Phải vạch trần sai phạm bằng mọi giá
Ngay từ cuối tháng 12.2015, chúng tôi đã nhận được thông tin: Trong quá trình thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tại nhiều địa phương đã bộc lộ những tồn tại lớn liên quan tới việc vay vốn cũng như trong việc thi công đóng tàu.
Trong đó, nguồn tin từ một kỹ sư đóng tàu tại khu vực phía Nam cho hay: “Có hiện tượng một số cơ sở đóng tàu, dù được cấp phép vẫn trà trộn thép Trung Quốc giá rẻ vào thay cho thép đóng tàu chuyên biệt của Hàn Quốc và Nhật Bản để giảm giá thành, đẩy lãi tăng lên. Các anh vào cuộc đi”.
Nếu như có việc như vậy thì thật quá nguy hiểm cho ngư dân khi ra khơi trên những con tàu như thế! Bởi, ngư dân ta khi ra Biển Đông ngoài mưu sinh còn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước thông qua Nghị định 67 là một chủ trương rất kịp thời và cần thiết để ngư dân có được con tàu lớn hơn, to hơn, hiện đại và công năng tốt hơn. Tôi kết nối ngay với một số cộng tác viên vùng miền thường xuyên cộng tác với Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt để cùng phối hợp.
Ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang20kg hồ sơ nhưng vẫn không thể vay được vốn đóng tàu.
Chúng tôi kiểm chứng lại thông tin và trình Ban Biên tập Báo cho ý kiến. “Ban Biên tập hoàn toàn ủng hộ đề tài này, đề nghị đồng chí chủ biên đề tài vào ngay với các cộng tác viên để hỗ trợ anh em. Anh em phía Bắc hỗ trợ nhóm tác giả, báo cáo diễn biến thông tin cho Ban Biên tập biết” - đó là bút phê của lãnh đạo tòa soạn ngay khi chúng tôi trình đề tài.
Giải Báo chí Quốc gia là Giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các nhà báo, tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trên cả nước. Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 có 1.637 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 95 trong số 139 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm: 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải khuyến khích.
Tác phẩm “Tàu 67 mắc cạn” của nhóm tác giả: Tạ Quang Ngọc - Trần Ngọc Thọ (chủ biên) - Lê Văn Chương đăng trên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đoạt giải B với thể loại phóng sự - điều tra.
|
Chúng tôi lên đường với tâm trạng phải vạch rõ những hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu với ngư dân cũng như “tội ác” khi đưa thép phục vụ xây dựng các công trình vào làm thép đóng tàu. Ngư dân đầu tiên mà chúng tôi gặp gỡ là vợ chồng anh Phạm Đạo ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Anh Đạo cho hay, anh đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng nhưng đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi hoàn thiện thủ tục vay vốn mà vẫn không được phía ngân hàng giải ngân.
Chúng tôi gặp ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - người mong ngóng có chiếc tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ nhiều tới nỗi anh quyết định bỏ biển một năm để toàn tâm toàn ý dành thời gian hoàn thành thủ tục vay vốn. Ngày 4.1.2016, gặp chúng tôi anh đưa ra đống hồ sơ đã nặng tới trên 20kg và cuối cùng anh vẫn chưa thể vay vốn vì vô số lý do từ phía ngân hàng đưa ra. Rất, rất nhiều trường hợp là những ngư dân khác mà chúng tôi gặp gỡ trong hành trình đi tác nghiệp, tất cả đều không thể vay được vốn. Đau xót hơn, có những ngư dân do “kiệt sức” đã chấp nhận vay lãi ngoài để đóng tàu kịp vụ cá mới.
Kỳ vọng vào sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ
Trong loạt bài “Tàu 67 mắc cạn”, chúng tôi tập trung vào một vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng một số cơ sở đóng tàu sử dụng thép giá rẻ Trung Quốc phục vụ xây dựng các công trình nhà ở để mà đóng tàu vỏ thép cho ngư dân ra khơi. Chúng tôi đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về đóng tàu cảnh báo về việc những tàu này khi đưa vào sử dụng sẽ bị nước biển ăn mòn, máy móc sẽ nhanh chóng hỏng hóc. Đặc biệt, tính mạng của những ngư dân trên các con tàu vỏ thép đó sẽ ở vào tình trạng nguy hiểm.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương mới đưa vào sử dụng đã rỉ sét. Ảnh: Dũ Tuấn
Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi khi triển khai loạt bài này là quá vất vả khi tìm người trả lời phỏng vấn liên quan tới nội dung mà chúng tôi ghi nhận. Rất nhiều lãnh đạo ở các các đơn vị liên quan né tránh trả lời phỏng vấn. Người sẵn sàng mời phóng viên tới văn phòng và dành liền mấy tiếng đồng hồ trả lời báo là PGS-TS Võ Văn Trác - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản và là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, người dành cả đời gắn bó với ngư dân. PGS-TS Võ Văn Trác đã kiến nghị các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật vào cuộc làm rõ hành vi tráo đổi chủng loại thép trong đóng tàu, làm rõ có hay không việc vi phạm pháp luật của những chủ cơ sở đóng tàu này.
Loạt bài đã gây hiệu ứng sâu rộng và một số bộ ngành đã lên tiếng. Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã tiếp nối loạt bài bằng bài viết kết thúc chuyên đề là: “Phát triển nghề cá: Cần một đề án đột phá!” nói lên những trăn trở của ông, những thiệt thòi của ngư dân khi chính sách đúng đắn nhưng việc thực hiện còn nhiều những bức xúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm trước những thông tin về một loạt tàu vỏ thép trị giá trên hàng chục tỷ đồng đóng bằng thép nhưng mới ra khơi đã hỏng hóc, gỉ sét.
Chúng tôi tin với sự vào cuộc của Chính phủ, những hành vi trục lợi trên lưng ngư dân sẽ bị xử lý nghiêm minh. Những ngư dân anh hùng ngàn đời nay sẽ tiếp tục vững niềm tin, vượt sóng dữ ra khơi để làm giàu từ biển, tiếp tục là những cột mốc sống hiên ngang giữa Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.