Nông nghiệp làm ra hơn 10 đồng nhưng chỉ được đầu tư có... 3 đồng
Là trụ đỡ nền kinh tế, nhưng nông nghiệp chỉ được đầu tư... 3,6%
Danh Hùng
Thứ năm, ngày 02/06/2022 15:05 PM (GMT+7)
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội sáng 2/6, lĩnh vực nông nghiệp một lần nữa được nhiều đại biểu nhắc tới khi được coi là trụ đỡ, góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch nhưng đầu tư cho lĩnh vực này vẫn vô cùng khiêm tốn.
Đánh giá cao và ấn tượng với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và tái cơ cấu đối với nền nông nghiệp, tuy nhiên đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, khâu tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cho cả giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhất là nông dân nhiều nơi cũng đang loay hoay với vòng luẩn quẩn vì giá vật tư tăng cao và điệp khúc được mùa mất giá; lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Sản xuất nông nghiệp thì lặp lại với điệp khúc: vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao; ngư dân khai thác thủy sản thì gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Ngư dân cũng như nông dân rất mong Chính phủ có những chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với xăng dầu cũng như vật tư đầu vào để yên tâm sản xuất.
Đại biểu Hoa Ry nêu lên nghịch lý rất đáng suy ngẫm, đó là: "Lĩnh vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36% nhưng nếu xem xét đầu tư công cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025 thì cả trung ương lẫn địa phương còn khoảng 100.000 tỷ trên tổng số 2,8 triệu tỷ trong tổng ngân sách đầu tư, nghĩa là chỉ chiếm 3,6%. Tôi thiết nghĩ bên cạnh chiến lược, sự quyết tâm thì cũng cần phải có nguồn lực đủ mạnh, tương xứng và có giải pháp phù hợp thì chiến lược mới sớm đi vào cuộc sống".
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Trong hơn 2 năm qua khi đất nước bị tác động mạnh bởi dịch covid thì nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở để đảm bảo sự ổn định và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Nông nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nhưng việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội vào nông nghiệp chưa tương xứng với những đóng góp của nền nông nghiệp đối với quốc gia và xã hội. Nông nghiệp vẫn chưa là mảnh đất hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Vai trò kinh tế tập thể còn mờ nhạt
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Thi: Kinh tế HTX trong nông nghiệp có vai trò quan trọng nhưng vẫn chưa hấp dẫn, chưa thu hút được số đông nông dân tham gia HTX.
Hiện nay số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1,4 trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, vốn sản xuất kinh doanh chiếm 1,1%. Đối với HTX thì chủ yếu là quy mô nhỏ, hiện có tới 65% số HTX chỉ có dưới 10 lao động.
Những chính sách trong gói hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội thì các doanh nghiệp, HTX và nông dân được thụ hưởng từ chính sách này chưa nhiều. Chưa kể người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá nông sản không tăng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và thu nhập của người nông dân.
Theo đại biểu Thi, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là sự phân tán về đất đai, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và vấn đề tiêu thụ nông sản.
Việc tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay cần bắt đầu bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ hộ gia đình sang HTX gắn với đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành liên kết nông dân – HTX – doanh nghiệp.
Từ những kiến nghị trên, đại biểu Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét xây dựng những chính sách phù hợp cả về đất đai, thuế, tín dụng và khoa học công nghệ… trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ nông dân trong công tác dự báo thị trường, định hướng và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay thì đây cũng chính là giải pháp giảm sự lệ thuộc vào phân hóa học, giảm chi phí cho nông dân và nâng cao chất lượng nông sản.
Theo đó, Chính phủ nghiên cứu có chính sách đặc thù để tạo động lực thúc đẩy nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là việc để cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.