Nước Anh gửi lời chia buồn tới những nạn nhân của đại dịch COVID-19 sau một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên

Thứ tư, ngày 24/03/2021 13:00 PM (GMT+7)
Đã tròn một năm phải ở nhà cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, công dân nước Anh sẽ mãi nhớ đến hơn 126.000 người đã thiệt mạng vì căn bệnh, một con số không tưởng mà ít ai nghĩ đến vào thời điểm tháng 3/2020.
Bình luận 0
Nước Anh gửi lời chia buồn tới những nạn nhân của đại dịch COVID-19 sau một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên - Ảnh 1.

Số người được cho là đã chết ở Vương quốc Anh trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 hiện là 126.172 người, con số lớn nhất ở châu Âu và cao thứ năm trên thế giới.

Vào giữa trưa ngày thứ 3 (12:00 GMT), tất cả mọi người trong quốc hội, bệnh viện, nhà thờ, địa điểm công cộng và văn phòng - vẫn còn hàng triệu người làm việc tại nhà do các quy tắc giãn cách xã hội – đã mặc niệm trong một phút để tôn vinh những người đã khuất.

Mọi người cũng được khuyến khích đứng trước cửa nhà lúc 8 giờ tối, cầm theo nến hoặc đuốc.

Dữ liệu chính thức cho thấy vào ngày 23 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Boris Johnson đã khiến cả nước choáng váng khi ra lệnh cho mọi người ở nhà và đóng cửa phần lớn nền kinh tế. Vào thời điểm đó, gần 1.000 người dân Anh đã thiệt mạng bởi loại coronavirus mới.

Số người được cho là đã chết ở Vương quốc Anh trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 hiện là 126.172 người, con số lớn nhất ở châu Âu và cao thứ năm trên thế giới.

Thủ tướng Johnson, người từng mắc COVID-19 rất nặng vào tháng 4/2020 và phải trải qua ba đêm trong phòng chăm sóc đặc biệt, đã mở đầu cuộc họp nội các hôm thứ Ba bằng cách phản ánh về "một năm rất đen tối và khó khăn" đối với nước Anh.

Johnson nói với các bộ trưởng rằng đất nước vô cùng thương tiếc những người đã qua đời, và ông bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên y tế cũng như toàn xã hội vì đã giữ cho đất nước tiếp tục phát triển.

Nữ hoàng Elizabeth đánh dấu ngày kỷ niệm bằng cách gửi những bông hoa mùa xuân đến Bệnh viện St Bartholomew's ở London. Chồng của bà, Hoàng thân Philip, 99 tuổi, đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim ở đó vào đầu tháng này.

"Chúng ta cần cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, vì vậy hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng để suy ngẫm về nỗi đau thương và mất mát mà rất nhiều người đang phải trải qua," bà nói trong một tin nhắn.

NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI NHỚ

Vào buổi tối thứ Ba, các địa danh trên khắp Vương quốc Anh, từ London Eye, Quảng trường Trafalgar và Sân vận động Wembley đến Lâu đài Cardiff và Tòa thị chính Belfast sẽ được thắp sáng như một ngọn hải đăng hy vọng.

Tại Kew Gardens, vườn bách thảo nổi tiếng thế giới ở phía tây London, hai bồn hoa hình trái tim được thiết kế từ hoa tulip vàng, hoa lục bình và hoa bách hợp đã được trưng bày, nhằm ủng hộ cho chiến dịch Yellow Hearts to Remember để chia buồn cùng tang quyến.

Nước Anh gửi lời chia buồn tới những nạn nhân của đại dịch COVID-19 sau một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên - Ảnh 3.

Rất nhiều nơi tổ chức tưởng niệm những nạn nhân của đại dịch COVID-19

Năm vừa qua đã thử thách đất nước với nhiều lần phong tỏa toàn quốc, nhiều gia đình bị buộc phải chia cắt, hàng triệu trẻ em không được tới trường, rất nhiều ngành công nghiệp lâm vào bế tắc.

Sau lần phong tỏa thứ 2 khiến người dân phải đóng cửa ở trong nhà suốt mùa đông, hiện Anh đang dần nới lỏng các hạn chế theo kế hoạch bốn bước được củng cố bởi sự thành công của chiến dịch tiêm chủng quốc gia.

Gần 28 triệu người đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin COVID-19, mang lại hy vọng trở về cuộc sống bình thường.

Johnson bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà khoa học. Thủ tướng Anh nói rằng 12 tháng trước, ông sẽ không tin nếu có ai đó nói rằng vắc-xin sẽ được phát triển trong vòng một năm và một nửa dân số trưởng thành của Anh sẽ được tiêm ít nhất một liều.

Nước Anh gửi lời chia buồn tới những nạn nhân của đại dịch COVID-19 sau một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên - Ảnh 4.

Người dân Anh gặp nhiều khó khăn khi cả nước bị phong tỏa

Tuy nhiên, hiện tại, cuộc sống vẫn còn xa mới có thể trở lại bình thường.

Trong giờ cao điểm, chỉ một nhóm nhỏ người đi làm ở London và tất cả đều đeo khẩu trang, trái ngược hẳn với trước khi xảy ra đại dịch, hàng nghìn người đã phải chen chúc nhau.

"Tôi phải nói thật, điều này vô cùng khó khăn!" người dân London Tom Johnson nói trên đường đi làm.

"Bây giờ chúng ta đã có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm," anh nói thêm. "Tôi nghĩ chúng tôi là một quốc gia khá mạnh mẽ, kiên cường và chúng tôi sẽ trở lại."


Hà Trang (Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem