Sự ra đi của NSND Diệp Lang khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả xót xa, tiếc nuối. NSND Hồng Vân viết: "Vĩnh biệt chú Diệp Lang. Con cảm ơn chú đã đồng hành cùng sân khấu kịch Phú Nhuận từ những ngày đầu thành lập. Tiếp theo đó chú lại giao em Diệp Tiên - cục vàng của cô chú tiếp tục đồng hành cùng con. Phú Nhuận tạo được thương hiệu là nhờ một phần của chú và em Tiên, ơn này con mang theo suốt đời chú ơi!".
Nghệ sĩ Hữu Quốc chia sẻ: "Con đã và đang phấn đấu từng ngày để được 1 phần nhỏ ở chú về cách ca diễn, dàn dựng. Chú và các bậc tiền bối đã vạch ra một con đường vô cùng lý tưởng cho con và những bạn khác đi theo khi mình không diễn được ở vai "kép đẹp" mà vẫn được khán giả thương yêu. Con lặng người khi đọc những tin nhắn lúc rạng sáng hôm nay về sự ra đi của chú.
Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường của nhân thế, nhưng sao con lại ngẩn người thương tiếc. Con cũng là lứa nghệ sĩ trẻ may mắn được diễn cùng chú trong những vở cải lương và bên sân khấu kịch của chị Hồng Vân, con được chú dạy khuyên chuyện nghề, chuyện đời nhiều lắm. Con mãi nhớ ơn chú, người nghệ sĩ lớn của nền sân khấu nước nhà, tấm gương sáng soi về cách làm nghề và đạo đức, khiêm tốn với đồng nghiệp và khán giả. Con xin cúi đầu tạm biệt cây đại thụ của sân khấu Việt".
Nghệ sĩ Thanh Hằng viết: "Bác Hai ơi, cúi đầu kính tiễn Bác về đất Phật. Thương tiếc vô vàn!".
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Lên 8 tuổi, ông đã theo cha là thầy đàn Ba Diệp đi theo Đoàn Cải lương Tam Phụng. Do cha của ông không muốn ông nối nghiệp đàn, nên ông đã tìm thầy dạy hát cho con và để con học đóng những vai phụ.
Vào khoảng đầu thập niên 1950, cha nghệ sĩ Diệp Lang bị bệnh nặng, phải bỏ đoàn về quê và mất tại đây. Chịu tang cha một thời gian, Diệp Lang tiếp tục lên Sài Gòn theo đuổi nghiệp ca cải lương. Nghệ danh Diệp Lang (tức là con của Ba Diệp – cha ông) do soạn giả Nguyễn Huỳnh đặt khi ông bắt đầu được đóng vai chính ở Đoàn Cải lương Hoài Dung – Hoài Mỹ.
Tên tuổi của nghệ sĩ Diệp Lang gắn với các vai diễn như: ông Sáu trong Nửa đời hương phấn, Hải Lâm trong Áo cưới trước cổng chùa, ông hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu...
Sau năm 1975, ông gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II. Đoàn của ông lưu diễn ở nhiều vùng chiến sự như: Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479... Ông từng được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn 284. Sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003, nghệ sĩ rời sân khấu. Năm 2009, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư. Những năm cuối đời, ông mắc căn bệnh tim, vôi hóa mạch máu cùng chứng bệnh Parkinson. Nghệ sĩ từng cho biết ông muốn về thăm quê hương nhưng sức khoẻ không cho phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.