Tạ Tuấn Minh rất thích thử thách mình và không sợ thất bại
Anh có chia sẻ, khó nhất của kịch lịch sử chính là nhớ thoại, thuộc thoại. Vì lời thoại của kịch lịch sử rất dài và nhiều từ cổ. Vậy anh có bí quyết gì để không bị quên lời thoại trên sân khấu?
- Nói chung, kịch lịch sử luôn tạo ra những thử thách đối với diễn viên, nghệ sĩ về phần lời. Vở "Thiên mệnh" cũng đặt ra cho tôi rất nhiều áp lực vì phần lời quá dài và quá khó. Lời của vở này có những đoạn dài gần cả trang A4. Khi gặp tác giả kịch bản Hoàng Thanh Du tôi trêu: "Em lạy anh, anh viết thế này thì diễn viên nào học nổi thoại".
Vì thoại của kịch lịch sử, không chỉ đơn thuần nhớ hết mà còn phải nói cho đúng tinh thần và nhả đài từ cho thật hay. Muốn làm được điều đó, không có gì khác ngoài phải thật sự ngấm kịch bản, hiểu được nhân vật và phải chịu khó tập luyện.
Kịch lịch sử không thể bịa được như kịch hiện đại. Kịch hiện đại, nếu tôi quên chỗ này, tôi có thể nói ý – có thể phiêu. Nhưng kịch lịch sử mà quên một câu là bị "trắng đầu", y hệt như kịch cổ điển. Ơn trời, mấy hôm vừa rồi diễn, dù có những đoạn tôi "bắn" thoại cả tràng nhưng không bị nhịu.
Tôi ngẫm lại, trong cuộc đời làm sân khấu của mình, tôi toàn chọn cái khó. Kể cả những vai được phân làm như: Nguyễn Huệ, Từ Hải, Hamlet, Chí Phèo… cũng đều là vai khó. Thật ra, tôi rất thích thử thách mình và không sợ thất bại. Bởi vì tôi thất bại nhiều rồi và chẳng sợ ai chê cả.
Trong nghệ thuật, mọi người thường sợ áp lực hoặc đặt ra cho mình áp lực. Nhưng với tôi, cứ được đứng trên sân khấu đã là hạnh phúc lớn nhất rồi. Càng được chinh phục những "ngọn núi cao" tôi lại càng sung sướng. Bởi vì, mỗi lần chinh phục được hay không chinh phục được tôi đều lớn lên, đều trưởng thành, có thêm thể lực… để bắt đầu cho cuộc chinh phục mới.
Vở "Thiên mệnh" vừa được công diễn vào tối hôm qua (3/11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Quá trình tập vở trong giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra những trở ngại gì cho anh và các đồng nghiệp?
- Trước hết phải nói rằng, thời điểm dịch bệnh bùng phát và cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị sân khấu đứng trước rất nhiều nỗi lo. Trong dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói vừa qua, ai cũng có những trăn trở và nghĩ suy muốn nói ra. Nhiều nghệ sĩ, đạo diễn… muốn xây dựng những vở diễn tầm vóc nhưng với điều kiện hiện nay, mọi thứ đều rất khó.
Bản thân NSƯT Đỗ Kỷ cũng rất muốn tạo ra được một vở kịch lịch sử thật tốt, thật hay… để góp phần "chấn hưng" sân khấu. Tôi hiểu khát vọng đó của anh Đỗ Kỷ nên cũng tự nhủ mình phải hết sức cố gắng.
Vở này, phải nói là chúng tôi tập luyện rất gian nan. Vở được khởi công từ lâu nhưng sau đợt khởi công chỉ tập được vài buổi. Đợt thứ hai tập được khoảng 1 tuần lại phải dừng lại vì dịch. Mỗi lần dừng cách nhau một đến hai tháng nên khi tập lại gần như mới. Đến đợt cuối cùng, khi hết giãn cách thì toàn bộ ê-kíp mới dồn tâm sức để làm.
Chúng ta đều biết, kịch là phải ngấm, phải chạy nhiều, phải được diễn cùng nhau và được sống với nhân vật thì nhân vật mới sinh động, mới sâu được. Vì thế mà đợt này chúng tôi hơi vất vả khi phải tập liên tiếp. Những ngày cuối, chúng tôi làm trong trạng thái dốc 200% sức lực. Như buổi biểu diễn tối hôm trước, buổi tối chúng tôi diễn mà buổi sáng còn chỉnh sửa thông cả buổi trưa.
"Tôi đang đi tiếp con đường của NSND Anh Tú"
Nhiều người nói rằng, ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Tạ Tuấn Minh có nhiều nét giống với NSND Anh Tú ngày xưa. Từ cách làm nghề cho đến lối diễn đều đậm đặc tinh thần của Anh Tú. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng, ý kiến đó không hề sai. Trong nhà hát của tôi, rất nhiều anh chị em quý trọng và yêu mến anh Anh Tú. Cách đây mấy hôm, vợ chồng tôi cùng một số người bạn đến chùa – nơi gửi vong linh anh Anh Tú để thắp hương và trò chuyện với anh. Tôi hay nói chuyện với anh Anh Tú lắm. Từ ngày anh ấy mất, cứ mỗi khi vui, buồn, thành công, thất bại… tôi đều tìm đến trò chuyện với anh.
Thực ra, anh Anh Tú về Nhà hát Kịch Việt Nam chưa lâu. Tính ra, tôi với anh ấy chỉ mới làm việc với nhau trong khoảng 5 năm. Trong khoảng 5 năm đó, anh ấy truyền cho thế hệ đàn em hoặc học trò của anh ấy một ngọn lửa đam mê rất mãnh liệt.
Khi anh Anh Tú về Nhà hát Kịch Việt Nam, những vai diễn của tôi đều do anh ấy dựng. Những gì anh ấy truyền dạy, chỉ bảo, dìu dắt, nâng đỡ… cứ ngấm dần vào tôi. Tôi xem anh ấy như người anh lớn, người thầy lớn của mình vậy. Ngọn lửa đam mê của chúng tôi ngày nay bùng cháy mạnh mẽ đều nhờ sự khơi gợi của anh Anh Tú.
Ở anh Anh Tú có một ngọn lửa đam mê cực lớn. Những năm cuối đời, anh ấy mang trong mình rất nhiều bệnh nhưng vẫn hăng say dựng vở. Nhiều khi nhìn thấy anh ấy uống cả vốc thuốc rồi lại lăn ra làm mà ai cũng thương cảm. Anh ấy làm như thể biết trước mình sắp không còn được làm nữa. Và chính những hình ảnh đó đã truyền thêm cho chúng tôi đam mê, động lực để làm nghề.
Điều quan trọng là từ những nền tảng đó, chúng tôi đang đi tiếp con đường của anh. Ngày xưa, anh Anh Tú dựng vở thì các nhân vật đều rất tốt và nhân văn. Nếu có nhân vật xấu thì cũng tìm ra điểm sáng ở nhân vật đó mà nâng đỡ họ. Chỉ có những con người tinh tế, luôn sống hướng thiện và mong cuộc sống tốt đẹp thì mới làm được như thế. Tư tưởng mà anh ấy gửi gắm đến mọi người đó là "Hiện thực cuộc sống dù có đau thương đến mấy thì cũng phải cất cánh bay lên, dù chỉ là trong ý nghĩ". Đó cũng chính là tư tưởng mà tôi sẽ làm trong những vở diễn của mình.
Khi cùng đạo diễn khai thác nhân vật Trần Thủ Độ trong vở "Thiên mệnh", tôi cũng cố gắng tìm những gì con người nhất của ông. Tôi cố gắng tìm được động cơ phía sau những hành động tàn bạo của ông để mọi người thấy được khát vọng của con người ấy.
Tư tưởng của anh Anh Tú cũng thấm đẫm trong vở "Người tốt nhà số 5" mà tôi dàn dựng từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ. Đó là cuộc sống có bi đát, có buồn thảm… thì cũng không cho người tốt chạy trốn mà phải quay lại để đấu tranh với cái xấu, cho đến khi nào cái xấu ngừng thở mới thôi.
Anh Anh Tú sợ làm về cái ác lắm và tôi cũng thế. Cuộc sống không như câu chuyện cổ tích nhưng mình có thể biến một khía cạnh nào đó của cuộc sống thành câu chuyện cổ tích. Với tôi, nghệ thuật phải luôn vươn tới "chân - thiện – mỹ" và phải mang những giá trị đó đến với người xem. Nghệ thuật nên gieo yêu thương, lòng bác ái và sự lạc quan chứ không nên gieo sự hằn học, đố kỵ hoặc bi thương.
Đó là lí do mà anh đã thực hiện luận văn Thạc sĩ "Tính huyền thoại trong những vở diễn của NSND Anh Tú"?
- Đúng. Đó chính là những gì tôi vừa chia sẻ ở trên. Cuộc sống có nhiều khía cạnh có thể biến thành cổ tích. Tính cổ tích đó chính là tính huyền thoại của sân khấu. Tôi từng viết trên trang cá nhân của tôi khi anh Anh Tú mất rằng: "Em sẽ viết tiếp những gì anh còn dang dở". Chắn chắn tôi sẽ viết tiếp và đi tiếp con đường anh ấy đã đi. Hiện tôi vẫn đang giảng dạy và nếu tôi đi chưa trọn con đường của mình thì học trò của tôi sẽ đi tiếp. Vì sân khấu không thể chết được. Còn những ngọn lửa, còn những đam mê thì sẽ còn sân khấu.
"Nhiều khi tôi rất mâu thuẫn với bản thân"
Thời gian gần đây, anh hay chia sẻ hình ảnh cho các con của mình tham gia các dự án của bố mẹ. Việc anh cho các con hoạt động nghệ thuật quá sớm có vô tình đè lên con những áp lực quá sức?
- Chưa bao giờ tôi định hướng hai con trai của mình theo nghệ thuật. Tôi rất yêu sân khấu và nếu các con theo nghiệp của mình thì tôi rất hạnh phúc. Nhưng tôi rất hạn chế đưa hai con lên nhà hát vì sợ ánh đèn sân khấu và những vở diễn sẽ mê hoặc chúng. Vợ chồng tôi làm nghề này nên biết rõ, một khi đã đam mê là không dứt ra được mà theo nghề này vất vả lắm. Vất vả cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Nhiều khi tôi rất mâu thuẫn với bản thân. Tôi vừa muốn con theo nghiệp của mình nhưng vừa muốn con theo nghề khác để sau này đỡ vất vả. Vậy mà không hiểu sao, hai cu cậu lại rất thích nghệ thuật và thích được cùng bố mẹ tham gia các công việc liên quan đến nghệ thuật. Mọi thứ cứ vô tình diễn ra mà không hề có sự sắp đặt nào hết. Các cô chú đạo diễn làm phim thỉnh thoảng lại gọi hai đứa đi làm. Thấy bố mẹ đi lồng tiếng cũng đòi xin đi theo. Đợt dịch vừa rồi, nhàn rỗi, cả nhà làm mấy clip vui vui và bây giờ góc máy – kỹ năng diễn xuất các bạn ấy nắm được hết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.