Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó

Đức Cường Thứ bảy, ngày 16/03/2024 06:31 AM (GMT+7)
Từ khi vận hành, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã cơ bản giải bài toán khô hạn ở nhiều vùng núi phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận. Có nước về, những cánh đồng khô cằn ngày nào nay được phủ một màu xanh ngắt.
Bình luận 0

Hiện nay, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) được xem là hệ thống thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam. Trong đó, hồ chứa nước Sông Cái gần 220 triệu khối được xem là "trái tim" của hệ thống thủy lợi này.

Nước từ hồ Sông Cái xuôi về hạ lưu qua hệ thống đập dâng, tuyến kênh chung và kênh chính Tân Mỹ để cấp nước tưới cho gần 14.000 ha đất nông nghiệp khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận.

Nước đến đâu, màu xanh đến đó

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 1.

Cánh đồng xanh mướt được tưới mát giữa mùa khô ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Đức Cường

Giữa tháng 3/2024, Ninh Thuận đang bước vào đầu mùa khô, nắng nóng bao trùm khắp các huyện Ninh Sơn và Bác Ái nhưng hàng nghìn hecta mía, bắp, táo ở các thôn Phú Thuận, Mỹ Hiệp, Phú Thạnh của xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) vẫn phủ một màu xanh bạt ngàn.

Giữa trưa, trời nắng nóng hơn 34 độ nhưng nông dân Lê Đặng Tín ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn vẫn nhiệt mài theo nước từ kênh nhánh cấp 3 tưới cho 1,6 ha mía đang đâm chồi.

Ông Tín cho hay, thời điểm này những năm trước gia đình ông chỉ trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu còn lại bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.

Năm nay, nhờ có nguồn nước dồi dào nên gia đình ông mới mạnh dạn xuống giống hơn 1,6ha mía để phát triển sản xuất.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 2.

Nông dân Lê Đặng Tín ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn dẫn nước tưới cho 1,6ha mía ở xã Mỹ Sơn. Ảnh: Đức Cường

"Trước đây muốn có nước sản xuất, người dân phải đào ao tích nước để chạy máy dầu. Tuy nhiên, việc chạy máy cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, mùa được mùa mất nên nhiều người không mấy mặn mà. 

Từ khi có nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ qua hồ chứa Cho Mo về các kênh nhánh nông dân trong vùng không còn nỗi lo về nguồn nước. Chỉ cần mở van đầu kênh nước sẽ tự động chảy vào rẫy tưới mía…", ông Tín cho phấn khởi nói.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Thành Khải cũng đang tranh thủ chăm sóc 2ha bắp giống sắp thu hoạch. Lão nông này khoe vừa mở rộng diện tích trồng mía lên 6ha và trồng thêm 2ha  bắp.

Theo ông Khải, có nước sản xuất nông dân bớt phần vất vả. Cây trồng được tưới mát quanh năm nên năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế hơn trước rất nhiều. Hiện, lão nông này và nhiều nông dân trong vùng đang nhận liên kết trồng bắp giống cho các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Thu nhập 1ha trồng bắp trung bình hơn 10 tấn, nông dân thu lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha, mỗi năm có thể làm 3 vụ.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thành Khải (áo xanh) phấn khởi vì nước về giữa mùa khô, nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Đức Cường

"Cây trồng bây giờ không lo thiếu nước, có nước cây phát triển xanh tốt, nông dân cũng mạnh dạn đầu tư, phấn khởi bám ruộng làm giàu từ mảnh đất quê hương…", ông Khải cho hay.

Ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Mỹ Sơn cho biết, ngoài hệ thống nước tự chảy thì các tuyến ống từ TM1 – TM10 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã phủ khắp các cánh đồng trên địa bàn xã và tiếp nước về hồ Cho Mo. Hệ thống nước từ đây tưới trực tiếp cho hơn 1.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã.

"Nhờ phát triển được sản xuất nông nghiệp mà đời sống người dân ngày càng đi lên, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương giảm từ 5% cách đây 2 năm nay chỉ còn 3,7%. Bộ mặt nông thôn mới ở địa phương cũng được nâng lên rõ rệt…", ông Hà thông tin.

Clip: Màu xanh trên vùng đất “khát” ở Ninh Thuận. T/h: Đức Cường - Trần Duy

Hồi sinh những vùng đất "chết" ở Ninh Thuận

Xuôi theo đường ống chính Tân Mỹ về các thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (huyện Bác Ái) và thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), chúng tôi được dịp chứng kiến những cánh đồng xanh thăm thẳm ngút tầm mắt.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 4.

Cánh đồng Chà Vum hơn 300ha ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn được phủ xanh giữa mùa khô. Ảnh: Trần Duy

Dù trời nắng hầm hập giữa trưa nhưng hàng chục gia đình người Chăm thôn Lương Tri vẫn tất bật chăm sóc lúa trên cánh đồng Chà Vum. 

Nhìn đồng lúa xanh mát giữa mùa khô, ít ai biết rằng đây từng là nơi đồng không mông quạnh, đất đai khô cằn, nứt nẻ do thiếu nước sản xuất. Sự thay đổi này bắt đầu từ khi có dòng nước mát của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Ông Đạo Văn Thóc (64 tuổi) cùng gia đình phấn khởi cho biết, năm 2022 nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tràn về cả cánh đồng Chà Vum đã trở nên xanh mát. Gia đình ông cũng mạnh dạn cải tạo lại 1ha ruộng sản xuất lúa và lập trang trại để chăn nuôi gia súc.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 5.

Ông Đạo Văn Thóc phấn khởi chăm sóc lúa đang độ trổ đồng, kết hạt giữa mùa khô 2024. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Thóc, có nước tưới quanh năm nên bà con phấn khởi sản xuất 3 vụ lúa/năm. Việc sản xuất có tính chủ động nên năng suất lúa cũng tăng cao, sản lượng từ 3- 4 tấn/năm nay tăng cao lên 10 – 12 tấn/năm, bà con ai cũng vui mừng cày xới đất để chuyên canh cây lúa, không còn bỏ đất như thời gian trước.

"Nông dân chúng tôi mừng hơn bắt được vàng, không còn thấp thỏm lo thiếu nước tưới trong mùa nắng hạn nữa. Vụ trước được hơn 4 tấn lúa, vụ này lúa trổ bông đều hơn nên hy vọng sản lượng tăng cao hơn…", ông Thóc cho hay.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 6.

Người Chăm ở thôn Lương Tri xã Nhơn Sơn trồng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc ở cánh đồng Chà Vum. Ảnh: Đức Cường

Người Raglai thoát nghèo nhờ có nước sản xuất nông nghiệp

Cũng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là cánh đồng của đồng bào Raglai thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận). Nơi đây cũng từng là tâm hạn lớn nhất nhì ở Ninh Thuận những năm trước.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay đang vào mùa khô nhưng nắng hạn đã không còn là nỗi lo của người dân nơi đây. Thay vào đó là một màu xanh cây trái và bắp, đậu… 

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 7.

Ông Katơr Tân ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung chăm sóc bắp chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Đức Cường

Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết, nhờ có nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ xuôi về tuyến kênh cấp 3 đã "hồi sinh" hàng chục hecta đất nông nghiệp ở thôn Đồng Dày. 

Nhiều hộ đồng bào Raglai đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và sản xuất bắp 3 vụ/năm, nhờ đó đời sống bà con cũng ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn xã giảm xuống dưới 40%.

Ông Katơr Tân ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung cho hay, trước đây khu vực này sản xuất rất khó khăn nên bà con chỉ trồng bắp vào mùa mưa, còn mùa nắng ruộng rẫy phải bỏ hoang do thiếu nước tưới. Giờ đây nước về lênh láng, bà con không còn lo cây bắp chết khô nữa. Bắp có nước tưới nên phát triển xanh tốt.

"Trước làm một vụ, gia đình đông người nên rất túng thiếu. Giờ có nước đều nên trồng được 3 vụ bắp, năm ngoái lãi được 80 triệu/ha. Bà con không chỉ no đủ mà còn có dư. Nhà nước đầu tư kênh mương để cấp nước, bà con trong làng ai cũng mừng…", ông Katơr Tân phấn khởi.

Làm chủ nguồn nước để mở rộng khu tưới

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 8.

Hồ chứa nước Sông Cái dung tích gần 220 triệu khối là trái tim thủy lợi giải khát cho tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Duy

Thông tin với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Xưng – Chủ tich Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận (đơn vị khai thác vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ) cho biết, hiện nay, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được xem là hệ thống thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam. Trong đó, hồ chứa nước Sông Cái 220 triệu khối được xem là "trái tim" của hệ thống thủy lợi này.

Ông Xưng dẫn chứng, trong khi nhiều hồ chứa nước phía Nam của tỉnh đang ngấp nghé mực chết vì khô hạn từ cuối năm 2023 đến nay thì hồ Sông Cái và vẫn tích đủ hơn 125 triệu mét khối nước phục vụ sản xuất vụ Hè thu 2024 cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp khu vực phía bắc.

"Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cấp nước tưới trực tiếp cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp của 5 xã thuộc 2 huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái. Ngoài ra, hệ thống này cũng tiếp nước tưới bổ sung cho gần 1.960ha cho 3 hồ chứa nước Cho Mo, Phước Trung, Thành Sơn và khu tưới 12.800ha thuộc hệ thống thủy Nha Trinh – Lâm Cấm...", ông Xưng cho hay.

Nước từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam đi đến đâu, cánh đồng ở Ninh Thuận xanh đến đó - Ảnh 9.

Công trình đầu mối đập dâng Tân Mỹ và hệ thống kênh chung Tân Mỹ đưa nước từ hồ Sông Cái về hạ du. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Xưng, trong thời gian tới khi Tiểu dự án phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Nhơn Hải – Thanh Hải; Dự án Hệ thống chuyển nước Tân Mỹ – hồ Bà Râu – hồ Sông Trâu và dự án đầu tư hoàn chỉnh kênh đường ống cấp 2, cấp 3 hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp cho Ninh Thuận hoàn toàn chủ động nguồn nước. Cụ thể, nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sẽ được đưa về các hồ Bà Râu, Sông Trâu (huyện Thuận Bắc), hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải) để phục vụ sản xuất nông nghiệp cả 3 vụ trong năm, tăng thu nhập người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận nằm trong khu vực khô hạn nhất cả nước. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Bộ NNPTNT đã quyết định đầu tư cho tỉnh Ninh Thuận dự án thủy lợi Tân Mỹ.

Công trình được khởi công năm 2010, nhưng đến 2011 tạm dừng. Đến năm 2015, tình trạng hạn hán gay gắt diễn ra, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NNPTNT đã hỗ trợ đầu tư khởi động lại dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Công trình đầu mối hồ chứa nước có dung tích chứa 219 triệu m3 nước. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Dự án thủy lợi Tân Mỹ đưa vào sử dụng đã giải quyết bài toán an ninh nguồn nước cho tỉnh Ninh Thuận khi cung cấp nước cho toàn bộ khu vục phía Bắc và một phần phía Nam tỉnh Ninh Thuận thông qua hệ thống thủy lợi Đa Nhim - Lâm Cấm, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho toàn tỉnh.

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, công trình có hệ thống kênh chính kín bằng đường ống thép dài 29km. Ngoài việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống này còn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem