Nước cờ bí ẩn của Tổng thống Donald Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 12/07/2018 07:30 AM (GMT+7)
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng có thể chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần. Bởi bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực như bán dẫn, pitaka hay công nghệ 4.0.
Bình luận 0

img

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR)

Tại buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II.2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng, từ khi nhậm chức tới nay, Tổng thống Donald Trump đã bảo vệ rất tốt lợi ích của nước Mỹ.

Xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Phạm Sỹ Thành cho rằng, những suy tính của ông Trump và đội ngũ cố vấn mang tính chiến lược nhiều hơn những phản ứng mang tính dân túy.

Cụ thể, việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước với con số 375 tỷ USD/năm xuống mức 100 tỷ USD là điều bất khả thi, nhất là trong bối cảnh thương mại và sản xuất đều đã được toàn cầu hoá.

Chưa kể việc thu được 15 tỷ USD tiền thuế từ các mặt hàng bị áp thuế suất mới cũng chỉ chiếm 2,5% quy mô thương mại hai chiều Mỹ - Trung. Đằng sau những căng thẳng thương mại này còn có câu chuyện khác.

“Căng thẳng thương mại kéo dài từ 23.3 tới 25.6 và đến khi những chính sách áp dụng với Trung Quốc có hiệu lực từ 6.7 tức là chỉ trong vòng 3 tháng, Mỹ đã tiến hành xong hoạt động điều tra chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, họ đưa ra những trừng phạt thương mại một cách mạch lạc, với cách ngành, danh mục bị cấm rất rõ ràng. Điều này cho thấy đây là hoạt động đã được chuẩn bị, tính toán từ trước chứ không đơn thuần là một hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu dân túy là tranh cử hay biểu hiện vào giữa nhiệm kỳ”, TS Phạm Sỹ Thành phân tích.

img

Theo TS Phạm Sỹ Thành, căng thẳng thương mại có thể chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp với Trung Quốc trong tương lai gần

Theo ông Thành, căng thẳng thương mại có thể chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ.

Nếu nhìn vào danh mục các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lần này có thể thấy Mỹ muốn đánh thuế đối với hàng hóa công nghệ cao hoặc những công nghệ Trung Quốc chưa thể làm chủ như màn hình cảm ứng, thép tấm nguyên liệu, máy móc thiết bị y tế, linh phụ kiện máy bay, pin và một số hàng hoá khác. Những mặt hàng này đều phù hợp với các ngành mà Mỹ muốn đảm bảo ưu thế trước Trung Quốc.

TS Phạm Sỹ Thành nói: “Thông qua các biện pháp về cân bằng thương mại và lệnh trừng phạt, Mỹ muốn ngăn chặn sự phát triển rất nhanh của Trung Quốc trong các lĩnh vực như bán dẫn, pitaka hay một số công nghệ 4.0 mà Mỹ lo lắng rằng với việc xâm phạm sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ trái phép, Trung Quốc sẽ có lợi thế rất nhanh trong thời gian tới. Hệ thống cố vấn của ông Trump muốn ngăn Trung Quốc có được lợi thế thông qua ăn cắp, rút ngắn khoảng cách với Mỹ trong vòng 5-10 năm”.

Theo đó, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tạo cho Trung Quốc sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, Huawei đã vượt qua Nokia và Ericsson để trở thành hãng sản xuất thiết bị thông tin viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Samsung, Qualcomm trong lĩnh vực phát triển mạng viễn thông 5G.

“Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc từ nửa cuối năm 2015 đến hết năm 2016 liên quan tới sự tháo chạy của giới nhà giàu và đồng vốn từ Trung Quốc ra nước ngoài do hoạt động chống tham nhũng trong nước. Điều này khiến dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm mạnh, nước này cũng phải hi sinh rất nhiều dự trữ ngoại tệ để giữ tỷ giá ổn định.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ cũng giảm do chính quyền nước này muốn thắt chặt hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước tại tất cả các thị trường. Thêm vào đó, là bàn tay can thiệp từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) vào hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Đích thân các cố vấn của ông Trump đã liệt kê một loạt biện pháp, trao quyền cho Ủy ban này.

Năm 2017, CFIUS đã ngăn chặn ít nhất 8 tỷ USD từ các hoạt động mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ. Dẫn tới các doanh nghiệp Trung Quốc phải bán tháo 10 tỷ USD tài sản, sắp tới phải bán thêm 4 tỷ USD nữa, khiến giá trị đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ sụt giảm tới 90%.

Điều này cho thấy rất rõ ý định của Mỹ trong việc chặn đứng Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ cả trên đất Mỹ cũng như trên đất Trung Quốc thông qua hoạt động bắt buộc chuyển giao công nghệ bất bình đẳng” TS Phạm Sỹ Thành cung cấp thông tin.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, rủi ro của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan toả chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước. Hơn thế, đụng độ của hai cường quốc sẽ tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem