Nông sản ế vì đâu?: "Nói Sở không cảnh báo là không đúng"

Trần Quang Thứ tư, ngày 22/02/2017 19:30 PM (GMT+7)
Mặc dù chuyện cung vượt cầu, được mùa – mất giá xảy ra liên tục song hầu hết ngành chức năng, chuyên gia mới chỉ đưa ra lời khuyến cáo mà không có bất cứ biện pháp ngăn chặn, cảnh báo đối với người nông dân. Đây chính là điểm yếu của một nền nông nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp...
Bình luận 0

Minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng trên là câu chuyện lợn hơi. Từ trước tết đến nay, chưa bao giờ việc bán lợn lại khó khăn với bà con đến thế, và ngay cả khi bán được, bà con cũng đã bị lỗ từ 1 – 1,5 triệu đồng/con. Các chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc tăng đàn, mở rộng chuồng trại chăn nuôi tự phát mà không tính đến các dấu hiệu của thị trường.

Loạn giá lợn

img

Do giá lợn giảm khiến cho người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng. (Công nhân chăm sóc đàn lợn tại trang trại ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Trần Quang

Theo tôi trong thời gian tới, bà con cần theo dõi sát các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài để nắm được thông tin về giá cả, thị trường và theo dõi các khuyến cáo của Bộ NNPTNT để quyết định đầu tư vào chăn nuôi hợp lý hơn, từ đó tiến tới chăn nuôi bền vững”. 

Ông Nguyễn Đăng Vang –  Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Từng theo nhiều nghề, song cuối cùng anh Vũ Văn Tầng ở TP.Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn. “Cũng xuất phát từ gợi ý của nhiều bạn bè nên gia đình tôi đã quyết xoay vốn đầu tư vào nuôi lợn bằng được. Ban đầu nuôi khá thành công, có lứa tôi thu lãi cả trăm triệu đồng nên ham lắm” – anh Tầng chia sẻ.

Được đà có lãi, giữa năm 2016 anh Tầng quyết định nhân thêm đàn lợn thương phẩm lên trên 500 con. Song vào thời điểm lợn xuất chuồng, giá bắt đầu giảm sâu thê thảm, khiến gia đình anh đứng ngồi không yên. “Đau xót quá, lợn được tuổi xuất, con nào cũng đẹp mà chả có thương lái đến hỏi mua. Tôi gọi điện mời họ đến xem lợn, họ còn chả thèm nghe máy, tới cuối tháng 11 (âm lịch) tôi đành phải xuất chuồng với giá 32.000 đồng/kg, trừ chi phí tính ra lỗ đến cả tỷ đồng” – anh Tầng ngậm ngùi nói.

Anh Tầng chia sẻ thêm, hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đã nhích lên 36.000 đồng/kg, song tính ra các chủ trang trại nuôi lợn vẫn lỗ trên dưới 8.000 đồng/kg, tùy từng loại lợn. “Dù lỗ nhưng tôi vẫn đang cố duy trì đàn thương phẩm khoảng trên dưới 300 con, mong rằng khoảng 2 tháng nữa xuất chuồng, bạn hàng Trung Quốc thu mua nhiều giá sẽ lên cao hơn để gia đình tôi có cơ hội vớt vát lại khoản thua lỗ lớn cuối năm 2016” – anh Tầng cho hay.

Nói về nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu, ông Phạm Văn Tuất - một chủ trang trại lợn quy mô lớn ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng:  Nếu trong thời gian tới nhà nước không đưa ra chính sách tốt và quản lý quy hoạch chăn nuôi lợn, đặc biệt là chấm dứt tình trạng trông chờ vào thị trường Trung Quốc thì người chăn nuôi lợn ở Việt Nam sẽ tiếp tục chịu cảnh bấp bênh, thậm chí là việc ế hàng sẽ còn tiếp diễn nhiều hơn.

“Riêng với trang trại quy mô như của gia đình tôi, dù đã chủ động được lợn giống, thức ăn mà năm 2016 vừa qua vẫn phải chịu thua lỗ cả tỷ đồng thì các trang trại nông hộ nhỏ lẻ, chắc chắn phải thua lỗ nặng hơn gấp nhiều lần” – ông Tuất khẳng định.

Ông Nguyễn Định - chủ trại lợn lớn ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: Hiện tại giá lợn hơi tại các vùng trong cả nước có sự chênh lệch khá nhiều. Cùng một loại lợn siêu nạc nhưng ở Hà Nội có giá 37.000 - 38.000 đồng/kg, trong khi đó ở Ninh Bình, Hà Nam đang bán ở mức trên dưới 36.000 đồng/kg, nhiều nơi chỉ bán được giá 35.000 đồng/kg.

“Giá lợn có sự chênh lệch lớn như thế là do thương lái ép giá người chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi lớn, mỗi đợt xuất hàng chục đến cả trăm con lợn, thương lái đưa xe lớn vào tận trại trực tiếp đóng hàng đi Trung Quốc, trong khi trại nhỏ phải qua thêm một số tầng nấc trung gian. Một yếu tố khác là các trang trại xuất lợn với sản lượng lớn thường có lợi thế thương lượng giá với người mua” – ông Định lý giải thêm.

Chính quyền buông lỏng

Khi nói về việc trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng trong việc cảnh báo, quản lý chăn nuôi lợn, cả anh Tầng, ông Tuất và các hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương khác đều lắc đầu. Các chủ chăn nuôi lợn cho rằng, hầu như chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh không hề có động thái gì trước việc nhân đàn cũng như việc cảnh báo giá lợn lên, xuống. Việc bà con chăn nuôi là hoàn toàn tự do, tự phát.

Lý giải về điều này, ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng: “Nếu nói Sở không cảnh báo là không đúng, bởi trong các cuộc hội thảo nhà nông được tổ chức tại các huyện, lãnh đạo Sở và các chuyên gia, nhà khoa học luôn khuyến cáo bà con không nên nhân đàn tùy tiện mà phải theo hướng dẫn từ các địa phương. Tuy nhiên, dù chúng tôi đã ra sức tuyên truyền nhưng nông dân vẫn cứ đổ xô chăn nuôi theo phong trào dẫn đến cung vượt quá cầu, khiến các hộ phải chịu thua lỗ là điều khó tránh khỏi”.

Góp ý về phương án giúp người chăn nuôi tránh được rủi ro, ông Ngọc cho biết: “Để chăn nuôi thành công, bà con không nên chạy theo thị trường, cần tập trung giữ vững và phát triển bền vững trong chăn nuôi theo cam kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tránh rủi ro cho hộ chăn nuôi”.

Chia sẻ thêm về giải pháp giúp phát triển chăn nuôi bền vững, ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Việc giá lợn giảm sâu khiến người nuôi chịu thua lỗ không nên đổ hết lỗi cho nhà nước và chính quyền các địa phương không cảnh báo, quản lý mà trách nhiệm một phần cũng do người chăn nuôi không chưa thực sự có ý thức chăn nuôi theo thị trường, bà con vẫn làm theo phong trào, nhân đàn tự phát”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem