Nông thôn bộn bề, nông dân tự bươn chải

Thứ năm, ngày 27/06/2013 14:28 PM (GMT+7)
Dân Việt - Đó là thực trạng ở khu vực nông thôn, nông dân được thể hiện qua các báo cáo nghiên cứu trình bày tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam".
Bình luận 0

Đó là thực trạng ở khu vực nông thôn, nông dân được thể hiện qua các báo cáo nghiên cứu trình bày tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam" nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS) do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) và Báo Nông thôn Ngày nay, báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức sáng nay 27.6 tại Hà Nội.

Hội thảo là một trong những sự kiện diễn ra trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội nông dân Việt Nam. Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, Viện trưởng IPSARD TS Đặng Kim Sơn và Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định.

Đáng chú ý tại hội thảo là các báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ Viện IPSARD về tổng quan tình hình nông thôn, nông dân; phúc lợi của nông dân; mức độ hài lòng của người dân nông thôn; rủi ro và ứng phó với rủi ro của nông hộ…

img
Các đại biểu nông dân Hà Nội tham gia thảo luận tại hội thảo về các vấn đề, một số thách thức đối với nông dân trong giai đoạn mới

Nông dân tự xoay sở, bươn chải

Báo cáo Tổng quan tình hình nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn 2006-2012 do TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách-CAP thuộc Viện IPSARD trình bày cho thấy, khu vực nông thôn, nông dân đang phải chịu nhiều áp lực, nhất là kể từ năm 2010-2012.

Cụ thể, thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân tăng mạnh trong giai đoạn 2006-2010 nhưng tốc độ giảm dần trong những năm gần đây; tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012 đi cùng với hộ tái nghèo tăng; thu nhập từ nông nghiệp giảm dần trong khi đó thu nhập từ phi nông nghiệp lại tăng nhẹ… “Khủng hoảng và suy giảm kinh tế rõ ràng có tác động tới thu nhập của nông dân và làm giảm tốc độ giảm nghèo, tăng tỷ lệ hộ tái nghèo ở nông thôn”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Một trong những điểm nổi bật qua các báo cáo của nhóm nghiên cứu tại hội thảo khiến nhiều các nhà hoạch định chính sách phải suy ngẫm là hiện nay nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất, đời sống và phần lớn phải tự xoay sở, bươn chải để giải quyết những khó khăn.

Mức độ khó khăn càng tăng lên đối với nhóm hộ nghèo. Trong số hộ điều tra của nhóm nghiên cứu thì có tới 50% phải vay nợ. Đáng chú ý, số tiền nợ chủ yếu từ vay tư nhân, tín dụng chính thức tư ngân hàng chỉ chiếm khiêm tốn hơn 13%. Thạc sỹ Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu lo ngại khi cho rằng hệ thống tin dụng chính thức không giúp gì được nhiều đối với hộ gia đình nông thôn.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện IPSARD cũng chỉ ra rằng, có 20% số hộ trong diện điều tra có ít nhất 1 người di cư chính thức hoặc không chính thức và 60% là di cư tạm thời. Hộ di cư có thu nhập cao hơn và ít bị cú sốc về thu nhập, nếu có thì có điều kiện giải quyết tốt hơn so với hộ không di cư…Di cư hiểu theo nhóm nghiên cứu là đi làm công nhân khu công nghiệp, đi học, lao động tự do mang tính thời vụ…Đa số hộ nông dân đều chưa an tâm khi di cư chính thức bởi phải đối mặt với bao khó khăn , thách thức về việc làm ổn định, giáo dục cho con cái, đặc biệt vấn đề tiếp cận các dịch vụ công ở thành phố…

Nông nghiệp manh mún, nông thôn bộn bề

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp khá manh mún. Cụ thể, đất đai phân tán, manh mún, tính ổn đinh thấp, tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, mức độ thương mại còn thấp. Nông dân đang sản xuất nông nghiệp là các yếu tố đầu vào cao, thông tin thị trường và chính sách hỗ trợ yếu. Nông dân, kể cả hộ giàu hiện nay đều đang vướng mắc lớn nhất chưa giải quyết được đó là tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản…

Vấn đề tiếp cận phúc lợi xã hội trung bình của hộ nông dân theo báo cáo đã cho thấy mức cải thiện hơn trong năm 2012 so với năm 2006. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, 3 chỉ tiêu đánh giá về phúc lợi xã hội có sự suy giảm ở một số thời điểm. Vốn xã hội thông qua sự hỗ trợ của các Hội đoàn thể tác động tích cực đáng kể lên phúc lợi của nông hộ, trong khi đó hỗ trợ từ phía các cơ quan Chính phủ “có tác động âm, còn quá ít so với hộ quá nghèo”-báo cáo diễn giải.

Báo cáo chuyên đề về “Rủi ro và cơ chế ứng phó với rủi ro của nông hộ” trình bày tại hội thảo cho thấy, nông dân hiện đang phải đối mặt với nhiều “cú sốc” và phần lớn gặp khó khăn khi ứng phó. Có cú sốc mang tính cá nhân như ốm đau, thất nghiệp, mất đất, trình độ giáo dục thấp, gánh nặng đóng góp…Nhưng cũng có những cú sốc mang tính tập thể (cả cộng đồng cùng chịu) như thiên tai, dịch bệnh mất mùa, biến động thị trường, giá lương thực…

Về ứng phó với những rủi ro “cú sốc”, nhóm nghiên cứu kiến nghị: “Cần hỗ trợ nhiều hơn cho hộ nông thôn để nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc theo hướng tăng hỗ trợ trực tiếp các rủi ro thiên tai, dịch bệnh, phát triển bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai, tăng thông tin thị trường, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cộng đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo, ít đất, sống ở vùng môi trường xung yếu, phát triển cơ sở hạ tầng, đê điều…”.

Cách nào để làm đẹp bức tranh nông thôn?

Tại hội thảo, bên cạnh việc đánh gia cao chất lượng của các nghiên cứu của Viện IPSARD, ý kiến của nhiều đại biểu đã bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề và đề xuất một số hướng góp phần làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi sáng hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch Hội ND xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) bày tỏ nhà nước cần đầu tư mạnh cho phát triển giáo dục, nâng cao dân trí ở nông thôn; tăng cường hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn…

Đại diện đến từ Ngân hàng thế giới (World Bank) Nguyễn Thế Dũng cho rằng, cần phải làm rõ trong số 26% hộ mất đất trong báo cáo nghiên cứu thì chính sách hỗ trợ như thế nào để sinh kế của người dân vẫn được đảm bảo? Thực tế cho thấy là nông dân đang nghèo đi. Thời kỳ phát triển dễ dàng đã qua, giờ là thời kỳ phát triển khó khăn và phức tạp cần phải hỗ trợ nông dân nhiều hơn.

“Di cư lao động từ nông nghiệp, nông thôn ra thành thị, lĩnh vực công nghiệp, nhưng xem động thái của các chính quyền đô thị vừa qua thì lại lo lắng cho lao động nông thôn di cư. Đó là Luật thủ đô, là chính sách nhập cư của thành phố Đà Nẵng…”, ông Dũng boăn khoăn.

Đại diện tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, từ các báo cáo đưa ra các gợi ý chính sách. Nhưng chính sách phải xây dựng phù hợp với từng vùng, miền khác nhau với những điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội khác nhau. Vì vậy IPSARD cần triển khai nghiên cứu ở 12 tỉnh, thành phố thành các chính sách cho các vùng, miền...

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho rằng, các báo cáo nghiên cứu của IPSARD chỉ ra hàng lọat rủi ro nhưng lại thiếu 1 rủi ro rất quan trọng-đó là rủi ro về cơ chế chính sách. Theo ông Doanh, trong thời gian vừa qua có nhiều chính sách kiểu như chó chính chủ, xe chính chủ, thịt bán không quá 8 tiếng… “Với nông dân đừng ngồi bàn giấy, phòng lạnh để ra chính sách. Nông dân thiệt thòi lắm. Thị trường thì 10 năm qua bà con “cuốn theo chiều giá”. Giá lên thì chạy theo, giá xuống thì thiệt, bà con thiệt thòi đủ đường. Có phân tích thì mới ra được chính sách. Ai chịu trách nhiệm đối với rủi ro về chính sách? Ai là chổ dựa của nông dân, ai dẫn dắt nông dân vượt qua rủi ro?”, ông Doanh day dứt đặt ra 1 lọat câu hỏi

Đại diện Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế Liên Hợp Quốc (IFAD) tại Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng đề xuất cần có sự hợp sức, tổng lực của các nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu chính sách trong đó có việc xây dựng hệ thống chung về theo dõi, giám sát chính sách…Theo ông Tùng, nghiên cứu của IPSARD dựa trên gần 3.000 hộ ở 12 tỉnh, thành phố còn quá khiêm tốn và chưa thể phản ánh đầy đủ tình hình ở hơn 10.000 xã hiện nay của cả nước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem