NS Quỳnh Hợp: Âm nhạc dân gian thách thức người sáng tác

THƯƠNG TRẦN (thực hiện) Thứ năm, ngày 31/03/2016 06:34 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp vẫn lặng lẽ sáng tác những tác phẩm mang đậm âm hưởng dân gian nhiều vùng miền trên cả nước.
Bình luận 0

Hầu hết những vùng đất có âm nhạc dân gian riêng biệt và ấn tượng, chị đều có những album riêng như: Hà Nội (Sắc đào Nhật tân, Mùa thu níu bước em về), Huế (Huế và em, Ngọt ngào Huế thuở dấu yêu), Tây Nguyên (Gặp gỡ Tây Nguyên, Tóc cỏ), Hội An (Hội An – Anh kể em nghe)...

Đó là những album chị phổ từ thơ của nhiều tác giả mang âm điệu dân gian được kết hợp hài hòa với hơi thở, nhịp điệu của âm nhạc hiện đại.

Nhạc sĩ nghĩ gì về âm nhạc dân gian nhiều vùng miền trong dòng chảy sôi động của nhạc trẻ hiện nay?

- Có thể nhận thấy, âm nhạc Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ với nhiều thể loại nhạc phong phú, mới và lạ. Mỗi dòng nhạc đều có những khán giả rất riêng. Không ồn ào, không quảng bá “rình rang” nhưng dòng nhạc mang âm hưởng dân gian là dòng nhạc có đối tượng người nghe Việt Nam rộng và sâu nhất.

imgNhạc sĩ Quỳnh Hợp. Ảnh:NVCC

Âm nhạc dân gian muốn đi vào đời sống âm nhạc hôm nay cũng phải khác xưa nhiều. Ngoài âm hưởng dân gian, trong tác phẩm phải có được hơi thở của âm nhạc đương đại ở tiết tấu và nhịp điệu cùng phần hòa âm nhiều màu sắc để có thể tạo được sự mới mẻ cho khán giả và thu hút sự chú ý của khán giả trẻ. Bên cạnh đó, âm nhạc muốn hội nhập thì chắc chắn cần những tác phẩm có cái riêng mang bản sắc Việt.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của nhạc trẻ như vậy, liệu nhạc dân gian truyền thống nhiều vùng miền có dần mất đi chỗ đứng trong làng âm nhạc?

Âm nhạc dân gian là mảnh đất màu mỡ, nhiều tiềm ẩn và thách thức người sáng tác mà. Tới đây, tôi sẽ ra mắt chùm ca khúc về vùng Tây Bắc. Đó là bức tranh Tây Bắc thật đẹp đang làm mê hồn du khách - Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

- Không thể nào. Nhạc trẻ chỉ là bề nổi. Cái gốc vẫn là âm nhạc dân gian truyền thống. Bằng chứng là những ca khúc nhạc trẻ không ở lại trong lòng người nghe  nhạc lâu dài, nhiều ngôi sao nhạc trẻ, khi tìm về  hát dân ca mới thực sự thành công. Âm nhạc dân gian không ồn ào như nhạc trẻ nhưng cứ lặng lẽ thấm và ở lại bền lâu.

Làm thế nào để nhạc sĩ có thể cân bằng để thỏa mãn đam mê âm nhạc mà vẫn đáp ứng được số đông công chúng?

- Khi viết những ca khúc mang âm hưởng dân gian, tức là những tác phẩm có nhịp điệu, tiết tấu đương đại được viết giai điệu dựa trên những làn điệu dân ca của một vùng nào đó. Trong sáng tác, người viết “chạm tới” được đặc điểm riêng biệt của từng vùng âm nhạc dân gian qua sự thăng hoa cảm xúc của chính mình thì tác phẩm sẽ có tuổi thọ lâu dài trong lòng công chúng.

Những tác phẩm đó đã vượt qua khoảng cách về địa lý, thời gian và “địa phương tính” đến được với đông đảo khán giả cả nước. Ai cũng có thể hát và hát ở mọi nơi. Đó là những tác phẩm rất dân gian mà cũng rất đương đại được nhiều tầng lớp khán giả yếu mến và thuộc nằm lòng.

 Là giảng viên cũng như nhà báo về mảng âm nhạc, nhạc sĩ đánh giá thế nào về lớp nhạc sĩ trẻ?

- Các nhạc sĩ trẻ đang làm sôi động thị trường âm nhạc bằng những sáng tác bước cùng với thời đại. Họ quan tâm nhiều đến các xu hướng mới, ít quan tâm đến nhạc dân gian. Đó là tuổi trẻ, khi đủ độ chín, sau những tìm tòi, khám phá những xu hướng hiện đại thì đến một lúc, họ sẽ nhận ra, âm nhạc dân gian nhiều vùng miền mới là kho báu nếu họ muốn làm mới mình và không bị hòa tan. Các nhạc sĩ trẻ có đầy đủ cả năng lực và cơ hội.

Còn lại là tấm lòng của người nghệ sĩ với đời, với người. Muốn làm nên chuyện, họ nhất thiết phải tìm đến âm nhạc dân gian Việt để tạo cho mình một giọng điệu riêng. Thời gian qua cũng đã có nhiều ca khúc được gọi là dân gian đương đại rất được yêu thích. Nhưng theo tôi, âm nhạc dân gian mới là thách thức với người sáng tác.

Xin cảm ơn nhạc sĩ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem