H'Linh tại Quảng trường Cách mạng Cuba.
Chỉ một
lựa chọn
H’Linh sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở thị trấn
EaDrăng, huyện EaH’leo, tỉnh Đắc Lắc. Dù ở thị trấn nhưng nhà H’Linh thuộc diện
nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk. Ba mẹ làm nông nên lo cái ăn, cái mặc cho bốn người
con rất chật vật. Tuổi thơ của cô bé chất đầy ký ức về cái lạnh buốt giá mùa
Đông, cái ẩm ướt của căn nhà lúc bão về và cả cái đói đến xanh người. H’Linh nhớ
lại: “Nhà mình nghèo, không có đủ ván để che bốn bức tường, không đủ tôn để lợp
trên mái nên mỗi lúc mưa thì nhà lại dột. Nước chảy lênh láng, ướt cả giường ngủ.
Nhiều đêm, 6 thành viên trong gia đình ngồi co ro với miếng áo mưa che lơ lửng
trên đầu. Những lúc nhà hết gạo, H’Linh và các em phải đi ngủ với cái bụng đói
cồn cào”.
H’Linh ý thức rõ việc học của mình: “Dù nhà nghèo, đến trường
với cái bụng đói nhưng mình vẫn luôn nghĩ về những điều tốt đẹp ở tương lai.
Lúc đó, mình nghĩ chỉ có lựa chọn là phải học thật giỏi mới có thể thoát nghèo
và đạt được ước mơ của mình”. Từ lớp 5, H’Linh đã phải vừa đi học vừa lên rẫy
phụ gia đình làm công việc đồng áng. Từ năm lớp 1 đến lớp 9, H’Linh thường đi
xin giấy vụn của các anh chị trong xóm, đem về, dùng chỉ khâu lại làm vở để
chép bài. Sách thì quyển có quyển không và toàn là đi xin lại các anh chị đã học
qua.
Chín năm học, chưa một lần H’Linh H’Mok được mặc áo mới
trong ngày khai trường mà toàn là quần áo cũ do mẹ đi xin về. Lúc nhỏ, H’Linh
thường xấu hổ với bạn bè vì cuộc sống của mình thiếu thốn. Nhưng khi ý thức được
mọi việc, H’Linh nghĩ cái lỗi lớn nhất là nếu mình không có ý chí vươn lên. Từ
đó, H’Linh nghĩ chỉ có một lựa chọn là phải học thật tốt.
Ba mẹ H’Linh là nông dân nhưng đều đã tốt nghiệp trung cấp
chuyên nghiệp. Vì vậy, dù nghèo nhưng gia đình luôn ủng hộ tuyệt đối cho con đường
học vấn của cô. Cuộc đời sang trang mới khi H’Linh thi đậu vào trường Trung học
Nội trú N’Trang Long, tỉnh Đắk Lắk. Linh cho biết: “Ba năm học tại đây, sách vở
không bao giờ thiếu. Các thầy cô quan tâm, chăm sóc học sinh như con ruột của
mình. Sự ấm áp về mặt tinh thần đã khiến H’Linh thêm mạnh mẽ nuôi ước mơ lớn
theo năm tháng”.
Giấc mơ
sẽ tới
Năm 2006, H’Linh thi vào ngành Sư phạm Vật lý, trường ĐH Tây
Nguyên. Ngày nhập học, cô háo hức như cá gặp nước lớn. Nhưng khó khăn nơi giảng
đường đã có lúc khiến cô bạn nản lòng: “Phương pháp học tập quá khác lúc phổ
thông, khó khăn về kinh tế khiến nhiều lúc mình tưởng chừng đã gục ngã. Có lần,
đi từ giảng đường về ký túc xá trường, mình đã khóc rất nhiều. Ngồi bên lề đường,
mình khóc như một đứa trẻ rồi nghĩ, ước mơ vẫn trong tầm tay của mình. Cứ học
thật tốt ở bậc đại học rồi xin học bổng cao học sau”.
Kết thúc năm học thứ nhất, H’Linh lọt tốp 10 của trường ĐH
Tây Nguyên và đứng đầu lớp. Lúc đó, trường ĐHTH La Habana (Cu Ba) dành cho trường
ĐH Tây Nguyên một suất học bổng toàn phần, ngành Vật lý và H’Linh nộp hồ sơ. Với
quá trình phấn đấu không mệt mỏi, nghị lực phi thường và thành tích học tập tốt,
H’Linh H’Mok đã được trường ĐH La Habana chọn và cấp học bổng toàn phần một năm
học ngoại ngữ và 5 năm học chuyên ngành tại Cu Ba. Trước ngày nhận học bổng một
tháng, cha của H’Linh qua đời vì bạo bệnh. Cô lên đường học tập cách quê nhà nửa
vòng Trái Đất nhưng lòng day dứt mãi
Đặt chân đến Cu Ba, H’Linh gây bất ngờ cho các thầy cô ở trường
ĐH La Habana. Một cô gái người dân tộc Ê Đê lại trở thành người duy nhất được
nhận học bổng của trường đại học danh tiếng hàng đầu Cu Ba. H’Linh kể: “Ai cũng hỏi, tại sao con gái mà học
một ngành khô khan như Vật lý. Nhưng mình thích Vật lý và Toán nên càng học
càng thấy thú vị. Đặc biệt, được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì mình
càng thấy thích hơn nữa”. Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị đồng hương khóa trước,
H’Linh hòa nhập nhanh với cuộc sống nơi đây. Cô đã nhận được rất nhiều sự giúp
đỡ từ thầy cô, bạn bè và các gia đình người Cu Ba, cả về học tập lẫn cuộc sống.
H’Linh tham gia nhiều hoạt động khoa học, tham gia viết báo để gởi đăng các tạp
chí khoa học…
Năm 2012, H’Linh tốt nghiệp trường ĐH La Habana với bằng loại
Giỏi. Cô tiếp tục nhận được học bổng toàn phần của hội đồng Khoa học và Công
nghệ Quốc gia Mexico để học lên thạc sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và
Giáo dục đại học của Ensenada, Mexico. H’Linh cho biết, điều kiện học cao học ở
đây rất tốt. H’Linh thường xuyên được thầy cô ở ĐHQG Mexico hướng dẫn nghiên cứu
khoa học. Với kết quả học tập loại xuất sắc, H’Linh đã được ĐHQG Mexico cấp học
bổng nghiên cứu sinh toàn phần, dù đến cuối năm 2014, cô mới tốt nghiệp cao học.
Sẽ về
giúp buôn làng
Đã 6 năm đi học xa nhưng mùa hè nào, H’Linh cũng tranh thủ về
thăm nhà. Để mua vé máy bay từ Cu Ba hay Mexico về Việt Nam là cả một vấn đề.
Những năm du học, H’Linh nói tiếng Tây Ban Nha như người bản xứ. Trong khi đó,
rất ít hướng dẫn viên người Việt Nam biết ngôn ngữ này. Vì vậy, khai thác thị
trường du lịch từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha ở Việt Nam là một lợi thế và
H’Linh trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ nhưng được nhiều công ty du
lịch ở Việt Nam săn đón.
Mỗi dịp hè, H’Linh lại bay về Việt Nam, vừa thăm gia đình vừa
làm hướng dẫn viên du lịch. Cô cho biết: “Khách đến Việt Nam không chỉ tham
quan danh lam, thắng cảnh mà còn muốn hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, món ăn Việt
Nam… Do đó, lúc nào mình nhiệt tình giải thích, giúp đỡ khách để họ có một chuyến
đi đáng nhớ và lưu giữ những hình ảnh tốt đẹp về đất nước mình”. Thù lao làm hướng
dẫn viên du lịch của cô, có khi lên đến 100 triệu đồng/tháng. H’Linh H’Mok dành
một nửa số tiền này để mua vé máy bay. Còn lại cô đưa hết cho mẹ đóng học phí
cho hai đứa em.
H’Linh H’Mok cho biết, sau khi học xong nghiên cứu sinh và lấy
bằng tiến sĩ, cô sẽ về nước để giúp buôn làng và đất nước. Đây cũng là lời hứa
của H’Linh với người cha đã mất của mình. Cô tâm sự: “Mình luôn mong mỏi một
ngày không xa sẽ trở về Việt Nam để được cống hiến và giúp đỡ các em người dân
tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học giỏi. Mình sẽ luôn tìm kiếm cơ
hội để có thể giúp đỡ đồng bào mình”.
Sinh viên Việt Nam (Theo Sinh viên Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.