Đạo diễn Tạ Tuấn Minh: Có một dòng chảy ngầm Hà Nội trong "Người tốt nhà số 5"

Thanh Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 10/10/2020 15:30 PM (GMT+7)
"Người tốt nhà số 5" của tác giả Lưu Quang Vũ là dòng chảy cuồn cuộn ngầm ở bên trong Hà Nội. Nếu mất đi lòng tốt, mất đi cách ứng xử có văn hóa tức là con người Hà Nội không có văn hóa. Hà Nội mất đi văn hóa thì không còn là Hà Nội nữa", NSƯT Tạ Tuấn Minh cho biết.
Bình luận 0

Kịch của tác giả Lưu Quang Vũ không bao giờ là cũ 

Đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn: Có một dòng chảy ngầm Hà Nội trong "Người tốt nhà số 5"  - Ảnh 1.

NSƯT Tạ Tuấn Minh trả lời báo Dân Việt. Ảnh: Thanh Hà

Đây là lần đầu tiên NSƯT Tạ Tuấn Minh tham gia liên hoan sân khấu với vai trò đạo diễn, nhưng đã giành được Huy chương Vàng. Anh cảm thấy thế nào?

- Tôi nghĩ rằng mình đã gặp may mắn rất lớn, tôi vui và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên đây cũng sẽ là một áp lực lớn đối với tôi. Bởi đôi khi những sự khởi đầu thuận lợi sẽ khiến cho mình gặp áp lực trong những lần sau. Lúc đó tôi sẽ phải làm vở diễn sau ít nhất thành công bằng vở diễn trước hoặc thậm chí thành công hơn vở diễn trước đó. Cho nên vừa là may mắn nhưng cũng là sự thử thách, khó khăn cho tôi trong những vở tiếp theo. 

Liên hoan sân khấu Thủ đô là nơi để cho các nghệ sĩ được giao lưu học hỏi và có thể có cơ hội để mình bộc lộ một cái tôi cá nhân trong mỗi tác phẩm của mình. Khi tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô, tôi không quan trọng việc mình giành giải thưởng mà điều quan trọng với tôi là vở diễn được ra mắt công chúng, được mọi người biết đến, được anh em, bạn bè đón nhận. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ rồi. Chưa kể năm nay tôi được nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất. 

Năm nay, chất lượng của những vở diễn cao, các vở diễn từ kịch nói, chèo, cải lương đều là những tác phẩm đặc biệt được dàn dựng bởi những đạo diễn nổi tiếng, đã có nhiều tác phẩm thành công trước đó như đạo diễn Triệu Trung Kiên, NSND Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn Trần Lực…

Năm nay, ban giám khảo cũng là những người có chuyên môn cao. Đặc biệt trước liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã nói đây sẽ là một liên hoan sẽ thực sự rất công bằng, vở nào thật sự xứng đáng huy chương vàng sẽ trao huy chương vàng, kể cả huy chương vàng cá nhân cho diễn viên cũng vậy. 

Được biết anh cũng đã chọn vở "Người tốt nhà số 5" để làm bài thi tốt nghiệp. Đây cũng là vở diễn chưa hẳn nổi trội nhất của tác giả Lưu Quang Vũ, vậy vì sao đạo diễn Tạ Tuấn Minh lại chọn vở này?

- Tất cả kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ không có vở nào là không hay. Trong tất cả sự nghiệp của Lưu Quang Vũ, ông viết được độ khoảng gần 50 vở thì vở "Người tốt nhà số 5" là một trong những vở ít được biết đến. 

Tôi chọn "Người tốt nhà số 5" của tác giả Lưu Quang Vũ bởi tôi nhận thấy ở trong vở diễn có đề cập tới những vấn đề thời đại, chưa bao giờ là cũ và luôn cần thiết cho cuộc sống như:nhân sinh quan, con người, vấn đề nhân sinh…

Đấy chính là điều làm cho vở diễn của Lưu Quang Vũ luôn luôn mang tính thời đại, không riêng chỉ vở diễn "Người tốt nhà số 5". 

Đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn: Có một dòng chảy ngầm Hà Nội trong "Người tốt nhà số 5"  - Ảnh 2.

Vở kịch "Người tốt nhà số 5".

"Người tốt nhà số 5" được đánh giá là vở diễn khó dựng và đây lại là lần đầu tiên của anh tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Vậy Tạ Tuấn Minh gặp những khó khăn nào khi dựng vở?

- Kịch bản "Người tốt nhà số 5" đã từng được NSND Phạm Thị Thành chuyển sang chèo năm 1985. Sau đó năm 2004, đạo diễn Vũ Minh cũng đã dựng vở trên sân khấu kịch trong Sài Gòn.

Thời điểm đó tôi còn quá nhỏ nên không có cơ hội để xem tác phẩm đó cũng là thiệt thòi. Vì biết đâu khi xem tôi có thể rút ra được kinh nghiệm. Nhưng đôi khi đó cũng là thuận lợi vì không bị áp đặt vào tư duy của tôi. Tôi có thể mặc sức sáng tạo, dàn dựng theo cách của mình vào trong vở diễn.

Có một điều chưa ai hỏi tôi, đó là đạo diễn nhìn thấy điều gì về Hà Nội trong vở "Người tốt nhà số 5". Tôi xin bật mí, đó một dòng chảy ngầm về con người, về văn hoá của Hà Nội. Nói về Hà Nội là chúng ta nói về văn hóa, nói về văn hiến. Và hiện giờ chúng ta cứ bị mất dần văn hóa, văn hiến và Hà Nội trở thành một thứ gì đó mất dần đối với cuộc sống hiện tại.

Vậy một con người tồn tại bằng lòng tốt, cái đấy chúng ta đem ra so sánh đó là dòng chảy ngầm. Nếu lòng tốt mất đi cũng giống như Hà Nội mất đi văn hóa. Vì bản thân câu chuyện "Người tốt nhà số 5" của tác giả Lưu Quang Vũ không bao giờ nói trực diện, nhưng chúng ta nhìn cuộc sống của thời bao cấp, chúng ta nhìn những ngôi nhà tập thể là chúng ta đã hình dung ngay Hà Nội thời bao cấp. Đó là chưa kể trong "Người tốt nhà số 5" có đủ các thành phần, trí thức có, bảo vệ có, giáo viên, và là một xã hội thu nhỏ.

Nên khi dựng vở kịch tôi cũng làm theo tinh thần của vở kịch là dòng chảy cuồn cuộn ngầm ở bên trong Hà Nội. Con người Hà Nội không có văn hóa, mất dần đi văn hóa thì không còn là Hà Nội nữa.

Đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn: Có một dòng chảy ngầm Hà Nội trong "Người tốt nhà số 5"  - Ảnh 3.

NSƯT Tạ Tuấn Minh

Được mặc sức sáng tạo, vậy anh đã đưa góc nhìn, tư duy sáng tạo của mình như thế nào vào vở kịch?

- Câu chuyện tác giả Lưu Quang Vũ muốn kể là câu chuyện thời bao cấp nhưng tôi không miêu tả về cuộc sống bao cấp. Tôi mượn câu chuyện của thời bao cấp để nói về vấn đề bây giờ. Vấn đề là gì? Thực ra đây mới là hơi thở hiện đại, đây mới chính là cái mà chúng ta thấy nó hiện đại. Cuộc sống bây giờ công nghệ 4.0 càng phát triển, con người ta lại càng thờ ơ, lạnh nhạt, lãnh đạm với nhau hơn. 

Người tốt bây giờ tại sao lại lạc lõng hay cô đơn. Bởi vì sự ích kỷ của con người càng ngày càng lớn và đôi khi không một ai dám thẳng thắn nói một vấn đề nào đó, không có ai dám thẳng thắn đi đến tận cùng của vấn đề và chúng ta đôi khi cứ vì cái ích kỷ cá nhân của mình. Đó chính là xu hướng đám đông của giới trẻ bây giờ, tôi cho đó là điều cực kì nguy hiểm. 

Ví dụ bây giờ có một vụ tai nạn ở trên đường xảy ra vào buổi đêm, và chúng ta cùng lướt xe đi qua, có khi rất ít người dừng xe lại để đưa nạn nhân đi vào bệnh viện. Cũng đúng thôi bởi vì bây giờ người ta rất sợ những sự phiền hà. Đôi khi đưa vào viện rồi người nhà bệnh nhân tưởng là mình gây tai nạn, thậm chí phiền hà rồi nên đôi khi người ta cứ né dần né dần. Chính sự vô cảm ấy khiến lòng tốt cứ biến mất dần đi. Đấy là vấn đề tôi muốn nói trong thời đại bây giờ.

Về vấn đề lòng tốt đang dần dần mất đi, màn nhân vật chính của tác giả Lưu Quang Vũ nói đến nhân vật Hiệp. Nhân vật Hiệp luôn có trong mỗi con người, đó là phần tốt và phần xấu. Khi nào phần tốt nhiều hơn thì con người đó, xã hội cái tốt đẹp được nhân lên. Nhưng nếu phần xấu lấn át phần tốt thì con người đó sẽ xấu đi, xã hội sẽ xấu hơn, đầy rẫy vấn nạn, tiêu cực sẽ xảy ra.

Và như vậy nguy cơ tiềm ẩn rất nguy hiểm cho xã hội và đấy cũng chính là vấn đề của ngày hôm nay, của hiện tại, chứ không phải là vấn đề của cách đây 40 năm. Bối cảnh của vở kịch được NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu theo cách ước lệ, tượng trưng và ẩn dụ để khán giả không cảm thấy xa cách với cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, để hấp dẫn cho giới trẻ, tôi đã đưa những ca khúc mới Phạm Hồng Phước vào vở kịch để cho khán giả dễ chấp nhận hơn, giới trẻ dễ tiếp nhận hơn.

Chúng ta đang nói về tính dự báo của Lưu Quang Vũ và chúng ta đang đưa một câu chuyện cách đây gần 40 năm để đến bây giờ nó vẫn mang hơi thở thời đại, mang tính thời sự. Thậm chí vấn đề về lòng tốt, về con người trong vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ không bao giờ là cũ và thậm chí 100 năm hay 200 năm.

Đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn: Có một dòng chảy ngầm Hà Nội trong "Người tốt nhà số 5"  - Ảnh 4.

"Người tốt nhà số 5" là dòng chảy ngầm của Hà Nội

Nghe Tạ Tuấn Minh nói, chắc hẳn anh là người hiểu tác phẩm, con người của tác giả Lưu Quang Vũ?

- Tôi nghĩ, khi dựng vở của tác giả Lưu Quang Vũ, điều trước tiên là phải tìm hiểu ông ấy nghĩ gì, làm gì và ông ấy muốn thì mới tìm ra được chìa khóa của kịch bản. Một đạo diễn không tìm ra được chìa khóa của kịch bản sẽ không biết nói cái gì đối với khán giả, đặc biệt một đạo diễn có thể có góc nhìn khác nhưng phải luôn luôn phải tôn trọng tư tưởng chủ đề và ý muốn của tác giả muốn truyền đạt tác phẩm muốn nói tới công chúng. 

Có thể thời gian tới sẽ có những đạo diễn khác sẽ khai thác "Người tốt nhà số 5" theo góc nhìn khác. Họ sẽ đưa công nghệ, màn hình led, laser, cho nhân vật Hiệp bay lên đĩa bay trở về thế giới của Hiệp… đó có thể là tư duy của họ. 

Còn cách làm của tôi thì sẽ chú trọng hơn tới tinh thần, thông điệp mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi tới khán giả. Cái tốt luôn phải đấu tranh đến tận cùng, kể cả thất bại, kể cả trả giá nhưng vẫn phải luôn tồn tại bởi cái tốt không tồn tại thì xã hội của chúng ta sẽ không tồn tại.

Ngoài ra, tôi không chỉ nghiên cứu các bài viết về kịch của ông, tôi còn đọc thơ, văn của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh để hiểu hơn về con người ông, về tâm tư, điều ông muốn nói trong các tác phẩm của mình.

Hơn nữa tôi cảm thấy mình có sự đồng cảm với tác giả Lưu Quang Vũ. Tác giả Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh lấy nhau đều là những người làm nghệ thuật, đều tự lập và đi lên trong khốn khó. Tôi và vợ tôi cùng làm ở Nhà hát Kịch Việt Nam, cũng tự lập và đi lên từ hai bàn tay trắng, cùng hỗ trợ trong nghề. Đó chính là điều tôi nhìn thấy có một phần nhỏ của mình trong cuộc đời của ông.

Trước vở "Người tốt nhà số 5", Tạ Tuấn Minh đã chọn vở nào để dựng không?

- Trước đó tôi đã bỏ ra nửa năm để tự mình chuyển thể "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư làm bài tốt nghiệp. Nhưng sau đó cố NSND Anh Tú phân tích, trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư có nhiều vấn đề nhạy cảm, sự khắc nghiệt, nên chọn vở nào đó nhẹ nhàng hơn.

Nhưng tôi sẽ vẫn nuôi ý định, một lúc nào đó, đến thời điểm thích hợp sẽ dựng vở "Cánh đồng bất tận". Bởi thực lòng tôi rất thích đi vào những vấn đề gai góc, phải phản ánh được chân thực cuộc sống, dám đi thẳng vào vấn đề và tìm ra hướng giải quyết. Chứ không phải chúng ta đi vào sự gai góc để bế tắc.

Ví dụ như ngày xưa khi làm diễn viên, tôi vào vai Hamlet thì rõ ràng anh ta thất bại. Sau đó anh ta vỡ bừng ra chân lý thì bản chất của bi kịch chính là sự tẩy rửa. 

Dự án tiếp theo của anh sẽ là gì?

- Tôi vẫn tiếp tục ấp ủ và nếu có cơ hội thì sẽ cố gắng, tất nhiên là ngay bây giờ thì sẽ phải quên "Người tốt nhà số 5" và tiếp tục cho những dự án mới.

Nhưng tôi là người không thích nói trước khi mình chưa thực hiện. Tôi chỉ có thể bật mí rằng tới đây tôi đang ấp ủ một vài vở của tác giả Lưu Quang Vũ.

Cảm ơn Tạ Tuấn Minh!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem