Quang Sung
Thứ bảy, ngày 13/01/2024 11:56 AM (GMT+7)
Nông nghiệp TP.HCM phải là nông nghiệp nghiên cứu, trình diễn để lan tỏa mô hình trong phát triển những giống cây, con chất lượng cao, phù hợp xu hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 diễn ra ngày 12/1, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, nông nghiệp TP.HCM phải phát triển theo hướng công nghệ cao.
TP.HCM có diện tích phát triển nông nghiệp hạn chế, do đó cần phát triển thành phố thành điểm nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm những giống cây, con công nghệ cao. Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của khu vực và cả nước.
Nông nghiệp ở TP.HCM là nông nghiệp thử nghiệm để lan tỏa
“Thành phố phải là nơi nghiên cứu, cung cấp, chuyển giao con giống và hình thành lên những cánh tay nối dài đến các vùng nguyên liệu. Sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM phải là nông nghiệp thử nghiệm để trình diễn, để lan tỏa, không phải để bán”, ông Hoan cho biết.
Chia sẻ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, bà Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn Lan Việt chuyên nhân giống và nuôi trồng sản phẩm lan Dendrobium - cho biết, dòng lan này có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên giống hoa lan chất lượng còn khan hiếm.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan Dendrobium là một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Công nghệ cao giúp người nông dân trồng lan đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, HTX của chị Phượng đã đã ươm tạo thành công giống lan Dendrobium trong phòng lab. Hiện chị đã liên kết với nhiều vườn để chuyển giao công nghệ và cung cấp cây pot (cây con). Sản phẩm của HTX đã được nhà vườn ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp… sử dụng, đem lại hiệu quả cao.
“Việc ứng dụng công nghệ cao khi trồng hoa lan Dendrobium sẽ giúp ngành này phát triển bền vững. Công nghệ cao giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của ngành trồng hoa lan Dendrobium, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường”, chị Phượng cho biết.
Được biết, năm 2023, diện tích trồng hoa, cây kiểng của TP.HCM là 2.335ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ, trong đó hoa lan chiếm 305ha.
Thông tin từ Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, năm 2023, GRDP toàn ngành nông nghiệp thành phố tăng 1,53%; giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng/ha, tăng 1,57%; tỷ trọng giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm 73%.
Năm 2023, Sở NNPTNT thành phố đặt ra 18 chỉ tiêu chính, trong đó có 10 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch.
Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, đối với nhóm hoa lan Dendrobium quy mô 1000m2: lợi nhuận đạt khoảng 122 triệu đồng/1.000m2/5 năm. Trong đó, trường hợp sử dụng 100% vốn tự có và trường hợp sử dụng 70% vốn vay thì thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lợi nhuận là 2 năm. Do vậy, đầu tư vào mô hình trồng hoa lan Dendrobium có khả thi để đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế và có thể thu hồi vốn nhanh hơn mô hình lan Mokara.
Nông dân trồng rau cũng phải biết đến OCOP, thương hiệu Vàng nông nghiệp...
Để phát triển phù hợp với xu thế trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan đề nghị, ngành nông nghiệp thành phố cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phải lấy tín hiệu thị trường, lấy thị trường làm thước đo động lực và mục tiêu để phát triển ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố phải phát triển gắn liền với những tiêu chuẩn, chương trình như tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chương trình OCOP, chương trình thương hiệu Vàng nông nghiệp thành phố…
Ông Mai Văn Khánh - Giám đốc HTX rau sạch GAP cho biết, thời gian qua, HTX đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra được sản phẩm phong phú về mẫu mã và chất lượng. Từ đó phát huy tối đa sáng tạo của xã viên, khắc phục việc phát triển manh mún, không đủ số lượng để cung ứng cho thị trường. Ngay từ đầu, HTX chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành viên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ…
Theo ông Khánh, chương trình OCOP đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 5 đơn vị sản xuất rau củ quả được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với tổng diện tích 6,81ha, sản lượng 400-500 tấn/năm. Lượng hạt giống rau các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã sản xuất đạt 150 tấn, nhập khẩu 1.073 tấn và xuất khẩu 85,6 tấn.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM nhận định, ngành nông nghiệp thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn và hàm lượng tri thức cao. Do đó, năm 2024, ngành nông nghiệp thành phố cần nhiều nỗ lực, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị năm 2024, ngành nông nghiệp TP.HCM cần kết nối với các địa phương trong khu vực, tận dụng thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tăng cường hỗ trợ các nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.