Nước mắt hòa với nước mưa

Phóng sự của Kiều Thiện Thứ sáu, ngày 26/06/2015 06:23 AM (GMT+7)
Trên Quốc lộ 6, chỉ một đoạn đường ngắn chừng 5km từ xã Bon Phặng tới xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu), đã có tới  6 đám tang sau cơn mưa lũ đêm 24 rạng sáng  25.6. Vậy là riêng Sơn La đã có tới 11 người bị chết và mất tích do mưa bão.
Bình luận 0

Trắng tay sau mưa lũ

Mới chưa tới 6 giờ sáng ngày 25.6, lao vào trụ sở Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Sơn La, chúng tôi đã thấy các cán bộ trực ban vẫn ngồi đầy đủ. Hỏi lại thông tin, biết huyện Thuận Châu là vùng “nóng” nhất sau mưa lũ đêm qua, vậy là chúng tôi lên đường.

img
Hàng xóm láng giềng rưng rưng nước mắt tiễn đưa bà Lường Thị Khọn. Ảnh: Kiều Thiện
Trên Quốc lộ 6 mưa vẫn rơi dày, chúng tôi bắt gặp nhiều điểm sạt lở, cây đổ do mưa lũ quét qua. Nhưng cán bộ và máy móc của Chi cục Quản lý đường bộ I.2 – Cục Quản lý đường bộ I có mặt ở nhiều nơi, đang làm việc hết công suất. Ông Nguyễn Duy Thành- Phó Chi cục trưởng cho biết: “Từ 1 giờ sáng đến giờ, chúng tôi chưa hề nghỉ. Đường nhiều đoạn sạt lở nhưng anh cứ đi, mắc chỗ nào thì điện chúng tôi ứng cứu. Chi cục sẽ làm hết mình để đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là với lực lượng phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn và nhà báo đi tác nghiệp…”. Vậy là yên tâm đi tiếp.

Tại bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, thấy hàng chục công an viên, dân quân, người dân đang đánh vật với bùn, đất trong sân nhà ông Nguyễn Văn Hằng. Anh Vũ Văn Thanh, dân quân bản Tây Hưng bảo: Làm từ đêm qua đến giờ đấy nhà báo ạ. Nỗ lực lắm nên mới cứu được chủ nhà, còn tài sản chỉ một phần thôi. Hơn 300 con gà, gần chục con lợn của ông ấy trôi hết cả rồi. Nhưng thôi, dù sao còn người thì còn của.

Lấm lem và mệt mỏi, ông Hằng bảo: Lũ về nhanh quá, may nhờ bà con ứng cứu kịp, nếu không cái thân già này cũng không còn. Thế là sau bao năm phấn đấu, hơn 60 tuổi đầu tôi lại trắng tay, lại nợ nần… Nhưng vẫn còn may, bên trên kia còn đầy người chết, người bị thương, người mất tích…!

Trên sân nhà ông Lường Văn Thương ở bản Pu Ca, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, hàng chục người dân đang lúi húi mỗi người một việc. Những chiếc khăn tang trắng đang được xé ra từ tấm vải mới mua, tiếng vải bị xé “soạt soạt” nghe đến lạnh người.

Trong tấm màn trắng buông nơi góc nhà, xác nạn nhân Lường Thị Khọn (85 tuổi) đang được bó trong tấm chăn hoa chờ tới giờ phát tang. Xung quanh nhà, các bà, các ông, các chị ở bản gần, bản xa đã tụ họp đông đủ nhưng là sự đông đủ để tiễn đưa một người thân rời cõi trần nên chỉ có những tiếng nấc xé lòng, tiếng khóc thảm thiết.

Ông Lường Văn Thiên, nhà chỉ cách nhà bà Khọn chừng 30 m, qua con suối Muội, bảo: Đêm qua, trước lúc mưa, tôi vẫn thấy 2 bà cháu nhà ấy như mọi ngày. Đến chừng 23 giờ đêm, trong ánh chớp nhì nhằng vẫn thấy căn nhà ấy. Khi nước lên đến nền nhà, vợ chồng tôi mải lo chạy đồ, dọn dẹp, cuống cả lên. Ngoài trời mưa to, gió giật kinh hoàng. Đến lúc ngớt việc, nhìn sang nhà bà Khọn thì chỉ còn thấy nước. Thế là cả bản hò nhau đi tìm. May là đứa cháu gái ngủ cùng bà, bị lũ cuốn nhưng mắc vào chân cột điện cao thế ở ao nhà ông Trung Đoàn, bản dưới, cách đây khoảng 300m nên cứu được, hiện đang đưa đi cấp cứu. Còn thi thể bà cụ được tìm thấy cách đó 2km, bầm tím do bị va đập...

Những vòng hoa trắng

Cũng trong cơn hoảng loạn khi thấy nước cứ dâng lên ầm ầm, ngập nhà như ma làm, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến – Phan Thị Liên và cháu Nguyễn Tiến Thành (16 tuổi ở tiểu khu 3, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu) đã bỏ nhà chạy thoát thân. Trong nỗi hoảng loạn còn nguyên vẹn, bà Nguyễn Thị Hải, nhà gần chị Liên, kể: “Khi mở cửa, tôi thấy nước còn ở mức ngang ống chân. Vừa dắt nhau chạy ra tới đường cái thì nước ập về cao hàng mét, cuốn cả nhà đi theo dòng nước đục tới vài km. May mà chị Liên bị mắc ở bới tre gần nhà dân nên được phát hiện kịp thời. Sau đó dân mấy bản tỏa đi tìm và thấy 2 bố con anh Tiến và đưa đi viện”.

Trong cái xáo trộn và nhão nhoét của đất bùn sau mưa lũ, người dân thôn Chiềng Pấc xã Tông Lạnh đội mưa đến để đươc chia tay với những người đã khuất. Nước mắt chan hòa với nước mưa. Trước quan tài nghi ngút khói hương, vàng rực màu son, nằm dài chắn lối ra vào nhà anh Nguyễn Văn Đăng ở tiểu khu 2 xã Tông Lạnh, cả trăm người đang xếp hàng đứng viếng cùng lõm bõm nước bùn dưới chân. Dường như ai cũng muốn nán lại với nạn nhân lâu hơn bởi cuộc đời của anh đầy bi thương.

Là chú ruột của nạn nhân Nguyễn Thế Anh (21 tuổi), anh Đăng bùi ngùi kể: Nó bị bại liệt nửa người từ nhỏ; bố mẹ bận việc đi xa nên nó ở với chúng tôi. Khoảng 11 giờ đêm qua, nước dâng lên rất nhanh. Thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, từ sau nhà lên, tôi biết không thể mở nổi cửa nên trèo lên bóc ngói mái nhà, lần lượt đưa mẹ già, 3 đứa con nhỏ và vợ trèo lên nóc nhà tránh lũ. Cứu mọi người xong quay lại thì nước đã ngập nhà, chẳng thể nào tìm thấy cháu nữa!

Trong những tiếng kêu khóc nỉ non ai oán cùng những vòng hoa trắng mà hàng xóm mang tới để viếng Nguyễn Thế Anh, tôi chợt nghe thấy tiếng than não ruột của một cụ già: Giá như cháu không bại liệt, cháu ơi!

Khẩn trương ứng cứu

Trong những đám tang trên đất Thuận Châu hay bên phòng cấp cứu nạn nhân, bên những căn nhà sạt lở, ảnh hưởng nặng do trận mưa bão đêm qua, chúng tôi bắt gặp các đoàn công tác của tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu gặp ông Lò Mai Kiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Kiên thẫn thờ nói: Đau quá nhà báo ơi, vậy là Thuận Châu đã có tới 7 người chết, nhiều người mới được tìm thấy sau lũ. Người bị thương và tài sản thiệt hại thì chưa thống kê được hết. Lũ bất ngờ nên hậu quả tang thương quá!

Phó Trưởng đoàn công tác của tỉnh – ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La, cho biết thêm: Đến giờ cả tỉnh vẫn còn 2 người mất tích, 2 người bị thương đang phải điều trị. Ngoài ra, còn hàng chục ngôi nhà bị tàn phá, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, công trình công cộng và rất nhiều hoa màu, tài sản của nhân dân bị phá hủy nghiêm trọng.

Theo ông Nghị, tỉnh đang tập trung các lực lượng ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn nhưng cũng phải đang gấp rút chỉ đạo các cơ sở hướng dẫn người dân về việc đảm bảo an toàn sau mưa lũ; không thả trâu, bò; không đi nương ở những vùng dễ sạt lở, nước lũ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Với một số ruộng lúa sắp chín, nếu tình hình chưa ngừng mưa lũ thì có thể phải gặt lúa non…

“Đau thương mà trận lũ để lại có thể sẽ còn nặng nề hơn nhiều trong những ngày tới vì hiện nay chưa thể thống kê được hết những thiệt hại, nhà báo ạ!”, ông Nghị thở dài.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc vừa có công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 1, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: UBND tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát; cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết; tiếp tục chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất; Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra đối với các công trình giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính sau khi lũ rút. 
Anh Thư
Tại Sơn La, ngoài 7 người chết, 4 người mất tích, mưa lũ còn làm 23 nhà bị cuốn trôi, hư hỏng; 68ha lúa, 11ha ngô bị ngập, trôi; 20 con trâu bò bị chết, cuốn trôi; 1 công trình thủy lợi và 1 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng. 

Lai Châu:  Mưa to trên diện rộng, gây sạt lở đất đá, lún sụt đường giao thông, làm thiệt hại về người và tài sản ở Lai Châu. Đặc biệt, tại km số 7 trên Quốc lộ 4D nối tỉnh Lai Châu với tỉnh Điện Biên, thuộc địa phận huyện Phong Thổ xảy ra lún sụt hố cát-tơ dài 9m, rộng khoảng 10m và sâu khoảng 9m, gây chia cắt giao thông. Ngoài ra, một người dân ở đây bị lũ cuốn trôi. 

Lào Cai: Đến 11 giờ ngày 25.6, các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân bị lũ cuốn trôi trên suối Nậm Pá, xã Thanh Phú, huyện Sa Pa (Lào Cai) từ ngày 24.6. Tai nạn xảy ra khi hai nạn nhân cùng gia đình sang thôn Nậm Kéng, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa để cấy lúa, lúc vượt suối Nậm Pá mực nước còn thấp, nhưng khi ra đến giữa dòng thì lũ quét từ phía thượng nguồn ào về cuốn hai người mất tích.
Quảng Ninh:  Bão số 1 và mưa sau bão đã làm trôi 4 sà lan (huyện Vân Đồn), làm vỡ 1 lồng bè nuôi hàu (thành phố Cẩm Phả) và 6,5ha lúa và ngô bị thiệt hại.

Hải Phòng: Mưa bão đã làm 1 người bị thương, 3 phương tiện bị đứt neo, trôi dạt và mắc cạn tại âu cảng Bạch Long Vĩ, một số nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, diện tích hoa màu bị thiệt hại (đang tiếp tục thống kê).

Sóc Trăng: Mưa dông xảy ra ở địa bàn phường 1 và 2, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm làm sập, tốc mái hơn 20 ngôi nhà.

Nhóm P.V (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem