Sống “kiểu Mỹ”
Nhiều người cho rằng, DJ là một nghề nhẹ nhàng, sung sướng. Hàng đêm họ đến vũ trường chơi nhạc, lắc lư theo các giai điệu sôi động là hàng tháng đã kiếm vài trăm triệu đồng. Nhưng ít ai biết rằng phía sau những hào nhoáng, lộng lẫy và những con số thu nhập hấp dẫn đấy thì người DJ, nhất là nữ đã phải trả những giá đắt như thế nào.
Đầu tiên là những điều tiếng, thị phi vì họ làm việc trong chốn “ăn chơi”. Nghề của họ không được xem là một nghề “đẹp” và bản thân họ cũng hiếm, nếu không nói là không được đánh giá là gái đàng hoàng. Một phần là vì định kiến của nhiều người với chốn vũ trường vẫn còn quá lớn, một phần cũng là do có nhiều nữ DJ không chân chính, lợi dụng nghề làm chuyện xấu nên họ bị đánh đồng.
Nhưng điều đáng nói nhất đó chính là vấn đề môi trường làm việc chốn vũ trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các nữ DJ.
Giới DJ kết luận rằng nếu thiếu sức khỏe, họ không thể nào theo đuổi nghề này. Một “set” nhạc, tương ứng với 1 giờ đứng trên sân khấu chơi nhạc của DJ là tác hại gấp nhiều lần so với các công việc khác trong nghệ thuật. Môi trường làm việc của DJ có khá nhiều độc hại: rượu, bia của khách mời, khói thuốc lá nghi ngút, âm thanh chát chúa, rồi ánh đèn sân khấu như nhảy múa trước mắt họ... nên các DJ hầu hết đều mắc phải nhiều bệnh sau một thời gian làm việc.
DJ Trang Moon
Việc “hút thuốc” gián tiếp hàng đêm trong nhiều giờ liền khiến nguy cơ họ mắc các chứng bệnh về hô hấp, phổi tăng của người DJ tăng lên hàng chục lần so với người bình thường khác. Âm thanh chát chúa của dàn loa “khủng” trong bar khiến tất cả họ đều mắc chứng bệnh lãng tai, một căn bệnh mà họ cho là nhẹ nhàng và tất yếu!
Đặc biệt nhất là chứng mất ngủ, đây cũng là vấn đề mà DJ nào cũng gặp phải, trải qua trong một thời dài sau khi bước vào nghề. Người DJ luôn phải sống theo “giờ Mỹ”, tức khi mọi người chuẩn bị đi ngủ thì DJ thức dậy đi làm, khi mặt trời bắt đầu lên, mọi người đi làm thì DJ đi ngủ. Và đó là chuyện diễn ra hằng ngày với những DJ cố định, tức là những DJ ký hợp đồng dài hạn với các bar.
Mỗi đêm họ sẽ chơi nhạc cố định từ 3 đến 5 điểm, bắt đầu từ 21 giờ, mỗi điểm chơi một “set” nhạc. Và họ phải chạy liên tục đến các điểm diễn chứ không có phút nào nghỉ ngơi. Mỗi đêm như thế, họ về đến nhà lúc khoảng 3 giờ sáng.
DJ Ngọc Anh chia sẻ, có thời gian dài cô mắc bị mất ngủ triền miên, có khi 7, 8 giờ sáng thậm chí đến 12 giờ trưa cô mới ngủ được. Và không chỉ riêng cô, DJ nào cũng phải dùng đến thuốc ngủ, thiếu nó thì họ không tài nào chợp mắt được. Và không chỉ bị mất ngủ, hầu hết các DJ đều có giai đoạn bị rối loạn tiền đình, đau dạ dày, viêm xoang…
Kiệt sức, bỏ mạng vì nghề DJ
Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ nhất sau hơn 5 năm làm nghề, DJ Ngọc Anh nhớ ngay đó là lần cô bị ngất xỉu ngay trong lúc chơi nhạc tại một quán bar trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP HCM). Cô kể, có thời gian bị stress do làm liên tục một tháng không nghỉ. Đêm nào cô cũng đi từ 3-4 sô, 28 ngày làm ở TP HCM, 2 ngày nghỉ còn lại thì được mời đi diễn bar ở tỉnh. Hôm Ngọc Anh ngất xỉu, đó đã là sô thứ 3 của cô. Và cũng sau lần đó, rất nhiều lời đồn đoán rằng Ngọc Anh bị “phê thuốc”. Song, cự thật thì do cô bị kiệt sức sau thời gian dài làm việc như điên cuồng, không nghỉ ngơi.
Xem thêm: Chuyện chưa biết về nữ DJ hàng đầu vừa qua đời
Còn nhớ cách đây chưa lâu, nữ DJ Bo (tên thật là Mỹ Quyên), được mệnh danh là “phù thủy âm thanh” đã bị đột tử ở tuổi 32 trong một lần lưu diễn ở Hải Phòng. Lý do là bị bệnh viêm phổi nặng. Có thể nói đó chính là cái giá quá đắt cho nghề nữ DJ.
Chưa kể, làm DJ trong bar như là “làm dâu trăm họ”, không phải ai cũng thích nhạc họ đang chơi, trong khi đó thì họ phải làm sao vừa làm vừa lòng khách mà vừa phải làm theo yêu cầu của chủ. Với họ đó là một áp lực rất lớn.
Theo chia sẻ của giới DJ thì đây là một nghề có thu nhập hấp dẫn. Cụ thể nếu một DJ có tên tuổi, là DJ cố định thì mỗi sô tại TP HCM dao động từ 10-15 triệu đồng. Còn DJ diễn sô lẻ, được các bar mời diễn giao lưu thì khoảng từ 5-7 triệu/sô, ở các quận xa trung tâm TP thì lên đến 10 triệu. Nhưng lợi thế của DJ sô lẻ là có nhiều thời gian dành cho cuộc sống riêng của mình, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Có đêm họ có sô, đêm thì không và họ thường chỉ nhận 1-2 sô/đêm mà thôi. Chưa kể, họ còn có thời gian để nhận thêm nhiều sô ở các bar tỉnh, cát-sê tại đây cao hơn rất nhiều so với sô tại TP.
Cũng chính vì thế mà sau một vài năm làm DJ cố định, các DJ nữ thường chuyển sang hình thức DJ sô. Nhưng với DJ sô thì sự nổi tiếng là một yếu tố mang tính sống còn với họ, bởi khi họ có tên tuổi thì các chủ quán bar mới biết đến mà mời diễn. Và cũng từ đó, nhiều DJ đã lao vào những cuộc PR bản thân, những cuộc cạnh tranh chỗ đứng giống như bất kỳ một nhân vật nào trong giới showbiz.
DJ Oxy
Tuổi thọ của nghề DJ thường rất ngắn, đặc biệt với DJ nữ bởi môi trường và đặc thù công việc làm họ rất nhanh “xuống sắc”. Mà khi họ còn trẻ, gặp thời thì họ được săn lùng, mời mọc; nhưng khi phong độ tuột dốc thì họ chỉ biết ngồi nhìn mọi thứ trôi vào dĩ vãng, tàn tạ với thời gian vì có khi cả năm không ai tìm đến!
Với các nữ DJ là vậy. Khi quyết định chọn nghề, họ đã phải đối mặt và vượt qua định kiến xã hội. Họ phải chiến đấu với điều đó trong suốt thời gian làm nghề, nên với họ, vinh quang và cay đắng luôn song hành cùng nhau.
(Theo Petrotimes)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.