Theo cựu thành viên nhóm nhạc Tam ca 3A thì nếu không có chồng cùng gia đình ủng hộ chị đã phải đối diện với không ít khó khăn trong lần ứng cử Đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội lần này.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng, việc đi Trường Sa của chị đúng thời điểm cử tri đang nghe ngóng để bầu chị ở vị trí Đại biểu HĐND TP. Hà Nội và Đại biểu Quốc hội đã khiến chuyến đi không rõ ràng về mục đích. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ mọi người có thể nhạy cảm quá chăng? Vào đầu tháng 3, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội (CĐNT) chúng tôi được Thành ủy và UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cử 12 cán bộ, giảng viên và HS-SV đi phục vụ các chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa và nhà dàn DK1. Đây là lần đầu tiên tôi ra Trường Sa và nhận nhiệm vụ trực tiếp của Thành ủy Hà Nội.
Thời điểm đó tôi cũng chưa biết mình có được lọt vào danh sách hiệp thương lần thứ ba hay không. Theo lịch trình ban đầu của đoàn sẽ đi từ ngày 14/4 đến ngày 24/4 nhưng không hiểu vì lý do gì lịch trình đã được thay đổi. Chúng tôi phải dời lại chuyến đi từ 26/4 và về ngày 5/5. Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch của cấp trên và vô tình rơi vào thời điểm chuẩn bị các công việc cho công tác bầu cử. Bản thân tôi cũng rất bị động và phải cố gắng thu xếp thời gian để khi về kịp thời điểm tiếp xúc cử tri.
Chị có thể chia sẻ một chút về cảm nhận của chị sau chuyến đi ra Trường Sa vừa qua?
NSƯT Dương Minh Ánh
- Quả thật là sau chuyến đi Trường Sa vừa qua tôi đã thu nhận được rất nhiều điều và đó là sự trải nghiệm mà tôi chưa bao giờ có. Cảm giác con người thật nhỏ bé khi đứng trước đại dương mênh mông và rồi khi đứng trên cột mốc chủ quyền tại các đảo mới cảm nhận hết những giá trị thiêng liêng mà ông cha đã để lại cho chúng ta.
Đặc biệt, khi làm lễ tưởng niệm gần vùng biển đảo Gạc Ma và nhà dàn DK1 thì không một ai trong đoàn chúng tôi giấu nổi xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Chúng tôi đã được gặp các chiến sĩ trên đảo được chứng kiến tận mắt cuộc sống khó khăn, vất vả, hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với thiên nhiên, phải đối diện với rất nhiều những mối nguy hiểm luôn rình rập trong giai đoạn rất nhạy cảm về ứng xử trên biển Đông như hiện nay khiến cho các chiến sĩ từng giờ từng phút bám trụ, không ai dám rời vị trí khi được phân công nhiệm vụ.
Đội văn nghệ xung kích của chúng tôi ra đảo với tinh thần hết mình vì Trường Sa. Ngoài công việc giao lưu với các chiến sĩ tại các điểm đảo chúng tôi còn tách đoàn để HS-SV đến hát cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt không có cơ hội được giao lưu với đoàn. Nhìn vào những ánh mắt của những chiến sĩ đang canh gác tôi không thể nào quên được. Những gương mặt đôi mươi sạm đi vì nắng gió biển khơi nhưng đôi mắt luôn sáng rực một niềm tin.
Chúng tôi đã có những phút giây ngắn ngủi bên nhau để hiểu và chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và những thông tin của các chiến sĩ như quê quán, tuổi tác và nhiệm vụ được giao và cuộc sống của chiến sĩ trên đảo. Trong không gian chật chội của căn phòng ngủ hay ngoài hành lang lối đi… bất cứ đâu chúng tôi cũng có thể sử dụng làm sàn diễn để giao lưu với các chiến sĩ. Mỗi một cuộc giao lưu để lại cho tôi những ấn tượng riêng. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện cuộc đời và một nỗi niềm riêng.
Có người tâm sự, lúc mới ra đảo rất khó khăn để hòa nhập, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh (trừ những đảo lớn) và rất nhớ nhà. Có những người nhà chỉ có một mẹ một con nên đi xa mà lòng lúc nào cũng hướng về đất liền. Các chiến sĩ ở đảo còn rất trẻ nhưng dường như càng khó khăn thì con người càng trở nên nghị lực và rắn rỏi hơn.
Khi được hỏi đến họ đều chung một quyết tâm thực hiện thật tốt nghĩa vụ quân sự tại đảo để rồi về lại đất liền họ sẽ đi học hoặc đi làm và tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình. Qua những câu chuyện của các chiến sĩ, tôi nhận thấy trong cuộc sống còn nhiều thanh niên đang sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng và sống vị kỷ chỉ biết cho riêng mình, rồi những câu chuyện phải giữ đảo thế nào, chăm lo đến đời sống của cán bộ chiến sĩ ra sao, mỗi người trong đoàn chúng tôi đều trăn trở và suy nghĩ về trách nhiệm của mình có thể làm gì để cải thiện được những điều đó….
Vậy đoàn của chị ngoài ra đảo phục vụ văn nghệ còn làm được những gì trong chuyến đi?
- Đoàn chúng tôi được Đảng và nhân dân Thủ đô giao nhiệm vụ ra đảo để ủng hộ 35 tỷ đồng, trong đó có số tiền quyên góp của nhân dân Thủ đô để xây dựng Nhà văn hóa đa năng cho các chiến sỹ tại đảo Tiên nữ. Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn công tác cùng cùng một số các đồng chí lãnh đạo khác đã khởi công công trình này tại đảo Tiên nữ trong chuyến đi lần này. Ngoài ra, đoàn cũng đi thăm và tặng quà tại 8 điểm đảo gồm: Đá Lát, Trường Sa, Phan Vinh, Tốc Tan A- Tốc Tan C, Tiên Nữ, Thuyền Chài A , An Bang và Nhà giàn DK1-14 với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Nghe tin có đoàn ra thăm đảo, các chiến sĩ rất vui và háo hức, đã chuẩn bị đón đoàn trước đó mấy ngày. Đặc biệt là được giao lưu với đội văn nghệ xung kích chúng tôi. Cuộc giao lưu văn nghệ mặc dù ngắn ngủi nhưng mang nặng nghĩa tình của những người con từ đất liền đến với các chiến sĩ ngoài đảo. Những bài hát về lính đảo, về quê hương và các bài hát dân ca các vùng miền theo yêu cầu của các chiến sĩ được vang lên. Mới đầu các chiến sĩ còn dè dặt nhưng chỉ vài phút làm quen chúng tôi đã nắm tay nhau cùng hát và nhảy múa không có khoảng cách giống như những người bạn đã quen từ lâu. Những cái ôm hôn gửi gắm niềm tin yêu với người ở lại, những khoảnh khắc vui đùa trên đảo như cõng, bế nhau, những nụ cười tưởng chừng như không bao giờ tắt đã để lại trong mỗi chiến sỹ cũng như các thành viên trong đoàn những kỷ niệm không bao giờ quên.
Có một điều làm chúng tôi áy náy mãi đó là khi một chiến sĩ được hỏi là có mong muốn gì chiến sĩ đó cứ ngại ngùng không dám nói. Mãi đến khi thuyết phục bạn ấy mới nói ra đó là thèm một bữa cơm do chính tay của chị em từ đất liền ra đảo nấu… Nghe mong muốn đó ai cũng chảy nước mắt nhưng chúng tôi không thể thực hiện được vì điều kiện thời gian không cho phép. Mỗi đảo chúng tôi có nhiều nhất cũng chỉ hai tiếng ở lại vừa biểu diễn, vừa giao lưu… rồi lại qua đảo khác. Rồi lúc ra về thì cảm xúc ngổn ngang, cười có, khóc vui, lưu luyến, bịn rịn, hẹn hò… Có người còn bảo vui là về đất liền cái áo đang mặc sẽ không giặt mà để nguyên để không bị bay đi mùi đảo. Có người đùa là mặt này sẽ không rửa để không phai đi nắng gió Trường Sa.
Lúc về đến tàu, các chiến sỹ tiễn đoàn vẫn hát say sưa. Những tiếng hô đồng thanh của các chiến sĩ “Trai Trường Sa yêu gái Hà Nội” được đáp lại bởi những người trên tàu “Gái Hà Nội yêu traiTrường Sa”. Cứ thế, cứ thế đến gần nửa tiếng đồng hồ tàu mới nhổ neo, dường như con tàu cũng không muốn rời xa đảo và đi xa rồi đoàn chúng tôi vẫn nhìn thấy cánh tay của các chiến sỹ vẫy chào tạm biệt.
Đã được tận mắt chứng kiến, đã được trải nghiệm, đã được lắng nghe chia sẻ… Vậy chị nghĩ nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, chị sẽ làm gì cho Trường Sa?
- Trong chương trình hành động khi đi tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã có đề cập đến điều này rồi. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ vẫn chưa chính thống nên chắc lần sau tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn. Sau chuyến đi, tôi đã trăn trở nhiều và thấy mình cần phải có trách nhiệm.
Thời gian tới tôi sẽ đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục thế hệ trẻ hiểu và có trách nhiệm hơn với biển đảo, cũng như kêu gọi các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên đảo để tăng cường nước ngọt, rau xanh, chăn nuôi giúp đời sống của các chiến sĩ bớt vất vả hơn. Hay việc nhiều cử tri cũng rất quan tâm đến việc đưa thêm nội dung biển đảo vào sách giáo khoa cấp một để ngay từ nhỏ các cháu đã có kiến thức về biển đảo, về chủ quyền và thêm yêu tổ quốc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tôi sẽ thực hiện nếu được trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trước mắt, có một số công việc tôi có thể làm ngay trong nội bộ trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đó là cả trường sẽ tạo lập một quỹ để cán bộ, giảng viên, HSSV của trường đều có thể tham gia đóng góp. Quỹ đó có thể dùng để ủng hộ cán bộ chiến sĩ Trường Sa hoặc nhân dân những nơi còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chúng ta cần phải làm đó là tuyên truyền, vận động và định hướng cho tất cả mọi người đã là người con Việt Nam đều có trách nhiệm với biển đảo của Tổ quốc, mọi người cần chung tay, góp sức người, sức của và cả trí tuệ để gìn giữ và bảo vệ biển đảo quê hương và phải coi đó là trách nhiệm của chúng ta.
Mặc dù đến thời điểm này, thông tin chị trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV vẫn chưa được thông báo chính thống. Tuy nhiên, nếu đây là thông tin chuẩn xác thì chị nghĩ gì?
- Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần ngay từ thời điểm ứng cử Đại biểu HĐND và Đại biểu Quốc hội. Tôi đã có một đường hướng rõ ràng rằng mình sẽ làm gì khi trúng cử hoặc không trúng cử. Tất nhiên, bây giờ tôi chưa thể nói được điều đó vì chưa có nguồn tin chính thống.
Tôi sẽ cần sự trợ giúp của rất nhiều người. Là những người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở tại các địa phương trong địa bàn tôi được phân công theo dõi. Bản thân tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều. Tôi cũng phải mở rộng quan hệ và thâm nhập thực tế nhiều hơn để nắm được thông tin một cách sát thực nhất, lắng nghe được nhiều ý kiến của người dân nhất.
Nếu trở thành một Đại biểu Quốc hội và phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề, buộc lòng phải trao vị trí quản lý hiện tại cho người khác thì chị có sẵn lòng không?
Tôi cũng xác định, ở đây mình không thể không chia sẻ. Một mình không thể đảm đương được hết cả việc trong lẫn việc ngoài. Với đội ngũ thầy cô trong trường như hiện nay tôi khá yên tâm khi chia sẻ công việc với họ.
Nếu giả sử tôi là Đại biểu Quốc hội thì tôi cũng còn đỡ hơn rất nhiều người. Có những người tận miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… xa xôi, phải gác mọi công việc ra Thủ đô để hoàn thành trọng trách của một Đại biểu Quốc hội. Tôi dù sao cũng rất gần và có thể đi đi lại được. Ban ngày tôi hoàn thành trọng trách của một Đại biểu Quốc hội thì tối tôi vẫn có thể giải quyết công việc và dành cho gia đình được.
Thời gian vừa qua chị dành nhiều thời gian cho việc ứng cử Đại biểu HĐND và Đại biểu Quốc hội, vậy gia đình chị có phàn nàn gì không?
Tôi rất may được gia đình ủng hộ. Trong thời gian vừa qua dù không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhưng con cái tôi cũng đã lớn nên có thể tự lo cho bản thân được. Việc học hành của các cháu thì đã có ông xã, việc nhà lại có mẹ tôi đỡ đần. Nếu không được chồng ủng hộ, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn.
Các con cũng không hỏi gì nhiều về việc mẹ thường xuyên vắng nhà. Các cháu dường như chưa mường tượng ra việc mẹ sẽ trở thành một chính khách và tôi cũng không có ý định giải thích sâu với các con điều này.
Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.