Nông trường Sông Hậu đang 'hấp hối'

Thứ ba, ngày 03/05/2016 15:19 PM (GMT+7)
Cõng khoản nợ cũ 300 tỷ đồng mà chưa có phương án giải quyết, Nông trường Sông Hậu - lá cờ đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn ngày nào đang lâm vào ngõ cụt.
Bình luận 0

Trồng 10 ha chuối theo công nghệ cao xuất khẩu ra nước ngoài thành công hơn một năm qua, ông Lâm Văn Hộ cùng 7 nông dân khác mạnh dạn góp vốn gần 20 tỷ đồng cải tạo mảnh đất hoang của nông trường thành vườn chuối 90ha. Hiện có 180.000 cây đang cho trái (tất cả đều có lý lịch theo dõi, quản lý).

"Còn hơn một tháng nữa mới thu hoạch nhưng toàn bộ sản lượng 3.500 tấn chuối thương phẩm đã được các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản bao tiêu hết với giá 7.000 đồng một kg, gấp 5 lần so với bình thường”, nông dân Lâm Văn Hộ, 58 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Phát Hưng, thuộc Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) phấn khởi nói. 

Đây là giống chuối già truyền thống của Việt Nam được cấy mô, áp dụng kỹ thuật trồng theo kiểu công nghệ cao, được các chuyên gia từ Hàn Quốc và Philippines sang tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng thùng, bảo quản.

Thế nhưng, trái với sự hân hoan của Chủ nhiệm Hợp tác xã, người đứng đầu Nông trường Sông Hậu, ông Nguyễn Thanh Phú lại băn khoăn: “Mô hình trồng chuối cấy mô theo quy trình công nghệ cao xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản rất hiệu quả nhưng không thể nhân rộng ra nông trường viên. Lý do chính là nông trường hiện tồn tại không có pháp nhân, không có vốn”. Theo ông Phú để xuất khẩu chuối được phải hợp tác với hợp tác xã và để nông dân đứng tên. Việc xây dựng thương hiệu cũng gặp khó. 

img

Mô hình thí điểm trồng chuối cấy mô theo công nghệ cao xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc của nông trường đạt hiệu quả cao. Ảnh: Cửu Long

Cũng vì lý do này mà Sông Hậu cũng khó thực hiện việc xuất khẩu 250.000 tấn rơm một năm vừa ký kết sang Nhật Bản và hợp tác với đối tác Mỹ xây dựng nhà máy chế biến ván ép từ rơm theo công nghệ mới... 

Theo ông Phú, Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực 5 năm, nông trường chưa được chuyển đổi mô hình hoạt động. Dù có đường lối phát triển sản xuất kinh doanh nhưng không có tư cách pháp nhân, không thể tiếp cận vốn ngân hàng, không ký được các hợp đồng lớn với đối tác trong ngoài nước... thì không thể nào vực dậy nông trường.  

“Nhiều nhà đầu tư các nơi đến đây định hợp tác làm ăn trên lĩnh vực sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu chế biến nông thủy sản sạch, công nghệ cao. Nhưng khi biết nông trường chưa có pháp nhân mới nên họ chần chừ và rút lui”, Giám đốc Nguyễn Thanh Phú nói. 

Hơn 5 năm qua, Đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước làm chủ sở hữu được xây dựng, nhiều lần điều chỉnh, thông qua cấp sở ngành, báo cáo UBND TP Cần Thơ trình Bộ ngành Trung ương tham mưu trình Chính phủ. 

Nếu đề án được phê duyệt và triển khai vào thực tế, sẽ tạo được một vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng quy mô lớn. Đây sẽ là cầu nối trong mối liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân. 

Theo lãnh đạo Cần Thơ, đây là phương án tốt nhất được Thủ tướng đồng ý về chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân chính là do phương án xử lý tài chính, nợ phải trả ngân hàng 300 tỷ đồng tồn đọng từ nhiều năm (trước khi triển khai lộ trình chuyển đổi) chưa xử lý dứt điểm.

Giữa năm 2015, UBND TP Cần Thơ có văn bản xin Chính phủ xoá khoản nợ này vì đất nông trường là đất công, phần lớn giao khoán cho nông trường viên sản xuất, không thể bán trả nợ, cũng không thể cổ phần hoá vì khả năng tranh chấp lớn... Đồng thời xin Chính phủ cho lùi thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của nông trường đến giữa năm 2016.

Ngày 6/10/2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản về việc xử lý nợ để chuyển đổi Nông trường Sông Hậu, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục yêu cầu UBND TP Cần Thơ chỉ đạo nông trường lập đề án  tổng thể sắp xếp, đổi mới. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế xử lý các khoản nợ cũ kể cả nợ gốc, nợ lãi của Nông trường. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp tái cơ cấu nợ, hỗ trợ xử lý khó khăn về tài chính để thực hiện chuyển đổi theo qui định... 

Nông trường một lần nữa điều chỉnh phương án tài chính và đề án chuyển đổi. Theo đó, chỉ xin xóa phần lãi 150 tỷ đồng và khoanh khoản nợ gốc 150 tỷ. “Khi thông qua, đơn vị được cấp vốn, có tư cách pháp nhân để giao dịch, sản xuất kinh doanh; hàng năm sẽ dành 50% lợi nhuận trả khoản nợ này cho các ngân hàng; trong vòng 12 năm sẽ đứt điểm”, ông Nguyễn Thanh Phú nói. 

Tuy nhiên, đến nay, sắp hết thời gian gia hạn, mọi việc vẫn còn... trên giấy khiến Nông trường lâm vào cảnh đang tồn tại ngoài sự điều chỉnh của các qui định pháp luật hiện hành, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động để giải quyết các vấn đề bất cập về pháp lý, đảm bảo quản lý hơn 5.600 ha đất khoán cho các hộ sản xuất. Đến nay, chỉ có 795/2.515 hộ ký kết lại hợp đồng nhận đất khoán. Trong số này, chưa tới 200 đồng ý đóng các khoản khoán, phí trong năm 2016. 

Cuối năm trước, các ngân hàng đối tác truyền thống chính thức thông báo ngừng giao dịch vay vốn đối với Nông trường Sông Hậu vì khoản nợ cũ không khả năng thanh toán và pháp nhân không rõ ràng. 

Cùng thời điểm này, lãnh đạo nông trường kiến nghị khẩn đến UBND TP Cần Thơ xem xét, giải quyết cho đơn vị nhận gần 43 tỷ đồng. Đây là tiền bồi hoàn các công trình điện, đường, trường, trạm do Nông trường thực hiện và đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng từ năm 2012. Đồng thời, xin Thành phố cấp bổ sung 20 tỷ đồng vốn điều lệ Nhà nước và chỉ đạo Quỹ đầu tư và phát triển của địa phương tạo điều kiện giúp đơn vị quan hệ giao dịch tín dụng trong giai đoạn tiếp tục chờ chủ trương phê duyệt đề án chuyển đổi. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị khẩn này chưa được giải quyết.

Không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hiện nông trường chỉ có thể duy trì sản xuất lúa giống trên diện tích 100ha để tạo nguồn thu, hoạt động cầm chừng. Nông trường sắp cạn tiền trả lương cho hơn 90 cán bộ, công nhân viên đang cùng với Ban giám đốc giải quyết khó khăn, duy trì quản lý, sử dụng đất. 

“Nếu tình hình khó khăn kéo dài có thể Nông trường sẽ phải xin tạm ngưng hoạt động để chờ chuyển đổi”, Giám đốc Nguyễn Thanh Phú lo lắng.

img

Cuối năm 2015, lãnh đạo nông trường ký thỏa thuận hợp tác xuất sang Nhật Bản 250.000 tấn rơm một năm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì còn nhiều khó khăn. Ảnh: Cửu Long

Về vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - Lê Văn Tâm nhìn nhận: “Đây là một trong những việc tồn đọng trọng tâm, thành phố sẽ tập trung giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao”.

Thành lập tháng 4/1979 từ vùng đất hoang hóa ngập nước, Nông trường Sông Hậu nhanh chóng huy động các nguồn lực để khai hoang, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích gần 7.000ha, với hơn 2.500 hộ nông trường viên. Sau 10 năm xây dựng, nông trường cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 1992, nông trường được phép thành lập doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất giống và thực phẩm nguyên liệu, chế biến nông - thủy sản, sản xuất kinh doanh gỗ nguyên liệu, hàng may mặc, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, thi công xây dựng, thủy lợi, công nghiệp...

Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nông trường đã huy động các nguồn vốn vay, vốn tích lũy để xây dựng hạ tầng phục vụ gần 20.000 dân (tương đương 2 đơn vị hành chính cấp xã), hệ thống thủy lợi, các cơ sở chế biến nông lâm, hải sản. Thời cao điểm, nông trường có tới 16 nhà máy, phân xưởng chế biến lương thực, thực phẩm, đóng hộp hàng nông sản, thủy hải sản, chế gỗ… hoạt động cả ngày đêm, doanh số đạt trên 1.000 tỷ đồng một năm. 

Đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1985 và 1999. 

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, cạnh tranh khắc nghiệt, nông trường này gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng ngày càng lớn, đầu tư dàn trải, quản lý yếu kém, kinh doanh thua lỗ, xảy ra vụ án lập quỹ trái phép... khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ gần chục năm qua. 

Đến thời điểm hiện tại, Nông trường còn nợ các ngân hàng khoảng 300 tỷ đồng, trong đó hơn 150 tỷ đồng tiền gốc và gần 150 tỷ đồng tiền lãi. Giá trị toàn bộ tài sản nông trường chỉ gần 70 tỷ đồng

Cửu Long (vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem