Nông nghiệp Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong - un có gì khác biệt?

Khánh Nguyên (t/h) Thứ tư, ngày 27/02/2019 19:00 PM (GMT+7)
Những chính sách cải cách mạnh mẽ trong nông nghiệp dưới thời ông Kim Jong - un đã giúp sản lượng lương thực của Triều Tiên tăng tới 30%. Ông Kim Jong - un được cho là đang quan tâm đến vấn đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp khi trong các chuyến công du nước ngoài, một trong những lĩnh vực được ông quan tâm là nông nghiệp.
Bình luận 0

Sản lượng nông nghiệp tăng 30% nhờ cải cách

Năm 2011, khi ông Kim Jong - un lên nắm quyền, Triều Tiên được mùa, kết quả đó giúp nước này giảm được một nửa số người dân không tự túc được lương thực, từ 6,1 triệu xuống 3 triệu người. Tuy nhiên, điều đó không khỏa lấp được thực trạng lạc hậu trong khâu sản xuất. Chính điều đó đã thúc đẩy nhà lãnh đạo mới thực hiện công cuộc cải cách.

img

Nhà lãnh đạo KIm Jong - un xuống đồng kiểm tra chất lượng cây khoai tây ở nông trang Junghung (thị trấn Samjiyo, tỉnh Yanggang). Ảnh: I.T

Theo đó, sau nhiều thập niên bàng quan trước những biến đổi của thế giới, chính quyền Triều Tiên cuối cùng cũng đã thực thi những chính sách đổi mới kinh tế. Chính sách mới, vốn rất tương đồng với những thực nghiệm từng được Trung Quốc triển khai cuối những năm 1970, đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố hôm 28/6/2012 (chỉ thị 6.28).

Về cơ bản, “chỉ thị 6.28” bao gồm 2 thay đổi lớn. Một là, quy mô của tổ đội sản xuất tại các trang trại hợp tác xã của Triều Tiên đã được giảm từ 15 người xuống những nhóm nhỏ hơn từ 5-6 người. Điều này có nghĩa là, quy mô các tổ đội sản xuất mới giờ tương đương với số thành viên trong mỗi hộ gia đình.

Do đó, có thể hiểu rằng, giờ đây mỗi gia đình nông dân Triều Tiên có thể khai báo là một tổ đội sản xuất. Điều này là vô cùng có ý nghĩ khi xét tới thay đổi lớn thứ hai.

img

Chủ tịch Kim Jong - un thăm trại chăn nuôi gia súc Un Gok ở tỉnh Nam Pyongan. Ảnh: Reuters.

Kể từ cuối những năm 1950 đến nay, nông dân Triều Tiên buộc phải giao nộp toàn bộ sản lượng cho chính quyền. Đổi lại, họ được nhận tem phiếu lương thực và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Điều đó có nghĩa là dù làm việc ra sao họ vẫn chỉ nhận được lượng tem phiếu nhất định cùng một lượng nhỏ tiền.

Nhưng với hệ thống mới, mọi thứ sẽ khác trước rất nhiều. Các đội sản xuất sẽ được phép giữ lại 30% sản lượng mình làm ra. Có thể hiểu là họ có quyền bán những gì mình không dùng đến trên thị trường tự do, và/hoặc theo những cách khác mà họ thấy phù hợp, ví dụ như các vật nuôi để bán hoặc tiêu thụ.

Những tín hiệu đầu tiên cho thấy kết quả của những cải cách là rất khả quan, cải cách đã khiến sản lượng lương thực lập tức tăng 30%.

img

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm nông trại Jangchon. Ảnh: REUTERS

Tiếp đó, năm 2014, Chủ tịch Kim Jong - un thông qua chính sách quản lý sản xuất nông nghiệp mới, lấy tổ hợp tác làm mô hình nòng cốt. Tổ hợp tác gồm 15 - 20 người, tổ trưởng chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày, chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện theo chỉ thị, hướng dẫn của các tổ chức đảng địa phương theo đúng tinh thần “tư tưởng chủ thể trong nông nghiệp”.

Tiêu chí đặt ra với người được chọn làm tổ trưởng không chỉ đơn thuần là người có khả năng lãnh đạo, mà còn phải có kiến thức về phương thức canh tác nông nghiệp mới, biết sử dụng phương tiện sản xuất hiện đại và có tiềm năng lãnh đạo tương lai.

img

Nông trại Jangchon được ví như một bức tranh. Ảnh: Zing.

Mô hình đẹp như một bức tranh

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ điều hành kinh tế của Chủ tịch Kim Jong - un kể từ khi ông được bầu làm lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 12/2011.

“Các anh cần bao nhiêu máy, chủng loại gì để hỗ trợ cho công việc đồng áng, đừng ngần ngại báo lên tổ chức Đảng, Đảng sẽ làm hết sức mình. Hiện đại hóa toàn diện nông trang là nhiệm vụ cốt lõi giúp cho mọi lý tưởng của nông dân trở thành sự thật” - Chủ tịch Kim Jong - un phát biểu trong lần thăm nông trang Junghung ở thị trấn Samjiyo, tỉnh Yanggang giữa năm 2018.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các tướng lĩnh quân đội xem xét các bắp ngô được trồng tại Nông trường số 1116 nằm dưới sự quản lý của Đơn vị 810 thuộc quân đội Triều Tiên.

Đều đặn hàng năm, ông có những chuyến thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và đưa ra các chỉ thị giúp địa phương cơ sở vượt qua rào cản về cơ chế và ứng dụng khoa học.  

Điều đặc biệt ấn tượng là, bên cạnh những nơi còn canh tác theo phương thức lạc hậu, theo tờ Los Angeles Times, ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng có những nông trại được trang bị nhiều hệ thống canh tác cải tiến, điển hình trong số đó là nông trang Jangchon. Tại đây, các gia đình được trang bị pin mặt trời, có nhà trẻ và phòng khám cộng đồng.

img

Một cánh đồng lúa của Triều Tiên. Ảnh: I.T

Được giới thiệu là nông trại điển hình của Triều Tiên với 5.000 nhân khẩu, 665 nhà kính, nhưng Jangchon lại vắng bóng người, hầu như không có hoạt động gì và sạch đến ngạc nhiên. Cách Bình Nhưỡng khoảng 30 km, Jangchon được mô tả là điều Chính phủ Triều Tiên muốn xây dựng và mở rộng trong cả nước. 

Khác với hình dung về đất bụi thường thấy ở các nông trại trên thế giới, toàn khu nông trại điển hình của Triều Tiên sạch bóng. Nông trại quy hoạch chỉn chu với những con đường thẳng tắp trải nhựa hoặc đá dăm, không hề có bất cứ sự dơ bẩn đất đá sình lầy.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un cũng từng đến nông trại này và dành nhiều lời ngợi khen rằng Jangchon đẹp như một bức tranh. 

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức cho nông nghiệp ổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây cho hay Triều Tiên chủ yếu sản xuất được rau củ và ngũ cốc, nhưng do hạn hán nên sản lượng đã giảm nhiều. FAO còn cảnh báo tình trạng đói nghèo sẽ ngày càng trầm trọng hơn ở nước này.

Sẽ còn cải cách nhiều hơn nữa

Theo đánh giá của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) năm 2018, Triều Tiên vẫn là 1 trong 40 quốc gia (31 quốc gia trong số đó ở châu Phi) còn cần phải trợ giúp lương thực từ nước ngoài. Theo số liệu của FAO, năm 2018, Triều Tiên nhập khẩu 456.000 tấn lương thực, trong đó có 390.000 tấn nhập trực tiếp và 66.000 tấn là hàng viện trợ.

img

Chủ tịch Kim Jong - un trong một chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa. Ảnh: I.T.

Trong một động thái hiếm hoi, năm 2018 Triều Tiên thừa nhận hạn chế của ngành nông nghiệp trong nước. Ngày 27/12/2018, tại cuộc họp với ngành Nông nghiệp, hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời người đứng đầu nội các Pak Pong Ju phê bình “không điều hành được lĩnh vực sản xuất hạt giống, quản lý ngành thiếu trách nhiệm và thiếu nghiêm túc trong việc phân phối lương thực”. Thủ tướng Pak nhấn mạnh yêu cầu ngành nông nghiệp phải nỗ lực “hoàn thành chỉ tiêu lương thực” trong kế hoạch 5 năm tới năm 2020.  

img

Chủ tịch Kim Jong - un muốn nhân rộng mô hình nông trại Jangchon. Ảnh: I.T

Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 6.2018, ông Kim Jong - un đã tham quan một trung tâm khoa học nông nghiệp ở Bắc Kinh, cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc cải cách nông nghiệp.

Và trong chuyến thăm Việt Nam, dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, đoàn cấp cao của Chính phủ Triều Tiên cũng dự kiến đến thăm một mô hình hợp tác xã kiểu mới của Hà Nội, HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng). Động thái này chứng tỏ Chính phủ Triều Tiên đang ngày càng quan tâm đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem