Nông nghiệp giữ vững kỳ tích giữa đại dịch Covid-19 (bài cuối): Dư địa xuất khẩu nông sản còn rất lớn
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 11/10/2021 17:50 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, dư địa xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên, các ngành chức năng, các địa phương cần sớm gỡ khó những vướng mắc trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Bắc Giang khó khăn thế sao vải thiều vẫn đi Mỹ, Nhật?
Đánh giá về những kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự điều hành linh hoạt của Bộ NNPTNT cùng sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã giúp ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội.
"Trong bối cảnh đó, để đảm bảo sản xuất, lưu thông nông sản được thông suốt, đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM và các tỉnh Nam bộ phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, Bộ NNPTNT đã lập 2 tổ công tác đặc biệt ở phía Nam và phía Bắc, cùng lãnh đạo Bộ, các cơ quan chức năng, địa phương triển khai hết sức quyết liệt, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông tiêu thụ nông sản, đưa ra những sáng kiến mới giúp nông dân tiêu thụ nông sản" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, trong những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp lại xuất hiện nhiều cách làm mới, hiệu quả, tạo nền tảng cho những bước phát triển sau này.
"Chưa bao giờ nông sản lên sàn thương mại điện tử nhiều đến vậy, các sàn cũng làm rất bài bản, tiêu biểu là vải thiều Bắc Giang. Nếu tính cả các địa phương khác thì vụ vải thiều năm 2021 sản lượng lên đến 341.000 tấn, tăng so với năm 2020 nhưng việc tiêu thụ vẫn thuận lợi, được mùa được giá dù thời điểm đó Bắc Giang đang là điểm nóng của dịch Covid-19. Đó là nhờ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương gỡ khó ngay những điểm nghẽn trong lưu thông, đa dạng hóa các kênh phân phối" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Từ cách làm của Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tổng kết và nhân rộng mô hình này ra các địa phương vì dư địa xuất khẩu nông sản còn rất lớn, chỉ là sản phẩm của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các thị trường hay không?
"Tại sao dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó thế mà Bắc Giang vẫn đưa được vải thiều sang Mỹ, Nhật Bản, Đức,... Đó là bởi họ đã có một quá trình chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng từ việc xây dựng mã số vùng trồng đến quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế đến quảng bá sản phẩm. Tất cả đều có các kịch bản phù hợp với từng tình huống" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lý giải.
Ưu tiên đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản
Dù cơ hội xuất khẩu nông sản rất lớn nhưng theo nhận định của Bộ NNPTNT, những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm là rất lớn.
Đó là, nhiều loại nông, lâm thủy sản đang tồn đọng với số lượng lớn, việc tiêu thụ gặp khó khăn dù các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội.
Việc vận chuyển, lưu thông nông sản, vật tư sản xuất còn nhiều vướng mắc dù Chính phủ, các bộ ngành đã có quy định chung nhưng khi áp dụng ở các địa phương lại không thống nhất.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhất là xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 44 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Phối hợp, hướng dẫn các địa phương phía Bắc duy trì tốc độ tăng trưởng ngành, đồng thời bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư và sản phẩm chăn nuôi cho các tỉnh/thành phố đang gặp khó khăn; các tỉnh khu vực phía Nam tập trung hỗ trợ phát triển, tiêu thụ và xây dựng kế hoạch phát triển sau khi hết giãn cách.
Phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị tốt các phương án sản xuất bảo đảm cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
"Hiện, lượng người dân từ các thành phố lớn về quê tránh dịch rất đông, phải tăng tốc sản xuất để cung ứng đủ lương thực thực phẩm, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng phương án huy động nguồn nhân lực để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán gói sản phẩm nông sản Việt Nam - Brazil, với EU về việc điều chỉnh danh mục gạo thơm xuất khẩu vào EU được hưởng thuế 0% theo EVFTA.
Đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác đặc biệt , tổ chức thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.
Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… nông sản đang vào vụ thu hoạch) sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc,…
Đẩy mạnh hoạt động “Quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực”.
Hướng dẫn thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khi xuất sang Trung Quốc.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.