Công việc của những phu “ăn xác nhà” luôn đầy rẫy nguy hiểm đe dọa
Mỗi lần phá dỡ xong một cái “xác nhà”, các ông chủ thu về hàng chục triệu đồng. Song với những người thợ, số tiền bỏ túi chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn đồng trong khi biết bao nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng luôn treo lơ lửng trên đầu họ.
Cứ sau mỗi loạt tiếng động chát chúa vang lên là lại thêm một vạt tường bê tông đổ xuống. Gần như ngay lập tức, một toán người trong bộ quần áo lao động ướt nhẹp mồ hôi lại lao vào tay búa, tay đục cố phá vỡ cái vỏ bê tông cho đến khi những khối sắt bên trong lộ ra đủ để những đôi tay trần bóc gỡ được…
Nghề nguy hiểm lương bèo
Trong đám “phu” “ăn xác nhà” ngồi trong quán trà đá, Tuấn là người cởi mở nhất. Vươn cánh tay nhễ nhại mồ hôi còn bám trắng xóa bột bê tông với lấy cốc trà đá làm một hơi cạn sạch, Tuấn mới quay sang thủng thẳng: “Chẳng biết làm gì khác mới phải theo cái nghề này thôi. Sung sướng gì đâu. Có khi còn không bằng mấy ông phụ hồ. Tiền công cũng tương đương nhau mà nghề này nặng nhọc và nguy hiểm hơn nhiều”.
Những tai nạn như ngã tường, gạch đá rơi vào người hay máy móc, búa tạ đập vào tay, chân là điều xảy ra “như cơm bữa” đối với những phu “ăn xác nhà”.
“Năm ngoái, một anh bạn cũng làm nghề như tôi trong lúc ham đục nốt trụ bê tông lấy sắt không để ý hiệu lệnh tạm dừng để máy xúc vào đã bị nguyên một mảng tường đè trúng gãy chân. Sau tai nạn, anh ta bị chủ cho nghỉ việc luôn, cũng không được hỗ trợ một xu tiền viện phí nào cả”, Duẩn kể với giọng trầm ngâm.
|
Tuấn kể, quê ở Nam Định, cả nhà làm ruộng “toàn tập” nhưng ruộng ít, nhà lại đông người nên mỗi lúc nông nhàn, anh lại tranh thủ lên Hà Nội kiếm việc làm thêm.
Cách đây hơn 5 năm, được một người quen giới thiệu đến làm “giúp việc” cho một chủ một xưởng mộc đồng hương ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) và theo nghề từ đó đến nay.
“Mang tiếng làm ở xưởng mộc nhưng mấy khi tôi được làm ở đấy đâu. Toàn đi “ăn xác nhà” kiểu này. Ông chủ là chủ thầu chuyên nhận phá dỡ nhà lấy phế liệu. Cái xưởng mộc kia cũng chủ yếu chế tác gỗ lấy được từ những lần phá dỡ nhà thôi”, Tuấn nói.
Khác với những người có tay nghề làm mộc ở xưởng được trả lương hàng tháng, thu nhập của Tuấn tính theo ngày công. Lúc rỗi việc thì ở xưởng phụ giúp việc vặt, được bao chỗ ở nhưng tiền ăn phải tự túc. Nếu có công trình phá dỡ, Tuấn được trả 200 nghìn đồng/ngày. Mỗi công trình làm khoảng 5 - 7 ngày cũng kiếm được hơn triệu bạc. Một tháng có khoảng 2-3 công trình là cũng có được mấy triệu đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng các chủ thầu ngày một tăng trong khi nhu cầu phá dỡ nhà có hạn nên việc cứ khan hiếm dần. “Nghề nào cũng thế mà. Được thời gian đầu thôi. Sau đấy người ta “đánh hơi” là đua nhau lao vào cạnh tranh. Cũng may ông chủ tôi có quan hệ rộng, và cũng giỏi nghề nên kiếm được lắm mối thành ra công việc vẫn đều đều. Như nhiều xưởng khác nhọc lắm. Có khi chủ nợ lương cả mấy tháng trời. Có chỗ chủ còn bị phá sản, không có khả năng trả tiền lương nữa”, Tuấn cho biết.
Nước mắt phu “ăn xác nhà”
Một nguồn thu nhập khác những người thợ phá dỡ nhà luôn phải trông vào là tiền thưởng phần trăm sau mỗi công trình phá dỡ hoàn thành. Thế nhưng nguồn lợi này lại rất “hên xui” và phụ thuộc nhiều vào ông chủ. Thông thường, khi có khách gọi, đích thân chủ thầu sẽ đến tận nơi khảo sát công trình, đánh giá, tính toán lượng phế liệu thu được từ công trình rồi căn cứ vào đó ra giá nhận thầu.
“Một công trình phá dỡ sẽ thu được rất nhiều thứ như sắt, gỗ, gạch, ngói… Tất cả đều được tính toán kỹ càng từ những thông số cụ thể trong lần khảo sát. Thường thì giá bỏ thầu bao giờ cũng chỉ tính bằng phân nửa so với giá trị thực tế thu được từ xác nhà”, Duẩn, một phu “ăn xác nhà” cho hay.
Chính vì tính chất đặc thù này, nên lợi nhuận trong mỗi công trình phá dỡ đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào “tay nghề” của chủ thầu. Người nào tính toán tốt sẽ thu lời cao, từ đó tiền hoa hồng cho những người thợ như Tuấn và Duẩn cũng khá hơn.
Một công trình phá dỡ ít nhất cũng lãi được đôi ba chục triệu. Trừ chi phí xăng dầu, tiền trả thợ máy xúc, tiền nước nôi…, mỗi người chúng tôi được thưởng vài trăm nghìn đồng. Có lần khá cũng được hàng triệu đồng. Nhưng nếu chủ “non tay”, tính toán sai, lợi nhuận kém thì chẳng có đồng nào hết. Thậm chí có trường hợp thua lỗ chủ còn găm luôn tiền công”, Duẩn nói.
Mặc dù phải đối mặt nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng nhưng hầu như tất cả họ đều không được hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm nào. Nơi làm việc lúc nào cũng chìm ngập trong bụi bẩn trong khi thứ bảo vệ duy nhất chỉ là những chiếc khẩu trang mỏng dính. Duẩn cho biết, đã làm nghề này, chẳng có ai thoát khỏi mấy vấn đề về hô hấp. Có người làm được mấy năm thì phát bệnh, phải bỏ việc về quê chữa trị.
Quý Nguyễn (Báo Giao thông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.