Thắt chặt giám sát
Lô hàng đầu tiên được phát hiện nhiễm cỏ kế đồng trong tháng 5.2018, đến cuối tháng 10, cơ quan kiểm dịch thực vật đã ghi nhận 1.783 lô lúa mì, khối lượng 877.934 tấn nhập khẩu từ Nga, Rumani, Canada, Mỹ nhiễm loài thực vật đặc biệt nguy hại này.
Theo thống kê đến cuối tháng 10 đã có khoảng 1,8 triệu tấn lúa mì nhập khẩu về Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng.
Bà Trần Thị Nhinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1, cho biết, khối lượng hàng lớn đã vượt quá khả năng giám sát xử lý của lực lượng cán bộ tại chỗ. Trong hơn 5 tháng qua, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 đã 4 lần đánh công văn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tăng cường lực lượng từ các đơn vị bạn về hỗ trợ xử lý.
“Mỗi đợt đề xuất đều có 10 cán bộ kiểm dịch đến hỗ trợ nhưng doanh nghiệp thì có hàng chục, hàng trăm điểm nhận hàng, anh em đi lại làm việc đêm ngày rất vất vả, đảm bảo kiểm soát tất cả các lô hàng nhưng có những doanh nghiệp không chịu hợp tác triển khai quy trình kiểm dịch. Dù rất cố gắng, nỗ lực để xử lý nhưng cứ đà này, phải đến Tết chưa chắc đã xử lý hết các lô hàng” - bà Nhinh chia sẻ.
Cỏ kế đồng hiện đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, mỗi bông cỏ chứa 5.000 hạt, nếu để lọt một bông cỏ ra môi trường, nguy cơ phát tán, lây lan sẽ rất lớn. Ảnh: IT
Đại diện Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 cho hay, nhiều tháng qua, Chi cục đã huy động thêm hàng chục cán bộ kiểm dịch tại cảng Vật Cách (TP.Hải Phòng) để tăng cường giám sát khâu bốc dỡ vận chuyển lúa mì từ tàu về cảng. Từ khi phát hiện các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, lực lượng kiểm dịch đã làm việc hết công suất, tăng cường thêm nhân lực để kiểm soát tất cả các lô hàng, tránh tình trạng để cỏ kế đồng xâm nhập, phát tán ra môi trường.
Nguy cơ cỏ phát tán ra ngoài môi trường rất cao nên lúa mí thay vì được múc thẳng lên xe container giờ đây buộc phải đưa qua phễu rót để hạn chế tối đa lúa mỳ lẫn bông cỏ kế đồng rơi vãi, phát tán ra môi trường xung quanh. Còn phía dưới đất, cán bộ kiểm dịch cũng yêu cầu phải trải bạt, quây toàn bộ khu vực bốc hàng. Sau mỗi ngày bốc hàng, công nhân tại cảng quét dọn, dùng máy hút công nghiệp hút sạch sẽ khu vực này rồi đem rác thải nghi ngờ có bông cỏ kế đồng đi đốt tiêu hủy.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật cấm cỏ kế đồng khi có khả năng xâm hại, ảnh hưởng đến 27 loài cây trồng khác nhau. Ảnh: IT
Không chỉ huy động lực lượng giám sát tại cảng, Cục Bảo vệ thực vật đã huy động lực lượng kiểm dịch kiểm tra tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng cường giám sát, xử lý các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng.
Ông Nguyễn Bá Tuấn, cán bộ kiểm dịch Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8, đóng tại Lào Cai được Cục Bảo vệ thực vật điều động về Hải Dương để kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chia sẻ: "Để giám sát toàn bộ quy trình loại bỏ cỏ kế đồng, tôi phải làm việc như công nhân nhập hàng vào kho. Riêng bao chứa tạp chất trong lúa mì phải tự tay mang đi tiêu hủy chứ công nhân không thể tự xử lý, đề phòng tình huống họ đem đi chôn lấp, đổ ra môi trường sẽ làm phát tán, lây lan cỏ kế đồng ra môi trường”.
Xem xét dừng nhập khẩu lúa mì
Đánh giá về tình trạng lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, số lô hàng vi phạm không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự hợp tác để kiểm soát nguồn hàng. Theo thống kê đến cuối tháng 10 đã có khoảng 1,8 triệu tấn lúa mì nhập khẩu về Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng.
Cỏ kế đồng hiện đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, mỗi bông cỏ chứa 5.000 hạt, nếu để lọt một bông cỏ ra môi trường, nguy cơ phát tán, lây lan sẽ rất lớn. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật cấm loại cỏ này khi có khả năng xâm hại, ảnh hưởng đến 27 loài cây trồng khác nhau.
“Nhiều quốc gia đã đưa cỏ kế đồng vào danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm 1 - nhóm đặc biệt nguy hại nên nếu cỏ kế đồng xâm nhiễm vào Việt Nam thì nguy cơ rất lớn là mất thị trường xuất khẩu nông sản khi các nước kiểm soát chặt chẽ loài thực vật này, sẵn sàng đưa ra lệnh cấm nếu phát hiện cỏ kế đồng lẫn trong lô hàng”, ông Hà cảnh báo.
Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin, Cục Bảo vệ thực vật liên tục có văn bản thông báo đến cơ quan kiểm dịch thực vật các nước Úc, Canada, Nga, Mỹ về tình trạng các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Các nước Nga và Mỹ đã có động thái tích cực phối hợp để xử lý dứt điểm các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng trong tháng 12, đồng thời kiểm soát chặt chẽ từ khâu kiểm dịch xuất khẩu trong nước.
Cũng theo ông Trung, việc xử lý hàng nghìn lô hàng lúa mì hiện nay đang là công việc quá sức đối với ngành kiểm dịch khi các lô hàng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp nhập khẩu ham hàng giá rẻ, phẩm cấp thấp, không kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, ông Trung khẳng định, trong những tháng tới nếu tình hình vi phạm lô hàng nhiễm cỏ kế đồng không giảm, có chiều hướng tăng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ yêu cầu tái xuất các lô hàng vi phạm, đồng thời kiến nghị dừng nhập khẩu lúa mì từ các quốc gia có nhiều lô hàng phát hiện có kế đồng để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất nông nghiệp trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.