Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách 77 hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Danh sách được chọn ra từ 105 hồ sơ do Hội đồng cấp Bộ và Sở Văn hóa các tỉnh, thành gửi lên. Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương vắng mặt trong danh sách. Theo quy định, các hồ sơ đạt tiêu chuẩn phải có 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
Đây là lần thứ ba nghệ sĩ Minh Vương trượt danh hiệu này
Minh Vương chia sẻ, ông ngỡ ngàng khi hay tin. "Tôi cảm thấy thiếu công bằng. Đây là lần thứ ba tôi trượt danh hiệu này", nghệ sĩ nói. Cách đây vài tháng, thông qua báo chí, ông biết tin hồ sơ của mình được Sở Văn hóa Thể thao TP HCM đề xuất lên cấp Nhà nước. Lúc đó, ông đã rất phấn khởi, tự hào vì danh hiệu là một trong những phần thưởng ghi nhận nghề hát của ông, bên cạnh tình cảm khán giả.
NSƯT Minh Vương
Cuối tháng 3, đại diện Hội Sân khấu TP HCM liên hệ với NSƯT Minh Vương để hướng dẫn ông hoàn thành hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Sở Văn hóa Thể thao TP HCM đề xuất hồ sơ của ông cùng 58 nghệ sĩ lên Hội đồng cấp Nhà nước để được xét tặng NSND, NSƯT. Bà Hồng Dung - phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - bày tỏ: "Anh Minh Vương là một nghệ sĩ nhiệt huyết với nghề đã lâu, việc được phong tặng danh hiệu là sự khẳng định cho đóng góp không mỏi mệt của anh".
Minh Vương sinh năm 1949, đi hát từ năm 14 tuổi. Năm 1964, ông đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Sang thập niên 1970, Minh Vương được nhiều hãng đĩa để ý và mời thu thanh. Ông thành công với các vở diễn như Đời cô Lựu, Máu nhuộm sân chùa, Rạng ngọc Côn Sơn... Hiện, ở tuổi 69, nghệ sĩ vẫn miệt mài ca, diễn.
Nghệ sĩ Minh Vương (tên thật Nguyễn Văn Vưng) lúc thăng trầm dâu bể, lúc bình lặng êm đềm. Gia đình anh có 7 anh em, đều sinh ra và lớn lên tại Cần Giuộc – Long An. Năm 10 tuổi anh theo cha mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Thú vui của cậu con trai từ miền quê yên tĩnh lên thành thị là nuôi cá lia thia. Mỗi buổi trưa đi học về, cậu bé Vưng thường lội bộ qua cầu chữ Y (quận 8) để vớt lăng quăng nuôi cá. Đối diện dưới chân cầu Chữ Y thời đó, có một lớp đờn ca tài tử do nghệ nhân Bảy Trạch phụ trách. Ban đầu cậu bé chẳng để ý, nhưng vì tiếng rao đờn và giọng ca của các anh chị theo học ngọt ngào, da diết, khiến cậu phải bỏ quên việc vớt lăng quăng lần tìm đến với lớp học.
Ngày qua ngày, tự dưng niềm say mê ca bài bản cải lương và ca vọng cổ đã cuốn hút cậu. Cho đến một ngày, cậu bé Vưng mạnh dạn xin nghệ nhân Bảy Trạch làm đệ tử. Lúc này nghệ nhân Bảy Trạch đang là tay đờn kìm trứ danh của Đoàn Cải lương Kim Chung, nhận thấy cậu bé có gương mặt sáng, hơi ca khỏe khoắn nên nhận ngay vào lớp. Thời đó, cậu bé Vưng đã biết tìm mua những bài ca và nghe theo radio để học ca theo các nghệ sĩ: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh... Đến năm 1964, báo giới Sài Gòn tổ chức cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ (4 năm tổ chức một lần). Cuộc thi này đã tạo cơ hội cho nhiều giọng ca trẻ đến gần với con đường chuyên nghiệp. Nguyễn Văn Vưng được thầy Bảy Trạch dẫn đi thi và không ai có thể ngờ anh đã vượt qua gần 300 thí sinh để đoạt giải nhất Khôi nguyên vọng cổ với bài ca cổ Mưa nắng miền đông. Từ đó con đường đến với sân khấu cải lương chuyên nghiệp của nghệ sĩ Minh Vương chính thức rộng mở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.