Nữ dược sĩ và khát vọng xuất khẩu thuốc Nam

Chủ nhật, ngày 11/03/2012 06:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chị là người phụ nữ duy nhất của ngành dược ba lần được vinh danh trên bục Giải thưởng Bông Hồng Vàng vì những nỗ lực đem lại giá trị mới cho thuốc đông y.
Bình luận 0

Đó là dược sĩ Lê Thị Bình- Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình (Hà Nội). Từ bài thuốc gia truyền phong tê thấp Bà Giằng, chị đã phát triển bài thuốc lên tầm cao mới và xây dựng nhà máy sản xuất thuốc với nguyên liệu 100% thảo dược đạt tiêu chuẩn quốc tế (GMP). Con đường này tiếp bước cho khát vọng xuất khẩu thuốc Việt của chị ra nước ngoài.

img
Chị Lê Thị Bình hướng dẫn khách tham quan xưởng sản xuất thuốc của công ty.

Là cháu ngoại bà lang Giằng, chị đã phát triển 6 loại thuốc mang thương hiệu Tâm Bình từ kinh nghiệm bài thuốc gia truyền- chị có thấy đó là việc làm "mạo hiểm" và vì sao lại là Tâm Bình?

- Khi học xong Đại học Dược ra trường, tôi đã nhận thấy thuốc gia truyền của gia đình tuy tốt nhưng chỉ gắn duy nhất với một bài thuốc chữa phong tê thấp trong khi xã hội hiện đại có rất nhiều bệnh nan y về xương khớp chưa có thuốc chữa trị hiệu quả. Lúc đó tôi nghĩ: "Mình có kinh nghiệm làm thuốc gia truyền lại có kiến thức dược học hiện đại thì sao mình lại không nghiên cứu ra các loại sản phẩm mới chữa nhiều loại bệnh khác?.

Hơn nữa, thuốc cổ phương có những hạn chế nhất định như dạng viên hoàn cứng khó tiêu và tác dụng chậm... Tới đây thì Bộ Y tế cũng không cho phép những công ty dược lớn sản xuất dạng viên này nữa, vì vậy phải nghiên cứu tinh chế dược liệu và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để chuyển sang dạng viên nang. Thế là tôi quyết định giao lại thương hiệu Bà Giằng cho gia đình để toàn tâm toàn ý nghiên cứu, kết hợp giữa cổ phương và hiện đại để sáng tạo ra các sản phẩm mới mang thương hiệu Tâm Bình.

Tên Tâm Bình có nghĩa là tâm đức, tâm huyết với nghề gắn với tên mình - tôi muốn khẳng định sự phấn đấu của bản thân với nghề thuốc bằng cái “Tâm”, cái “Đức” chứ không muốn giậm chân tại chỗ, núp bóng ở thành công trước đây. Đó là một quyết định mang tính chất sống còn nhưng đến giờ có thể khẳng định là tôi đã làm đúng.

Ngày đầu tạo dựng thương hiệu, chị đã gặp những khó khăn gì?

- Đó là cả một chặng đường đầy gian nan mà giờ nghĩ lại tôi cũng cảm thấy sợ vì không hiểu sao mình có thể vượt qua được nó. Ngay sau khi có giấy phép thành lập Tâm Bình ngày 13.12.2010, tôi đã bắt tay vào làm sản phẩm đầu tiên. Lúc ấy tôi chưa hình dung ra được mình phải bắt đầu như thế nào?

Làm sao để biến thuốc bột thành viên nang chữa bệnh hiệu quả hơn khi trong tay không có một "tấc sắt", nhà máy chưa xây dựng được? Tất cả đều phải làm gia công từ khâu lấy dược liệu, sơ chế, hoàn tán, nấu cao, chiết xuất đến khi đóng vào nang (vỏ thuốc dạng nhộng) thì phải đi nhờ các công ty khác đóng thử vì không có máy.

Sản xuất ra viên thuốc, khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả, tôi đã bật khóc cảm ơn những người bệnh vì chính họ đã cứu mình. Sau bao nhiêu vất vả họ mà nói dùng thuốc không đỡ thì coi như mình thất bại, phải giải tán.

Ngày 1.3.2011, sản phẩm viên khớp Tâm Bình ra đời và chỉ sau đó 6 tháng nó đã "cháy hàng" do hiệu quả tốt. Ngay sau khi nhà máy hoàn thiện thì tôi đã có trong tay 3 sản phẩm: Viên khớp, Đại tràng và Viên Gout mang thương hiệu Tâm Bình để đưa vào sản xuất hết công suất.

Thực tế ở Việt Nam các thầy lang có bài thuốc hay thường giấu kín, và chữa theo thuốc Nam thì người bệnh cũng coi là “may thầy phước chủ”. Còn chị thì làm ngược lại, công bố hết dược chất và tìm tới người bệnh. Vì sao chị lại có quyết định này?

- Nói về thuốc thì không có cái gì là tuyệt đối cả, thuốc Tây hay thuốc Nam cũng có tỷ lệ thất bại nào đó, nhưng thuốc tốt thì phải đạt tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao. Ví dụ các sản phẩm của Tâm Bình thường đạt được tỷ lệ khỏi 80%.

Thường thì các ông lang có bài thuốc gia truyền nhưng chưa được chọn lọc, ông bà, bố mẹ dạy cái gì thì họ làm lại nguyên xi như thế, vì vậy mới có câu “may thầy phước chủ”. Còn tôi làm có chọn lọc, ví dụ cách đây 50 năm bài thuốc của bà tôi chỉ là lá cỏ bốc lên và sắc, đến đời mẹ tôi và tôi đã có chọn lọc rồi.

Bây giờ tôi phân tích được dược chất (ngày xưa các cụ không phân tích được các vị thuốc) vị này có tác dụng gì, vị kia chữa được gì, sau đó tôi dùng những nguyên liệu cao cấp hơn với tác dụng mạnh hơn để thay thế. Thuốc sản xuất theo tiêu chuẩn thì phải công bố thành phần của thuốc. Đó là quy định rồi.

Ngoài ra, y học bây giờ hiện đại đã phát hiện ra nhiều nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn trước đây cứ đau khớp thì gọi là phong tê thấp, giờ đau khớp thì có thể do bị thoái khớp, viêm khớp, gout…, phải có thuốc đặc trị điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Tôi phát triển theo hướng này.

Chị Lê Thị Bình tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1989, là con gái lương y Phạm Thị Giang (cháu ngoại bà lang Giằng). Mẹ chị từng được tặng danh hiệu Danh y xuất sắc, Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, còn chị đã được trao tặng Cúp vàng “Vì sự phát triển Cộng đồng” và “Lãnh đạo Doanh nghiệp xuất sắc”, Giải thưởng Bạch Thái Bưởi - Doanh nhân Đất Việt thế kỷ XXI.

Các ông lang ngày trước thường làm theo kinh nghiệm, gia truyền bảo sao làm vậy, có sao chữa vậy mà có khi không tâm huyết làm thì hiệu quả lại kém hơn. Vì vậy, làm nghề thuốc theo tôi phải có quá trình phát triển chứ không thể bảo thủ. Bà tôi là bà lang, mẹ tôi là lương y, tới tôi là dược sĩ và con tôi sẽ học tiến sĩ ngành dược, và như vậy phải có những bước tiến chứ không thể dừng lại với bài thuốc cách đây 50 năm.

Các công ty Nam dược khi xây dựng công ty thường phát triển các khu vực trồng cây nguyên liệu. Ở công ty của chị thì sao?

- Hiện chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu cây thuốc Nam (chủ yếu là trồng hoài sơn) ở Thanh Trì (Hà Nội) và đặt hàng thu hái một số loại thuốc ở vùng núi. Khi doanh nghiệp phát triển, chúng tôi cũng tính sẽ hợp tác với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu.

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem