Một cảnh trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
Đầy nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân chẳng ai biết đến
Nghệ sĩ Bùi Cường đột ngột qua đời khi đang chuẩn bị được xét duyệt phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Vậy theo cô, nghệ sĩ mất rồi thì công tác đó có nên tiếp tục diễn ra nữa không?
Chắc chắn là phải có chứ. Lứa như tôi và Bùi Cường đáng ra phải được nghệ sĩ nhân dân từ lâu rồi. Vì chúng tôi đã được nhân dân công nhận. Bộ phim đã ra quá lâu và tên tuổi chúng tôi từ trong ra ngoài nước ai cũng biết. Cứ nhắc đến tôi hay Bùi Cường, người ta đều nhắc tới Thị Nở và Chí Phèo.
Tác phẩm đã ăn vào lòng nhân dân như vậy thì tôi và Bùi Cường đáng lẽ phải được nghệ sĩ nhân dân từ lâu. Nhưng chúng tôi không hề đòi hỏi.
Đến giờ, tôi thấy mọi thứ đều như bong bóng xà phòng, hão huyền hết. Biết bao nhiêu nghệ sĩ tài năng đều ra đi hết rồi, mà có được gì đâu. Như vụ việc Bùi Cường này, xôn xao vài hôm thôi rồi lại chìm vào quên lãng thôi.
NSƯT Đức Lưu và NSƯT Bùi Cường
Bởi vậy, tôi không thắc mắc hay đòi hỏi. Bùi Cường cũng vậy, cậu ấy chẳng đòi hỏi gì mà lao vào đi làm thuê. Cơ chế của xưởng phim bây giờ không còn lương nữa. Những diễn viên như chúng tôi làm gì có vai diễn. Có ai mời nữa đâu.
Bùi Cường có nói với tôi: "Em đi làm thuê trong Sài Gòn. Em không đóng phim nữa mà tổ chức làm phim, quay phóng sự. Xong mỗi đợt thì được vài chục triệu".
Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân ở thế hệ của cô rất giá trị và cao quý. Vậy theo cô, ở thời kì bây giờ, danh hiệu này có còn giữ nguyên được giá trị ban đầu của nó không?
Câu hỏi của bạn rất hay. Nghệ sĩ nhân dân vẫn là một thương hiệu có giá trị cả trong và ngoài nước. Nhưng giá trị đó có còn hay không thì phải tùy thuộc vào từng người cụ thể.
Tôi nhớ sau khi giải phóng, có một cô diễn viên trong đoàn chèo Hà Nội đi về miền Trung bán cơm. Khi đoàn chèo đi qua, cô ấy mời cơm nhiệt tình cả đoàn, thậm chí còn cho tiền trưởng đoàn và nhờ làm hộ nghệ sĩ ưu tú.
NSƯT Đức Lưu thời trẻ
Thế là mấy tháng sau cô ấy được nghệ sĩ ưu tú, trong khi chưa hề có một vai chính nào, diễn vài năm đã về bán cơm rồi. Như vậy tức là mua danh hiệu.
Trong khi đó, tôi và Bùi Cường lại phải phấn đấu rất nhiều mới được nghệ sĩ ưu tú. Tôi thấy như thế rất tội nghiệp cho tôi và Bùi Cường. Đến người bán cơm còn được nghệ sĩ ưu tú.
Đầy nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân mà cứ bo bo ở nhà thì cũng chẳng nhân dân nào biết đến.
Tôi thấy bất công cho tôi và Bùi Cường
Bản thân cô có cảm thấy chạnh lòng không khi mình đã cống hiến như vậy rồi mà đến tận 80 tuổi vẫn chưa là nghệ sĩ nhân dân. Trong khi đó, có những nghệ sĩ còn khá trẻ mà đã được phong tặng?
Thời điểm còn trẻ, nếu không được xét duyệt nghệ sĩ ưu tú thì tôi khóc ngày đêm. Vì tôi đã học tới ba bằng đại học, từ văn học tới triết học, điện ảnh, rồi đi dân công, ra vào chiến trường ngày đêm, phấn đấu như thế mà không được cái gì.
Nhưng chồng tôi khi ấy mới khuyên tôi rằng: "Danh hiệu của em là lịch sử có chứng nhận hay không, chứ không phải những người kí nó". Từ đó tôi tỉnh ra và không suy nghĩ gì nữa.
Nghệ sĩ Đức Lưu nhận bằng khen NSƯT vào năm 2012.
Tới khi chồng tôi nằm liệt trên giường, tôi mới được phong nghệ sĩ ưu tú. Lúc ấy, tôi mang bằng về đưa trước mặt chồng tôi và nói: "Em trình với anh thành qủa của em".
Đó là những bài học khiến tôi phải cay đắng. Nhưng tôi thấy chẳng có gì to tát. Nhiều nghệ sĩ nhân dân bây giờ không gây dựng ảnh hưởng được như chúng tôi.
Cô có cảm thấy bất công về sự chênh lệch tuổi tác khi phong tặng danh hiệu giữa cô và thế hệ bây giờ?
Tất nhiên là tôi có thấy bất công cho tôi và Bùi Cường. Nhưng trên đời này còn nhiều cái bất công hơn nhiều. Bất công của tôi chỉ là hạt cát. Còn đầy cái bất công to lớn hơn nhưng cũng bị xóa xổ. Xã hội mà không có bất công thì không phải xã hội.
NSƯT Đức Lưu và chồng
Không mong ước được nghệ sĩ nhân dân
Có một số trường hợp khi đang sống thì bị chìm vào lãng quên. Tới lúc mất đi rồi người ta mới hô hào phong tặng danh hiệu. Cô thấy hành động này có còn khiến danh hiệu giữ được giá trị nữa không?
Còn giá trị hay không là do cách mọi người nhìn nhận, chứ tôi không muốn suy nghĩ về vấn đề này.
Tôi hoạt động xã hội nên có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, trong đó có những người vô cùng đáng thương, khổ sở, nên hiểu ra nhiều vấn đề.
Bởi thế, tôi tự an ủi mình và tự nhủ rằng không nên lăn tăn về những vấn đề như vậy. Từ lúc Bùi Cường mất, tôi càng nghiệm thấy điều đó là đúng.
Vậy, đến giờ, cô có muốn được phong tặng nghệ sĩ nhân dân không?
Đừng nghĩ về quá khứ hay tương lai. Hãy nghĩ về hiện tại. Tôi đã hết lòng với đất nước, Tổ quốc và nhân dân rồi, nên đã được nhân dân công nhận. Họ kính cẩn chào hỏi, yêu mến tôi.
Tôi xách nặng người ta cũng chạy ra mang hộ tôi. Trong lòng họ có tôi, tôi chỉ cần thế là đủ rồi. Chứ phong tặng trên giấy tờ còn ý nghĩa gì nữa đâu.
Nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân với tôi đều không còn giá trị gì nữa. Tôi không mong ước được nghệ sĩ nhân dân. Mong ước để làm gì? Để có cái bằng treo trên tường à? Chỉ cần được người đời trân trọng là được.
Đa số diễn viên trẻ ngày nay không được đào tạo
Là một trong những diễn viên gạo cội của nền điện ảnh, cô thấy điện ảnh Việt Nam bây giờ như thế nào?
Tôi thấy ở các giải thưởng điện ảnh gần đây, các phim của tư nhân đầu tư đều có giải. Điều này chứng tỏ nền điện ảnh của chúng ta rất phát triển và phát triển theo cơ chế thị trường nhanh nhạy.
Vậy, cô đánh giá sao về lớp diễn viên trẻ ngày nay?
Thế hệ diễn viên trẻ ngày nay đa số không được đào tạo. Đó là cái yếu và không nên. Không thầy đố mày làm nên, phải học hành hẳn hoi thì mới làm nghề được.
Nghệ thuật phải có sáng tạo, chứ không phải dập khuôn. Nay đóng vai này, mai đóng vai khác, thì cần phải học từ trong sách vở ra ngoài đời để tích lũy kinh nghiệm. Chẳng hạn, tôi đâu phải người nông dân mà vẫn đóng được vai Thị Nở là tận cùng của xã hội.
Cô đi diễn không nhiều. Vậy trong nghiệp diễn của cô, có điều gì khiến cô tiếc nuối?
Thời điểm tôi đóng xong vai Thị Nở, người ta có hỏi tôi muốn được đóng vai gì tiếp. Tôi nói rằng mình mơ ước được đóng vai Tống Khánh Linh. Chất của tôi vào vai đó hợp. Nếu có ai chuyển thể được kịch bản thì tôi sẽ đóng.
NSƯT Đức Lưu trong phim Cô gái công trường.
Nhưng cuối cùng, không ai chuyển thể được kịch bản nên không làm thành phim được.
Tôi đóng phim rất ít nhưng từ 1960 đã nổi danh rồi. Tới giờ phải được 58 năm trôi qua và cũng trong lúc thăng hoa với nghề diễn như vậy, tôi lại phải chuyển sang làm nghề khác.
Cô cảm thấy tâm đắc với vai diễn nào của mình?
Nó tùy theo từng thời kì. Ở thời kì đầu, tôi thích vai diễn trong phim Cô gái công trường. Sau đấy những 20 năm mới đến vai Thị Nở. Hồi đóng Thị Nở, tôi đã học xong trường Điện ảnh.
Cô không phải người học Điện ảnh từ đầu. Vậy, cơ duyên nào dẫn cô đến với nghề diễn?
Lúc đó, tôi đi dân công bộ đội về có tham gia múa hát cho các buổi văn nghệ. Từ đó, tôi được chú ý và được mọi người rủ đi học Điện ảnh. Năm thứ nhất đại học, tôi đã được mời đi đóng phim rồi.
Học xong, tôi về Xưởng phim làm và lấy chồng.
Nhất quyết không cắt chi tiết Chí Phèo lật yếm Thị Nở vì kiểm duyệt
Cô có thể nhớ lại không khí của công chúng sau khi đóng Thị Nở không? Tại sao bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy lại gây sức hút lớn như vậy?
Sau khi phim đóng xong, mãi vẫn không được duyệt chỉ vì chi tiết Chí Phèo lật yếm Thị Nở. Các ban ngành xét duyệt sợ chi tiết này gây ảnh hưởng xấu đến thanh niên.
Họ đòi cắt chi tiết đó đi, nhưng đạo diễn Phạm Văn Khoa nhất quyết không cắt, dù bộ phim đã bị cắt rất nhiều.
May mắn là cuối cùng, bộ phim được chiếu ở cả 7 rạp tại Hà Nội khi đó. Mọi người nô nức đi xem, không khí như đi hội, thích lắm.
Tôi nghĩ, bộ phim này gây sức hút lớn vì nó rất thật và nói được tiếng lòng của mọi người. Sức lan tỏa của nó rất lớn.
Vai diễn Thị Nở đem đến sự nổi tiếng lớn cho cô như vậy, liệu có gây ra phiền phức gì không?
Người ảnh hưởng nhất là chồng tôi. Khi ấy ra đường, một số người cứ trêu ông ấy là "Thằng Chí Phèo". Họ còn vin vào chi tiết Chí Phèo lật yếm Thị Nở để hỏi "vợ mày nhận được bao nhiêu tiền mà phải đóng vai đó?". Ông ấy cũng buồn, nhưng vẫn cảm thông cho tôi.
Nhưng cũng chẳng có gì ngoài vinh quang đó đâu. Tôi thậm chí còn chẳng có tiền mua nổi tấm vé vào rạp để mời bạn bè.
Nhiều người còn hỏi tôi có xấu hổ khi đóng Thị Nở không? Tôi bảo không, tôi tự hào lắm. Phim casting vai chính hàng năm trời không chọn được ai, kể cả Thụy Vân, Trà Giang còn không được, thế mà tôi lại được mời đóng vì quá hợp.
Long Phạm (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.