Trong lễ trao giấy chứng nhận và quyết định phong tặng chức danh GS, PGS diễn ra sáng qua ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, câu chuyện những tháng ngày nhịn đói đi học của bà gây nhiều xúc động.
“Tôi là Lê Thị Thanh Nhàn, đang công tác tại Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên. Tôi sinh năm 1970, lớn lên tại Thái Nguyên. Bố tôi là bộ đội ra Bắc tập kết. Mẹ tôi là giáo viên cấp 1. Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày gian khó vô cùng tận, phải nhịn đói thường xuyên. Do nhiều năm tháng ở chiến trường, bố tôi bị sốt rét liên miên rồi mất sớm...”, GS Lê Thị Thanh Nhàn mở đầu bài phát biểu nhiều xúc động của mình.
Năm 2005, ở tuổi 35, bà gây chú ý khi trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam được phong tặng danh hiệu này vào năm đó. Từng là sinh viên Khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, học thạc sỹ tại Đại học Sư phạm Hà Nội, học tiến sỹ tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS Lê Thị Thanh Nhàn có thành tích nghiên cứu đáng nể. Bà từng giành Giải thưởng Khoa học của Viện Toán học vào năm 2007, Giải thưởng danh giá Kovalevskaia cho nữ nhà khoa học xuất sắc vào 2011. Và ở tuổi 45, bà trở thành GS toán học thứ 2 ở Việt Nam.
“Sự thật là lương các đồng nghiệp của tôi ở Viện Toán học chỉ 3-4 triệu đồng một tháng, lương các thầy của tôi cũng chỉ 8-9 triệu đồng một tháng, như thế làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học?”.
GS Toán học Lê Thị Thanh Nhàn
|
Kể về động lực để đi theo con đường nghiên cứu – con đường vốn nhiều chông gai, thử thách, nhất là với phụ nữ, bà cho hay: “Với tôi, được nghiên cứu toán là được làm điều mình yêu thích, được phát huy năng lực của mình và đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp khoa học và đào tạo. Thành công và hạnh phúc của tôi hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích đó”.
Dù là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên nhưng nữ GS không muốn tất cả các bạn trẻ phải đi theo con đường bà đã đi qua mà hãy tự chọn con đường cho riêng mình.
“Cuộc sống vốn có nhiều đường đi, tôi không có ý định mang mô hình của chúng tôi ra để làm mẫu cho tất cả các bạn trẻ. Thời chúng tôi và những thế hệ đi trước đó có thể đói ăn, chịu đựng khó khăn mà vẫn say mê làm khoa học và cống hiến, nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải như thế. Mặc dù ngày càng ít người giỏi chọn sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì đây là con đường chông gai và rất khó để làm giàu nhưng vẫn có những bạn trẻ dấn thân, vẫn có nhiều công trình xuất sắc. Sự thật là lương các đồng nghiệp của tôi ở Viện Toán học chỉ 3-4 triệu đồng một tháng, lương các thầy của tôi cũng chỉ 8-9 triệu đồng một tháng, như thế làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học?”.
Nữ GS bày tỏ mong muốn “Tôi tin rằng nếu có cơ chế, chính sách hợp lý của Nhà nước và các cơ quan hữu quan, có sự quan tâm tài trợ thích đáng của các tổ chức, bộ, ngành thì cách nghĩ của giới trẻ sẽ thay đổi, sẽ ngày càng có nhiều người xuất sắc chọn sự nghiệp nghiên cứu khoa học và theo đuổi ước mơ thành nhà khoa học chân chính”.
Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.