Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam hoàn toàn có thể bị “vạ lây”

Hoàng Thắng (Thực hiện) Thứ ba, ngày 10/07/2018 07:21 AM (GMT+7)
Trò chuyện với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là cuộc chiến tất cả cùng thua, không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà ngay cả những quốc gia khác cũng bị thiệt hại, rất khó để có thể “ngư ông đắc lợi”.
Bình luận 0

“Do thương mại quốc tế được tạo dựng dựa trên những quy tắc, quy tắc của niềm tin nên một khi niềm tin vào những quy tắc và luật lệ thương mại quốc tế bị phá vỡ sẽ làm giảm thương mại cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó trước những diễn biến đầy thách thức này”, ông Tuấn khuyến nghị.

img

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Fulbrigt Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Quan hệ thương mại Việt-Trung sẽ chịu hệ lụy

Thưa ông, ngày 6.7 vừa qua, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế 25% cho 818 mặt hàng trị giá 34 tỷ USD trong tổng số 50 tỷ USD của Trung Quốc báo hiệu một cuộc chiến tranh thương mại đã được khởi động. Điều này sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Đây là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, còn Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn và đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ tác động đến hai quốc gia này, đến các nước đối tác của họ, từ đó trực tiếp lẫn gián tiếp ít nhiều sẽ gây tác động tới Việt Nam trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Ở khía cạnh tích cực, tôi chỉ dám nói là tác động tích cực tiềm năng chứ chưa thể nói là sẽ được hiện thực hóa. Giả sử Mỹ thực hiện biện pháp áp thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có tiềm năng người tiêu dùng Mỹ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp ở những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh trong đó có Việt Nam, không phải duy nhất Việt Nam.

Vấn đề quan trọng là các nhà xuất khẩu Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác khi cùng đứng trước một cơ hội như nhau hay không. Nhìn từ bên ngoài, cơ hội này chia đều cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Nhìn từ bên trong, cơ hội chỉ có được từ chính cái cốt lõi là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều người đánh giá đây là một cơ hội, song quan điểm của cá nhân tôi cho rằng cơ hội gia tăng thương mại đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ không thực sự nổi trội.

Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này không?

Thứ nhất, nếu các mặt hàng của Việt Nam đủ sức cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc mà với cả các quốc gia khác thì từ lâu chúng ta đã có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ rồi, chứ không cần chờ tới khi hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế thì chúng ta mới bán được hàng vào Mỹ. Khi cùng đối diện một mức thuế suất tương đương nhau, sở dĩ nhiều hàng hóa của chúng ta không vào được thị trường Mỹ trong khi hàng Trung Quốc hay các nước khác vào được là do chi phí sản xuất hay năng suất của các nước đó cạnh tranh hơn chúng ta. Hơn nữa, chính các rào cản kỹ thuật mới là bài toán khó khiến hàng hóa Việt Nam khó xuất sang thị trường Mỹ chứ không phải chỉ là hàng rào thuế quan.

Thứ hai, cơ cấu các mặt hàng bị áp thuế đợt 1 theo quan sát sơ bộ cho thấy chủ yếu là các nhóm hàng công nghệ, công nghệ cao, những mặt hàng mà Mỹ thường cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta nên đi vào cấu trúc chi tiết của 818 sản phẩm trong danh sách đánh thuế để biết được chúng có nằm trong phân khúc sản phẩm mà các nhà sản xuất ở Việt Nam đang tiến hành hay không, qua đó mới nói đến cơ hội như thế nào được. Rõ ràng trong danh sách không có nhiều mặt hàng mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Vậy nên ngay cả khi những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ thay thế những nhà nhập khẩu Trung Quốc, khả năng họ lựa chọn Việt Nam như một nhà cung ứng thay thế không nhiều. Tôi thấy cơ hội ở đây không quá lớn với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài khía cạnh thương mại, người ta cũng nói đến khía cạnh đầu tư. Cụ thể là trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội thu hút các nhà đầu từ Trung Quốc chuyển dịch sang. Thực ra thời gian qua đã có xu hướng dịch chuyển này rồi do chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Nếu chúng ta nói đến thời gian trung và dài hạn thì trước hết cần trả lời câu hỏi là chính sách của Tổng thống Donald Trump liệu có thể được kế tục bao lâu sau khi ông này hết nhiệm kỳ tổng thống.

Đối với Trung Quốc, họ vốn nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, nay bị áp thuế thì liệu có chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam hay không?

Hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng không đồng nhất với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cả trên phương diện chủng loại, phẩm cấp, chất lượng và giá cả. Ngoài ra, vị trí địa lý cũng là một lợi thế trong quan hệ giao thương với Trung Quốc và thực tế là Việt Nam cũng đã và đang tận dụng lợi thế này rất tốt.

"Hiện nay, chúng ta chưa có con số lượng hóa trong số hơn 800 mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, các nhà xuất khẩu Việt Nam cung ứng bao nhiêu phần trăm yếu tố đầu vào trong đó. Bộ Công Thương phải tính được con số này để có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng dây chuyển lên các liên kết chuỗi giá trị đối với các nhà sản xuất ở Việt Nam như thế nào. Đặt những cơ hội và thách thức này lên chiếc cân, rất khó đong đếm yếu tố nào nặng hơn yếu tố nào, song tôi nghĩ thách thức sẽ lớn hơn cơ hội nếu nhìn trên phương diện tổng thể", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích

Như vậy, chỉ với những mặt hàng Việt Nam không thể sản xuất được, họ mới phải nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Vậy nên cũng không phải là cơ hội gì lớn lắm để nói rằng Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như là một thị trường thay thế cho Hoa Kỳ.

Ở khía cạnh thách thức, tôi thấy rất hiện hữu. Đó là các nhà xuất khẩu Trung Quốc sử dụng rất nhiều yếu tố đầu vào từ Việt Nam. Bây giờ nếu Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có khả năng sẽ phải thu hẹp quy mô, cắt giảm sản lượng, đi tìm những thị trường khác. Trong ngắn hạn, các yếu tố đầu vào cho các nhà xuất khẩu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc.

Hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng không đồng nhất với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cả trên phương diện chủng loại, phẩm cấp, chất lượng và giá cả. Ngoài ra, vị trí địa lý cũng là một lợi thế trong quan hệ giao thương với Trung Quốc và thực tế là Việt Nam cũng đã và đang tận dụng lợi thế này rất tốt. Như vậy, chỉ với những mặt hàng Việt Nam không thể sản xuất được, họ mới phải nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Vậy nên cũng không phải là cơ hội gì lớn lắm để nói rằng Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như là một thị trường thay thế cho Hoa Kỳ.

Ở khía cạnh thách thức, tôi thấy rất hiện hữu. Đó là các nhà xuất khẩu Trung Quốc sử dụng rất nhiều yếu tố đầu vào từ Việt Nam. Bây giờ nếu Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có khả năng sẽ phải thu hẹp quy mô, cắt giảm sản lượng, đi tìm những thị trường khác. Trong ngắn hạn, các yếu tố đầu vào cho các nhà xuất khẩu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc.

Việt Nam hoàn toàn có thể bị “vạ lây”

Có khi nào hàng hóa Trung Quốc sẽ “mượn” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ?

Hoa Kỳ chắc chắn đã tính tới trường hợp này và không dễ dàng để thực hiện phương án này nhằm qua mắt họ. Trước đây, thép Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, kết quả thép xuất khẩu từ Việt Nam đã bị áp thuế tự vệ vào Mỹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu “mượn đường” Việt Nam, mà nó ảnh hưởng tới cả những nhà xuất khẩu khác ở Việt Nam.

"Dù quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ chiếm chưa đầy 1% quy mô nhập khẩu của nước này với thế giới, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn là một quốc gia xuất siêu sang Hoa Kỳ. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện bán phá giá và bị áp thuế chống bán phá giá. Chính vì vậy, không loại trừ trường hợp Trung Quốc chỉ nằm trong số các quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mượn “danh” Việt Nam, mượn vị thế ở Việt Nam, lập doanh nghiệp ở Việt Nam hay ký kết hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tạm nhập, rồi tái xuất hàng hóa sang Hoa Kỳ. Khả năng này vẫn có nhưng tôi nghĩ một khi Chính phủ Mỹ đã đưa ra một chương trình như vậy họ có thể phải tính đến các phương án kiểm soát, không dễ lợi dụng thị trường thứ 3 để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Nếu giả sử các doanh nghiệp Trung Quốc làm được như vậy tôi nghĩ cũng không có gì là có lợi cho Việt Nam cả. Không những vậy, chúng ta phải cẩn thận với chính sách mượn đường xuất khẩu vì nó sẽ phá vỡ cấu trúc của nền kinh tế, các bất ổn vĩ mô tiềm ẩn và cả môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng ở Việt Nam. Cá nhân tôi nhìn vấn đề này cũng thấy tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải lưu ý, hôm nay Hoa Kỳ ứng xử với Trung Quốc – một đối tác thặng dư thương mại với Hoa Kỳ – thì cũng không loại trừ ngày mai Hoa Kỳ cũng sẽ để mắt đến những quốc gia nhỏ hơn nhưng cũng có quan hệ thương mại thặng dư với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

Động thái tiếp theo, Hoa Kỳ cũng có thể đưa thêm các quốc gia khác vào và không thể loại trừ trường hợp này dù xác suất của nó không cao. Nếu vậy, chúng ta nên có kịch bản ngay từ bây giờ chứ không thể chỉ nhìn vào cơ hội mà làm lu mờ đi các thách thức.

Với những gì ông phân tích, rõ ràng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

Yếu tố đầu tiên bị ảnh hưởng là tâm lý kỳ vọng và điều này sẽ tác động tới những biến số vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… 

Về lãi suất, khả năng đồng USD mạnh lên khá rõ. Lực tác động của đồng USD lên thị trường tài chính quốc tế gồm cả tác động thuận chiều lẫn nghịch chiều. 

Giả sử chiến tranh thương mại với Trung Quốc xảy ra và Hoa Kỳ thành công, họ sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 370 tỷ USD. Giảm thâm hụt thương mại sẽ làm cho đồng USD mạnh lên. Ở đây nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ mạnh lên. Một yếu tố khác trên thị trường tiền tệ cũng khiến cho đồng USD mạnh lên, đó là việc FED tăng lãi suất. Thực tế cho thấy đồng tiền của nhiều quốc gia trong khu vực cũng bị mất giá so với đồng USD gần đây.

img

Sức ép lạm phát, lãi suất tăng là những tác động bất lợi tới Việt Nam nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra

Do vậy, USD cũng được dự báo sẽ tăng giá so với VND. Yếu tố tâm lý lên đồng USD trên thị trường ngoại hối Việt Nam mấy ngày qua cũng cho thấy điều đó. Nếu đồng USD tăng giá sẽ giúp kích thích các nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng, một lần nữa, các nhà xuất khẩu các nước cũng được hưởng lợi vì điều này. Ngay cả các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng được hưởng lợi và khoản lợi này có thể bù đắp một phần chi phí tăng thuế nhập khẩu của Mỹ.

Mặt tiêu cực đối với Việt Nam là một khi tiền đồng giảm giá so với USD sẽ tạo ra tâm lý kỳ vọng mất giá của VND, ảnh hưởng đến lạm phát kỳ vọng. Như chúng ta đã biết, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng đến 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Dư địa của lạm phát trong năm 2018 này không còn nhiều. Đây là điều rất đáng lưu ý. Rõ ràng khi người dân kỳ vọng lạm phát tăng sẽ làm lãi suất tăng.

Một yếu tố khác cũng tác động lên lãi suất trong nước đó là dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường tài chính. Đã có hiện tượng rút vốn của các nhà đầu tư ra khỏi các thị trường tài chính mới nổi thời gian qua, và Việt Nam cũng có một sức ép tương tự. Để kiểm soát dòng vốn không bị tháo chạy ra buộc NHNN phải tăng lãi suất trong nước.

Ngoài ra, một yếu tố bền vững nữa là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm khá tốt, làm tăng sức cầu của nền kinh tế, từ đó cũng làm tăng sức ép lên lãi suất. Một khi lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, đồng USD mạnh lên, Việt Nam có nên phá giá đồng nội tệ không?

Tôi nghĩ Việt Nam không nên phá giá đồng VND bởi thứ nhất điều này không giúp cải thiện thêm năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá như vừa qua.

Lãi suất đồng USD tăng lên, rủi ro dòng vốn rút ra là rất lớn, việc phá giá lúc này sẽ càng làm mất niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Một yếu tố cũng rất đáng nghi ngại là lạm phát kỳ vọng.

Như đã nói, dư địa của lạm phát năm nay không còn nhiều, một chính sách làm mất niềm tin vào đồng nội tệ vào lúc này là rất không khôn ngoan. Điều ý nghĩa nhất mà Chính phủ Việt Nam cần làm lúc này là duy trì thật tốt ổn định vĩ mô.

Tái cấu trúc lại tiêu dùng nội địa

Việt Nam vốn được hưởng lợi lớn nhờ tự do hóa thương mại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu xảy ra có gây tổn hại tới điều này?

Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều nhờ xu hướng tự do hóa thương mại. Tự do hóa thương mại làm cho độ mở nền kinh tế Việt Nam rất cao, hiện lên đến trên 190% GDP. Chính sách bảo hộ thương mại hay chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ không chỉ là câu chuyện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà có tiềm năng lan rộng ra các khu vực khác giữa các nền kinh tế có mối quan hệ qua lại với nhau.

Đó có thể là giữa Hoa Kỳ với EU, Hoa Kỳ với các nước thuộc NAFTA, rộng hơn cả là giữa Hoa Kỳ với 164 nước thành viên WTO, v.v… Nếu vậy, các nguyên tắc, luật chơi của WTO đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Thay thế cho GATT, sự ra đời của WTO năm 1995 đã giúp định hình nên một mô thức mới cho thương mại toàn cầu trong hơn 2 thập niên qua. Đến nay những mô thức đó đã dần bị cho là lạc hậu, không theo kịp với các xu hướng thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến vài năm trước đây không ai nghĩ rằng Tổng thống mới của nước Mỹ là người đẩy các quy tắc của WTO gần hơn đến bờ vực sụp đổ. Không chỉ là việc Mỹ có ý định rút khỏi WTO, nếu các cơ chế của WTO không giúp giải quyết được các căng thẳng thương mại gần đây, đặc biệt là dập tắt được cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thì xem như thể chế này đã thất bại.

img

Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ tự do hoá thương mại và sẽ chịu tốn thương nếu chính sách bảo hộ tăng lên, WTO không giải quyết được tranh chấp thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, khi đó niềm tin bị mất, luật lệ bị phá vỡ, tăng trưởng sẽ suy giảm, sức cầu nền kinh tế suy yếu

Các nguyên tắc thương mại công bằng, có qua có lại như đối xử tối huệ quốc (MFN) hay đãi ngộ quốc gia (NT) sẽ bị phá vỡ. Các nước buộc phải có một số vòng đàm phát để định nghĩa lại các quy tắc và luật chơi, nếu không thì thương mại thế giới sẽ bị hỗn loạn. Rõ ràng đây là kịch bản tệ hại mà không quốc gia nào muốn xảy ra.

Một khi Hoa Kỳ áp dụng các nguyên tắc “vô nguyên tắc” thì các quốc gia khác cũng sẽ áp dụng các chính sách trả đũa. Ban đầu là giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc nhưng do những mối quan hệ thương mại, liên kết, chuỗi giá trị chằng chịt giữa các quốc gia với nhau sẽ tạo nên xung đột thương mại đa phương.

Một khi những nguyên tắc thương mại tự do và công bằng không còn, trong khi Việt Nam lại đang hưởng lợi rất nhiều từ quá trình tự do hóa thương mại đó, ít nhất là trong mấy thập niên qua, thì rõ ràng thách thức sẽ không nhỏ. Với một nền kinh tế mà tăng trưởng phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu như Việt Nam, đứng trước sự nghi ngại, niềm tin bị mất đi, luật lệ và nguyên tắc bị phá vỡ, tăng trưởng kinh tế tiềm năng sẽ suy giảm. Tôi nhìn nhận đây là một thách thức lớn.  

Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những đối sách như thế nào?

Thị trường Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, chiếm 18,5% dân số thế giới, họ có thể điều hướng sang tiêu dùng nội địa. Thực tế đây là chính sách mà Trung Quốc đã áp dụng cách đây nhiều năm khi nền kinh tế thế giới chững lại và Trung Quốc buộc phải thực hiện chiến lược chuyển đổi và tái cấu trúc của mình. Quá trình này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Ngoài những đối sách như tôi đã nói ở trên, tôi nghĩ Việt Nam cũng cần phải tái cấu trúc lại tiêu dùng của nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là giảm phụ thuộc hay tập trung quá mức vào một số thị trường xuất khẩu.

Với quy mô dân số lên đến khoảng 95 triệu người, chiếm gần 1,3% dân số thế giới, bản thân Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng. Dù tỷ lệ tiêu dùng nội địa của Việt Nam hiện khá cao, chiếm khoảng 65-67% tổng cầu của nền kinh tế, nhưng tiềm năng tăng trưởng sức cầu là rất lớn do tăng trưởng thu nhập đang được thúc đẩy, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh.

Việt Nam nên lấy đây làm nền tảng cũng như động lực của phát triển chứ không nên tiếp tục quá phụ thuộc vào thương mại toàn cầu vốn ngày càng mong manh và dễ tổn thương như hiện nay.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem