Kẻ đổ trộm dầu thải khiến nước sạch Sông Đà có mùi bị xử lý ra sao?

Đình Việt Thứ hai, ngày 14/10/2019 18:17 PM (GMT+7)
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý xung quanh vấn đề nước sạch sông Đà có mùi lạ đang được dư luận quan tâm.
Bình luận 0

Liên quan đến sự việc người dân ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... phản ánh nước sạch sông Đà có mùi lạ, khét như mùi nhựa cháy trong nhiều ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lên tiếng.

img

Từ ngày 9/10, người dân đã phát hiện ra vết dầu loang ở con suối Khại (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Cụ thể, chiều nay (14/10), tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sau khi nắm thông tin, Bộ TN-MT đã trao đổi với Sở TNMT Hòa Bình để làm rõ vụ việc.

Theo ông Thức, phía Sở TNMT Hòa Bình tìm hiểu, qua đó nắm được thông tin người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe suối đầu nguồn nằm trên địa bàn xã Phúc Tiến, sau đó chảy vào kênh dẫn nước của nhà máy nước Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà (Hòa Bình).

Bộ TNMT đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng truy tìm xe tải đổ trộm dầu ra khe suối.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh doanh nghiệp, cá nhân nào đổ trộm dầu ra khe suối là hành vi rất nghiêm trọng, rất thiếu trách nhiệm bởi nhà máy nước sông Đà là nơi cấp nước sinh hoạt cho rất nhiều người dân ở Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân nên cơ quan chức phải nhanh chóng vào cuộc truy tìm thủ phạm để xử lý.

Theo luật sư Hòe với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án để điều tra.

Vị luật sư cho rằng, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự thì tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về “Tội gây ô nhiễm môi trường “ theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015.

img

Nhiều khu vực dầu mỡ đã ngấm vào bùn đất. Có khu vực lớp bùn đất chứa dầu mỡ dầy tới 20 cm.

Về mức xử phạt, nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tùy vào số lượng chất thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (khoản 3 Điều 235 BLHS 2015).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (khoản 4 Điều 235 BLHS 2015).

Nếu hành vi vi phạm là của pháp nhân thương mại, tùy vào số lượng chất thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 12 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm (điểm c, đ khoản 5 Điều 235 BLHS 2015).

“Tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bao gồm tổng hợp tất cả các hành vi xâm phạm đến bầu khí quyển, nguồn đất, nguồn nước.

Hậu quả của nó không còn là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm, ví dụ nếu hành vi gây ô nhiễm không khí chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Bởi hậu quả từ các hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong một thời gian rất dài và để lại hậu quả âm ỉ nên khó lòng đánh giá được trực tiếp trong một sớm một chiều” – luật sư Hòe phân tích thêm.

Ngoài trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đổ chất thải, luật sư Hòe còn cho rằng, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra cảnh người dân phải sử dụng nước có mùi trong nhiều ngày.

“Trách nhiệm của công ty cung cấp nước là phải đảm bảo nguồn nước đầu ra và đầu vào, trước khi nước đến tay người tiêu dùng phải phải test lần nữa để kiểm tra chất lượng. Thế nhưng không hiểu quy trình của công ty này thế nào mà để tình trạng nước có mùi diễn ra trong mấy ngày liền” – vị luật sư đặt câu hỏi.

Trong trường hợp này, người dân Hà Nội hoàn toàn có thể yêu cầu Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, để được bồi thường, người dân phải chứng minh được thiệt hại là do nguồn nước bẩn gây nên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem