Khởi sắc từ cây, con chủ lực
Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh và ngành NN đã triển khai tích cực đề án tái cơ cấu ngành NN với việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch các loại cây trồng chủ lực như lúa, mía, sắn (mì)…; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Nhất là thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
Chăn nuôi bò lai đang là thế mạnh của nông dân Quảng Ngãi. Ảnh: T.L
Đề án tái cơ cấu ngành NN tỉnh Quảng Ngãi xác định các sản phẩm chủ lực là cây mía, cây mì, cây gỗ lớn, bò thịt (đồng bằng), trâu thịt (miền núi), cá biển, tôm nuôi… Các sản phẩm cần phát triển thương hiệu là: Tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng. |
“Tỉnh đưa vào sản xuất đại trà 6 giống mì, 8 giống mía, 7 giống ngô, 4 giống lạc... Bên cạnh đó, chú trọng dồn điền đổi thửa và xây dựng các cánh đồng mẫu lớn ở hầu hết các địa phương. Hiện nay, các huyện, thành phố đã phê duyệt 74 phương án dồn điền đổi thửa cấp xã, đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 1.845ha. Các địa phương thực hiện nhiều nhất là Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa…” - ông Tô cho hay.
Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng được 95 cánh đồng lớn với diện tích 1.249,8ha. Năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha đối với lúa thuần và đạt 85 tạ/ha đối với lúa lai, cao hơn so với lúa đại trà từ 3-7 tạ/ha... “Việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đã giúp cho bà con nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập cao hơn trước rất nhiều” – ông Tô phấn khởi nói.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Tính đến cuối năm 2016, Quảng Ngãi đã chuyển đổi được 3.265ha. Công tác chuyển đổi được thực hiện hầu hết ở các địa phương, trong đó huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và các huyện miền núi như Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long… có diện tích chuyển đổi nhiều nhất và đem lại hiệu quả lớn.
Hiện nay, các loại cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngô, ớt, lạc, rau... Nhìn chung, diện tích chuyển đổi cho thu hoạch khá, giá trị sau thu hoạch cao hơn so với trồng lúa, điển hình như cây ngô tăng 9,4%, cây lạc tăng 32,2%, cây đậu xanh tăng 5,8%, đặc biệt là cây ớt cho thu nhập cao 3,8 lần so với trồng lúa trên cùng chân đất. Từ đó, góp phần tạo ra giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa từ 11 - 133 triệu đồng/ha.
Việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được quan tâm đặc biệt, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân. Theo số liệu thống kê, năm 2016 tổng đàn trâu của tỉnh là 66.921 con, đàn bò 280.565 con (bò lai chiếm trên 64,9%, chỉ tiêu đề án đặt ra là đến năm 2020 đạt 60%). Có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại. Đến nay, toàn tỉnh có 56 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại, trong đó có 2 trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN
Theo ông Tô, để phát triển ngành NN một cách hiệu quả nhất, trong những năm qua, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tỉnh Quảng Ngãi luôn chú trọng đến phát triển hạ tầng NN. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 708 công trình thủy lợi phục vụ tưới, với chiều dài kênh loại I, II là 1.224km; chiều dài kênh loại III 3.051km. Tổng năng lực tưới theo thiết kế là 89.428ha; tổng chiều dài hệ thống kênh mương là 4.275km, đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ, cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu với tần suất đảm bảo tưới lên 85%.
Việc tập trung đầu tư và kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng cũng được chú trọng, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.209 máy kéo công suất trên 35 CV, 320 máy kéo công suất 12-35 CV, 1.918 máy làm đất và trên 524 máy gặt đập có công suất 40-80 CV, đảm bảo thu hoạch cho hơn 90% diện tích lúa. Về mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với cây trồng chính, như cây lúa với tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất đạt 95%, tưới tiêu 100%, thu hoạch 90%…
Kết luận tại hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2016) triển khai đề án tái cơ cấu ngành NN Quảng Ngãi mới đây, ông Đặng Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định rằng việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN bước đầu đã đem lại cho Quảng Ngãi những thành quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Đầu tư 2014 ra đời đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực NN như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau an toàn… với tổng vốn đăng ký 143 tỷ đồng. Bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư vào NN, nông thôn như Trang trại chăn nuôi lợn Đức Hòa với quy mô tổng đàn là 6.000 con lợn thịt được nuôi theo quy trình khép kín bằng chuồng lạnh; Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp đặc biệt là sản xuất lúa hữu cơ và giống keo nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng...
“Quảng Ngãi sẽ tạo môi trường, điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào NN, nông thôn theo hướng NN công nghệ cao, sản xuất hàng hóa nhằm tạo “cú hích” để phát triển nền nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn…” – ông Minh khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.