Nữ cựu chiến binh hết lòng với người tàn tật, trẻ mồ côi

Quang Đức (Báo Quân đội Nhân dân) Thứ bảy, ngày 02/04/2022 19:10 PM (GMT+7)
Năm nay dù đã bước qua tuổi 70, sức khỏe không được tốt, nhưng nữ cựu chiến binh, một bác sĩ quân y gần như dành trọn cuộc đời mình cho công tác thiện nguyện.
Bình luận 0

Bà tên Đỗ Thị Ngon, nhiều người quen gọi với cái tên thân mật, trìu mến: Cô Tư Ngon – nguyên Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).

Dồn sức cho công tác thiện nguyện

Chất giọng mạnh mẽ nhưng ấm áp, cùng nụ cười phúc hậu là ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi được trò chuyện với cô Tư Ngon. Khi chúng tôi đề cập đến những câu chuyện thiện nguyện và thật ngạc nhiên khi biết cô sinh ra và lớn lên tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nhưng cuộc đời lại gắn chặt với vùng đất Bình Minh từ cuối năm 1967 đến nay. 

Sau khi học xong lớp hộ sinh năm 1968, cô Tư Ngon được phân công về nhận nhiệm vụ tại trạm y tế xã Mỹ Thuận (nay là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cô Tư Ngon và các nhân viên trạm y tế đã tích cực tham gia việc cứu chữa thương binh. 

Đến đầu năm 1969, cô tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 857 (tỉnh Vĩnh Long), sau đó được đơn vị đưa đi bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ về cứu thương, y tá. Ít năm sau, cô Tư Ngon thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, khi tốt nghiệp ra trường cô về công tác tại thành phố Vĩnh Long với nhiều chức vụ trong ngành y tế. 

Năm 1992 cô Tư Ngon nghỉ hưu theo chế độ, cùng gia đình chuyển về sinh sống tại thị xã Bình Minh - một vùng đất đã gắn bó với cô trong suốt chặng đường tham gia kháng chiến.

Nữ cựu chiến binh hết lòng với người tàn tật, trẻ mồ côi - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Ngon (bên trái) trao đổi với các đồng nghiệp tại Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh. Ảnh: Quang Đức

Về hưu là để nghỉ ngơi, nhưng với cô Tư Ngon lúc này mới có thời gian toàn tâm, toàn ý cho công tác thiện nguyện trên cương vị là Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh. 

Theo chia sẻ của cô Tư Ngon, lúc mới thành lập Hội rất khó khăn, hầu như là "3 không" (không biết phải làm như thế nào, không có cơ sở hoạt động, không có kinh phí hoạt động). Với phương châm tự thân vận động, Hội đã đi gõ cửa từng cơ quan, doanh nghiệp, kêu gọi đồng chí, đồng đội, bạn bè gần xa để xin kinh phí làm từ thiện. Bằng sự nhiệt tình, cái tâm trong sáng và lòng nhân hậu, Hội ngày càng phát triển. Danh sách những người làm từ thiện, tham gia ủng hộ ngày càng "dày" lên.

Cũng nhờ có nguồn kinh phí, có chỗ "an cư" mà hằng trăm người gặp khó khăn đã được Hội giúp đỡ. Người khuyết tật thì được hỗ trợ xe lăn, xe lắc để bán vé số kiếm sống; trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, quèo tay chân bị hỏng thì được Hội hỗ trợ tiền chữa trị; học sinh nghèo học giỏi được cấp học bổng tiếp bước đến trường... 

"Công tác thiện nguyện đã ăn vào máu của mình rồi, lúc nào cũng muốn giúp cho người nghèo khó. Tôi chấp nhận đóng cửa phòng mạch riêng để dồn sức cho công tác Hội. Trong 12 năm làm công tác Hội, cái được lớn nhất của tôi có được là tình cảm của bà con dành cho mình", cô Tư Ngon vui vẻ nói.

Vươn lên những cảnh đời khó khăn

Cũng chính tình cảm, tấm lòng của bà con dành cho như đã tiếp thêm sức mạnh để cô Tư Ngon tiếp tục làm công tác thiện nguyện. Với chiếc xe máy, cô rong ruổi khắp nơi, lúc đi vận động tài trợ, vận động thực hiện các chương trình phẫu thuật mắt, tim cho người nghèo; hỗ trợ người tàn tật, trẻ mồ côi; giám sát xây dựng đường nông thôn, hoặc trực tiếp khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, đến thăm nom những gia đình khó khăn, … "Việc gì cần thì đến hỏi bác sĩ Ngon" - đã trở thành câu nói quen thuộc và thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng đối với việc làm thiện nguyện của bà.

Trong nhiều cảnh đời cô Tư Ngon từng giúp thì các trường hợp không may bị mắc bệnh tim là đáng thương nhất, bởi phải điều trị tốn kém, gia cảnh đa phần đều nghèo, khó khăn. Những trường hợp bệnh như vậy phải tốn nhiều tiền nên việc vận động tài trợ cũng khó, nhưng chính sự nhiệt tình của cô mà rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh tim nặng đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết. 

Đơn cử như trường hợp của em Nguyễn Thái Thanh Hải, xã Thuận An, thị xã Bình Minh. Nhờ được cô Tư Ngon vận động tài trợ mổ tim miễn phí mà đã thoát được căn bệnh quái ác, tiếp tục học hành, nay đã có việc làm ổn định ở Phú Quốc (Kiên Giang). Gia đình em Hải còn được cất "Nhà tình thương", địa phương tạo điều kiện cho mẹ có chỗ buôn bán nhỏ.

NU-CUU-CHIEN-BINH-HET-LONG-VI-NGUOI-TAN-TAT.jpg

Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa Bình Minh được duy trì hơn 20 năm qua, nhờ công rất lớn của cô Tư Ngon. Ảnh: Quang Đức

Còn trường hợp anh Trần Thế Dũng, Đội xe cứu thương từ thiện thị xã Bình Minh cũng rất cảm động. Cách đây hơn 5 năm, anh Dũng bị mắc bệnh tim và được cô Tư Ngon vận động giúp chữa trị.

 Sau khi khỏe mạnh và kinh tế khá giả, để trả ơn, anh Dũng đã quyết định tham gia Đội xe cứu thương cùng chung tay giúp đỡ bà con gặp cảnh khó khăn, bệnh tật như bản thân mình đã từng được giúp. "Lúc đó tôi cân nặng còn khoảng 37kg thôi, gia đình quá khó khăn nên không có khả năng để mổ tim. May mà nhờ cô Tư Ngon hỗ trợ kịp thời, nếu không là tôi không còn sống đến ngày hôm nay. Cô Tư Ngon như là người sinh ra tôi lần thứ hai vậy", anh Dũng bùi ngùi kể lại.

Tấm lòng thiện nguyện của cô Tư Ngon cứ thế ngày càng lan tỏa, người được bà giúp đã giúp lại người khác để cùng nhau thắp sáng niềm tin cuộc sống và kết nối những giá trị nhân văn về tình người. 

Hiện nay, dù đã rời cương vị Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh, nhưng hằng tháng cô Tư Ngon vẫn trích tiền lương hưu ít ỏi của mình để ủng hộ cho Đội xe chuyển bệnh từ thiện Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, hỗ trợ viện phí cho những bệnh nhân đặc biệt khó khăn; tham gia thành lập trại hòm miễn phí để cung cấp hòm, đồ tẩm liệm cho những hộ nghèo khi có người thân qua đời; sẵn sàng tham gia đoàn khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa…

Đặc biệt, cũng từ nghĩa cử cao đẹp của cô Tư Ngon, hơn 20 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Bình Minh đã duy trì hiệu quả bếp ăn tình thương để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. 

"Tuy giá trị vật chất của mỗi suất ăn không cao, nhưng đây là hoạt động thấm đậm nghĩa tình, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp bà con giảm bớt gánh nặng chi phí trong thời gian điều trị bệnh", Bác sĩ CK1 Lê Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) nói.

Với những việc làm thiện nguyện hướng đến cộng đồng, bà Đỗ Thị Ngon được Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen và là một trong những điển hình của tỉnh Vĩnh Long về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

"Chúng tôi rất phấn khởi khi địa phương có người luôn hết lòng với công tác thiện nguyện như bà Đỗ Thị Ngon. Những việc làm của bà đã góp phần cùng chính quyền, địa phương chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn để mọi người cùng có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Nghĩa cử của bà Tư Ngon chắc chắn sẽ được nhiều người nhắc nhớ với lòng ngưỡng mộ", ông Nguyễn Thanh Cần, Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem