Thái Bình, An Giang… ngân sách tỉnh còn phải do trung ương cấp bù, thì họ lấy đâu ra tiền để đầu tư cho NN ? Mặt khác, cũng không thể đòi hỏi nhà nước đầu tư cho nông nghiệp khi đất nước chưa đến giai đoạn có tiền thu về nhiều từ các ngành phi nông nghiệp.
|
Nhiều chính sách tam nông vẫn chưa đi vào đời sống khiến nông dân chưa được hưởng lợi (ảnh minh hoạ). |
Nghĩa là hiện nay, chúng ta chưa thể dồn nhiều nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp như mong muốn?
-Theo tôi, vấn đề chính của NN trong giai đoạn hiện nay không phải là đòi nhà nước đầu tư. Mà vẫn còn dư địa để áp dụng các chính sách “cởi trói” về cơ chế, tổ chức, quản lý tài nguyên, cho NN những cái đáng mà chưa được hưởng. Thành công rõ nhất của nhóm chính sách này là “Khoán 10”, tự do hóa thương mại trước đây. Khi đó NN phát triển đột phá có phải nhờ tiền đầu tư đâu ? mà chỉ cần cởi trói. Bây giờ, một trong những dây trói ràng buộc là chính sách đất đai. Chẳng hạn như, hãy để cho người sản xuất giỏi gom đất làm ăn lớn, rồi đất ở các nông lâm trường sử dụng lãng phí, sao không giao cho người dùng hiệu quả đi ?… Cái đó hoàn toàn không mất tiền.
Về các tài nguyên khác cũng còn lãng phí. Ví như khoa học, một phần tư thế kỷ sau đổi mới, vẫn cứ làm theo cơ chế xin – cho. Cơ quan tài chính ban cho cơ quan quản lý, cơ quan này phát cho đơn vị nghiên cứu theo từng đề tài. Không thiếu tiền mà tiền không đến tay người làm.
Sao không sớm hình thành các Quỹ nghiên cứu (như chiến lược đã được Chính phủ mới thông qua). Quĩ có đại diện của người sản xuất quản lý để đặt hàng các nhà khoa học cung cấp cho nông dân đúng giống, thiết bị, máy móc họ cần; còn một phần giao cho các cơ quan quản lý sản xuất đặt hàng những công trình mang tầm chiến lược, dài hạn. Để các cơ quan quản lý khoa học, tài chính lo làm chính sách, thể chế có tốt hơn đi chia tiền không ?.
Các tài nguyên khác như vốn liếng, tài sản, con người,… cũng còn mênh mông dư địa để khai thác cho dân.
Kể từ khi có Nghị quyết T.Ư 7, đã có hàng loạt chính sách về tam nông được ban hành, dài hạn có, ngắn hạn có, nhưng có vẻ như các chính sách đó không thực tế, đến độ có đại biểu phải nói: Nông dân đang “mắc cạn” giữa rừng văn bản. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
-Trên thế giới, vai trò của nhà nước trong định hướng cơ chế thị trường không phải là dò từng bước, tháo từng đoạn, mà là định hướng, dựng ra được các khung pháp lý để nhân dân định hướng rõ hướng đi, biết rõ cái khung hành động, chứ không phải cứ loanh quanh với việc tháo gỡ, đẩy chỗ nọ, ngăn chỗ kia. Vì thế, ở nhiều nước không có các chương trình mục tiêu quốc gia kiểu như dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới… như nước ta. Quan trọng nhất là họ xây dựng luật và cứ theo luật mà làm.
Theo tôi, chúng ta cần ít xây dựng chính sách ngắn hạn, chia cho từng đối tượng nhỏ lẻ, sử lý từng vấn đề cụ thể đi, mà phải định hướng bằng luật. Thực tế, các chương trình là nguy cơ để các ngành cầm tiền, chia sẻ, ban phát, tạo cơ hội cho các nhóm hưởng lợi chạy vạy, vận động. Tóm lại, chính sách là phải tin cậy được, thêm nữa là phải minh bạch được, thì lúc đó người dân họ mới đón biết được tương lai, để đầu tư dài hạn cho cuộc sống của mình.
Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để “cứu nguy” cho ngành NN nước ta hiện này?
- Có nhiều giải pháp, song theo tôi, trước hết, cần có một lý luận phát triển đúng, đó chính là tái cơ cấu nền kinh tế, “xóa cờ đi chơi lại”. Sau đó, nói về vướng mắc thì thể chế, tức là tổ chức có nhiều vướng mắc nhất. Lực lượng sản xuất của chúng ta hiện nay đi rất nhanh, nhưng quan hệ sản xuất vẫn như thế. Cụ thể, ở nông thôn hiện sản xuất NN vẫn là các hộ tiểu nông, trong khi hiện chúng ta đang hội nhập toàn cầu, nếu không phát triển thành các hộ sản xuất lớn, trang trại lớn, hợp tác xã, quan hệ sản xuất theo kiểu các hộ tiểu nông sẽ không thể đi vào tương lai.
Vướng mắc thứ hai là, thượng tầng kiến trúc lạc hậu so với hạ tầng cơ sở. Trong khi nền kinh tế đã có nhiều thành phần, nhất là kinh tế tư nhân, hội nhập thế giới năng động thì các tổ chức bộ máy của mình từ bộ, ngành, đến đoàn thể vẫn y như trước, thì làm sao hạ tầng cơ sở phát triển được ?
Hai cái đó, chính là mâu thuẫn lớn. Nông dân bức xúc về đất đai, ô nhiễm,… cần giúp về pháp lý, thông tin nhưng Hội đoàn thì cứ đủng đỉnh họp hành, thăm quan; công nhân thì mâu thuẫn lương bồng, bữa ăn, nhà ở, cần vay vốn, học nghề, bảo vệ nhưng công đoàn vẫn bình tĩnh hòa giải, thi đua,.. thì làm sao phát triển vững bền được ?
Nói tóm lại, chúng ta cần giải quyết các vướng mắc về lý thuyết phát triển, tổ chức thể chế, điều phối tài nguyên, trọng tâm là con người phải được cởi trói, nâng niu, phải được tổ chức lại, phát huy dân chủ và sáng tạo.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện)
“Có thể thấy, số tiền mà chúng ta đang dùng trong đầu tư công cho tam nông hiện nay còn rất ít, nhưng cũng dùng chưa thực sự hiệu quả. Tiền trong nông nghiệp, phần lớn đổ vào thủy lợi với nhiều công trình lớn hàng nghìn tỷ đồng, còn tiền cho khuyến nông, nghiên cứu,.. thì còn ít. Hay như tiền trong xây dựng nông thôn mới, phần lớn vẫn đổ vào điện- đường- trường, trụ sở xã, chợ…, trong khi các công trình cụ thể cho người dân như hố xí, nhà tắm, bếp, giếng nước… thì chưa huy động làm tốt. Tiền dành cho nông dân phần nhiều là để dạy nghề, tuy vẫn còn rất ít nhưng so với giáo dục cách sống, chống bạo lực gia đình, chống hủ tục, cải thiện dinh dưỡng…thì thật chênh lệch.”.
Tuy thiếu nhưng định hướng đầu tư ở nông nghiệp nông thôn không rõ ràng. Tiền trong ngân hàng vẫn chưa cho nông dân vay thuận tiện. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp vẫn không biết phải xoay sở ra sao, Người có tiền ở nông thôn vẫn chỉ biết xây nhà, mua xe và tiêu xài phung phí. (TS. Đặng Kim Sơn)
Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.