Nụ cười và giọt nước mắt của những cuộc đời hồi sinh sau ghép thận

Bạch Dương Thứ năm, ngày 16/03/2023 18:57 PM (GMT+7)
"Nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn kiếp sau tôi trả nợ ân tình", NSND Minh Vương trải lòng trên sân khấu buổi lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 16/3.
Bình luận 0
Nụ cười và giọt nước mắt của những cuộc đời hồi sinh sau ghép thận - Ảnh 1.

NSND Minh Vương vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật cải lương sau 11 năm ghép thận. Ảnh: NVCC

NSND Minh Vương là một trong những người được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy 11 năm trước. Năm 2012, Minh Vương bị suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện càng trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật.

Ông đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy và may mắn ông được một chàng trai 34 tuổi, chết não hiến thận. Năm nay đã 73 tuổi, ông vẫn có thể hát, cống hiến cho nghệ thuật cải lương. "Còn sức, còn sống, tôi vẫn còn cất cao tiếng hát của mình để "trả nợ ân tình" với cuộc đời này", nghệ sĩ Minh Vương nghẹn lời.

Là một trong 2 ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 29/12/1992, bà Võ Thị Thượng (65 tuổi, Long An) đã từng tuyệt vọng nghĩ đến cái chết khi biết tin bị suy thận mạn giai đoạn cuối khi mới hơn 30 tuổi.

"Chạy thận khổ lắm, đau ói ngay tại giường truyền, da dẻ xám xịt, ăn không nổi. Con đường sống mờ mịt như treo án tử trên đầu", bà Thượng nhớ lại.

Khi đó bà đang ở độ tuổi sung sức nhất, đang có một gia đình hạnh phúc với 2 con nhỏ. Bất ngờ, bà nhận chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi tuần 3 lần, người chồng chở vợ trên chiếc xe máy cũ từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chạy thận. Nửa năm bệnh tật trôi qua, mỗi ngày chạy thận là mỗi ngày thêm tuyệt vọng.

Một ngày cuối năm 1992, bà bất ngờ nhận tin được chọn ghép thận. Người cho thận chính là ba ruột của bà.

"Nhận được tin mình được chọn, tôi đồng ý ngay mà không thấy sợ hãi gì. Tôi thấy mình quá sức may mắn. Dù có rủi ro, dù tôi chết khi ghép thận vẫn còn hơn sống thế này. Rất nhiều người đăng ký nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ chọn được hai ca. Tôi là một trong số đó", bà Thượng nói. Vài ngày sau ca đại phẫu, bà Thượng cảm nhận những khác biệt của một cơ thể vừa tái sinh.

"Ba cho tôi thận khi ông 59 tuổi. Bình thường ba nhát lắm, hơi bệnh một chút là rên. Vậy mà lúc bác sĩ nói phẫu thuật ghép thận cho tôi, ông không lo lắng gì, chỉ mừng thôi. Ghép xong ông còn cúng heo quay để tạ ơn. Năm nay ba đã 89 tuổi, vẫn khoẻ mạnh, mấy năm trước vẫn còn tự chạy xe Honda", bà Thượng vui vẻ kể.

Đồng hành suốt chặng đường hơn 30 năm với bà Thượng là người bạn đời luôn yêu thương và chăm sóc bà hết mực. Nhiều lúc bà cáu bẳn, khó chịu khi chạy thận hay khi uống thuốc chống thải ghép, ông Huỳnh Quang Minh, chồng bà chưa từng một ngày xa vợ.

"Nghe tin vợ suy thận mạn, tôi sốc và thương lắm, xác định có lẽ không kéo dài được bao lâu. Cô ấy cũng có lúc cáu bẳn, nhưng tôi càng thương vợ hơn. Vợ tôi may mắn được ghép thận, vui khỏe đến hôm nay. Tôi biết ơn các bác sĩ", ông nói.

Nụ cười và giọt nước mắt của những cuộc đời hồi sinh sau ghép thận - Ảnh 3.

Vợ chồng bà Võ Thị Thượng tại buổi kỷ niệm 30 năm ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

Bà Huỳnh Thị Nghĩa (65 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) từng là nhân viên y tế của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM. Nhận phần tạng hiến của người em trai vào năm 1998, đến nay là năm thứ 25 kể từ "cuộc mổ định mệnh", quả thận mới trong người bà vẫn đang hoạt động tốt.

Trước đó, người phụ nữ có 3,5 năm vật lộn với những ngày chạy thận, cơ thể luôn ở tình trạng thiếu máu và ứ nước. Mỗi lần ra đường, bà lại bị mọi người xa lánh, xem như người nhiễm bệnh hiểm nghèo.

Ngày ghép thận xong, cơ thể bà nhanh chóng có sự thay đổi bên trong lẫn da dẻ bề ngoài. Tuy nhiên gần 1 năm sau đó, bà Nghĩa bất ngờ phải cấp cứu vì không thể đáp ứng với một loại thuốc, khiến huyết áp cao, tiểu cầu giảm. Lần nữa, các bác sĩ lại tích cực điều trị để bảo vệ mạng sống cho bệnh nhân.

"Xin cảm ơn trời đất, đấng tạo hóa, các nhà khoa học, tất cả bác sĩ rất lo lắng cho tôi trước và sau ghép. Tôi cũng không quên ơn người em trai đã hiến thận cho mình. Cảm ơn giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Trần Văn Sáng, những người tham gia ghép lúc đó cho tôi nhưng giờ đã không còn...", bà Nghĩa nghẹn ngào chia sẻ.

Lời tri ân, cảm tạ của bà Huỳnh Thị Nghĩa sau 25 năm ghép thận. Clip: B.D

 PGS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu chia sẻ, ông và Giáo sư Trần Ngọc Sinh đã ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy nguyên một tuần, theo dõi từng giờ, từng phút, từng ngày với các ca ghép đầu tiên.

"Nhìn thấy những giọt nước tiểu đầu tiên từ quả thận ghép, hạnh phúc vỡ òa. Chúng tôi không thể diễn tả được", PGS Sâm nhớ lại.

Trong số những người được nhận "món quà vô giá" ấy, có ông Nguyễn Văn Thoan (TP.HCM), người nhận thận từ người cho có tim ngừng đập đầu tiên vào năm 2015; chị Lê Thị Ánh Hồng (quê Kiên Giang) - ca ghép đổi chéo đầu tiên năm 2017 và ông Vi Văn Biết (quê Bến Tre) - ca ghép không tương hợp nhóm máu đầu tiên vào năm 2021.

Linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng, chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài - người được ghép thận cách đây hơn 20 năm, xúc động tri ân và trân trọng những người giúp ông có được cuộc sống: "Khi đón nhận sự sống mới, chúng tôi sẽ phải nỗ lực làm những gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời, cũng như dành nhiều thời gian lan tỏa những điều tốt đẹp nhất để sự hồi sinh ấy có ý nghĩa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem