Như Dân Việt thông tin, ngày 10/10 người dân ở phía Tây Hà Nội phản ánh nước có mùi lạ. Nguồn nước này do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp.
Theo lời của cơ quan chức năng, nước đầu nguồn nằm của nhà máy nước trên địa bàn xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị một xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu. Nguồn suối này chảy vào kênh dẫn nước, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bãi gây nên ô nhiễm.
Dầu nhớt thải được vớt lên từ đầu nguồn nước.
Về sự việc này, Dân Việt đã nhận được rất nhiều ý kiến, thắc mắc của bạn đọc gửi về. Bạn đọc Cao Thị Sơn (Q. Nam Từ Liêm) thắc mắc: “Từ khi phát hiện đến khi phản ánh lên tới nhà máy nước thì khoảng thời gian bao lâu? Điều này thật khó để ước lượng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khoảng thời gian dầu trôi vào bể chứa nước lộ thiên của công ty, trải qua quá trình xử lý, đến người dân và cuối cùng là nhận được phản ánh từ người dân sao không có một người nào của nhà máy phát hiện ra?
Họ đã làm gì khi lượng dầu thải nhiều đến vậy trôi và nhiễm vào trong bể chứa lộ thiện mà không hề hay biết?
Nguồn nước sạch cung cấp cho người dân sẽ theo 1 tiêu chuẩn nhất định do nhà nước ban hành, vậy việc tiến hành kiểm tra các chỉ số an toàn nguồn nước của nhà máy diễn ra như thế nào mà để bao nhiêu ngày nước có mùi khét mà không biết? Lần này trong nước có mùi nên người dân mới có thể phát hiện ra sự việc, thử hỏi nếu như nước sạch bị nhiễm một chất độc nào đó không mùi, không vị thì sẽ thế nào?”
Đồng ý với ý kiến trên, chị Mai Linh (Q.Thanh Xuân) nhấn mạnh thêm: “Sự việc xảy ra, báo chí cũng đưa tin rầm rộ, nhưng thật tiếc là chúng tôi không thấy có một ai đứng lên nhận lỗi với người dân về sự việc tắc trách này.
Hơn thế, việc cung cấp nước bằng xe chở nước cho người dân cũng không đảm bảo. Họ bảo là nước sạch, thế nhưng khi nước đến với người dân lại có màu đục, không dám dùng để nấu ăn, uống”.
Về vấn đề này, anh Đào Viết Thành (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, những người dân xách xô, chạy, thùng xếp hàng, đội mưa chờ đợi đến lượt mình được cấp nước vô cùng khổ sở. Thế nhưng sau sự việc này, những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất của người dân ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Không một ai lên tiếng cả!”
Còn với bạn đọc Hữu Tuấn nêu ý kiến: “Chúng ta có dự trữ lương thực để đảm bảo an ninh lương thực, sao không có biện pháp nào để đảm bảo an ninh nguồn nước. Mỗi năm một vài lần mất nước như thế này sao không có một giải pháp thích đáng. Nếu được như vậy, người dân có phải đỡ khổ hơn không?
Hơn nữa, đơn vị cung cấp nước sạch là độc quyền, chúng ta không được có sự lựa chọn về dịch vụ cung cấp nước sạch, nên thiệt thòi nhất vẫn là người dân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.