Nuôi bò để lấy phân, mỗi ngày Bầu Đức phải trả hơn 4,1 tỷ đồng lãi ngân hàng

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 03/05/2018 07:15 AM (GMT+7)
Từng vay hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư nuôi bò rồi chuyển sang phát triển cây ăn trái, Bầu Đức hy vọng đây sẽ là cứu cánh cho HAGL cân đối lại thanh khoản và vượt qua khó khăn. Song khoản nợ từ đầu tư bò đến phát triển mảng trái cây đã khiến lãi vay ngân hàng tăng vọt, với mỗi ngay, Bầu Đức phải trả 4,17 tỷ đồng lãi vay ngân hàng.
Bình luận 0

Báo cáo tài chính quý I.2018 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT, cho thấy chi phí lãi vay vẫn là vấn đề nhức nhối tại HAG. Quý I.2018, Công ty phải gánh chi phí lãi vay lên tới trên 376 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, bình quân mỗi ngày Bầu Đức sẽ phải trả lãi vay ngân hàng hơn 4,17 tỷ đồng.

Dường như việc thay đổi liên tục chiến lược của tập đoàn khiến Bầu Đức mãi chưa thoát khỏi vòng xoáy nợ vay và đẩy tập đoàn vào những khoản nợ vượt quá ngưỡng cho phép của một doanh nghiệp bình thường. 

img

Cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT mới đây đã bị HSX đưa vào diện cảnh báo (Ảnh minh họa)

Từ đàn bò 250.000 con tới nuôi bò để lấy phân

Từng vay hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư nuôi bò và tuyên bố đàn bò chính là cứu cánh cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khi thị trường bất động sản đi xuống. Song tới thời điểm này, có lẽ đàn bò của bầu Đức cũng đã đi đến đoạn cuối sứ mệnh của mình.

Theo đó, năm 2016, giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, với việc cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, thì doanh thu từ đàn bò vẫn là bệ đỡ duy nhất, giúp HAGL cho ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT thoát khỏi cảnh sụp đổ.

Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn: “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.

img

Đàn bò gần 250.000 con từng mang về doanh thu đáng kể cho HAGL của bầu Đức (Ảnh minh họa)

Năm 2016, riêng doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỷ đồng (55% tổng doanh thu), tương đương gần 10 tỷ đồng mỗi ngày. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp từ mảng này chỉ đóng góp 35% trong tổng lợi nhuận gộp, do giá vốn tăng tới 77%, lên gần 3.200 tỷ đồng.

Cũng năm 2016, doanh nghiệp của HAGL ghi nhận gần 1.700 tỷ đồng chi phí tài chính, với lãi vay 1.557 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm 2015, nhưng trong 2 năm này, doanh thu từ đàn bò lại giúp HAGL kiếm hơn 6.000 tỷ đồng. Song tới năm 2017, doanh thu từ đàn bò giảm xuống chỉ còn chiếm 15,7% tổng doanh thu của HAGL.

img

Doanh thu từ đàn bò năm 2017 chỉ chiếm 15,7% tổng doanh thu của HAGL

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018 mới được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố, Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.027 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế đạt 56,6 tỷ đồng, tăng 245% so với mức 16,38 tỷ đồng cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này có được đều nhờ mảng trái cây.

Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, nguyên nhân doanh thu tăng là do doanh thu bán trái cây tăng 333 tỷ đồng nhờ kỳ này diện tích thu hoạch các loại cây ăn trái tăng lên so với cùng kỳ và thêm phần diện tích trái cây thu hoạch từ công ty Nông nghiệp Đại Thắng. Ngoài ra, doanh thu bán ớt kỳ này phát sinh 93 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chưa có.

img

Phát triển cây ăn trái là hướng đi mới cho HAGL của bầu Đức

Chiều giảm doanh thu, đáng chú ý là doanh thu bán bò không phát sinh trong quý I.2018 trong khi cùng kỳ đạt 196 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết nguyên nhân sụt giảm là do công ty không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho ngành bò mà tập trung dành cho mảng cây ăn trái, chỉ duy trì đàn bò ở mức cung cấp phân hữu cơ cho mảng trồng trọt. Từ đàn bò khoảng 250.000 con vào năm 2016, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức sẽ cắt giảm quy mô đàn bò xuống còn 13.000 con.

img

Đàn bò của bầu Đức sẽ chỉ còn 13.000 con

Dù biên lợi nhuận không cao song theo đánh giá của bầu Đức, đàn bò làm một lợi thế quan trọng để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín, nhờ cung cấp lượng phân hữu cơ lớn cho vườn cây ăn trái.

Nỗi lo khả năng hoạt động liên tục của HAGL

Lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai “bốc hơi” sau kiểm toán, nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn, khả năng thu hồi những khoản nợ nghìn tỷ, những lần bán giải chấp cổ phiếu đã trở thành chuỗi sự kiện quen thuộc với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Trong BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của HAGL, lãi hợp nhất năm 2017 “bốc hơi” tới 661 tỷ đồng, giảm từ mức lãi 1.032,5 tỷ đồng xuống còn 371,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

Đối với khoản thu ngắn hạn và dài hạn từ Công ty CP Đầu tư BĐS An Phú và các bên liên quan với tổng trị giá hơn 10.570 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán trị giá 28,46 tỷ đồng, khoản phải thu từ cho vay 47.219 tỷ đồng đã được HAGL ghi nhận, đơn vị kiểm toán cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán để xác định khả năng thu hồi 4.023 tỷ đồng trong các số dư trên.

img

Khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng của HAGL thời điểm cuối năm 2017 đã khiến kiểm toán viên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn

Một vấn đề khác được thể hiện trong BCTC của HAGL là tốc độ tăng các khoản phải thu gấp gần 10 lần tốc độ tăng của tài sản. Cụ thể, to với thời điểm cuối năm 2016 tổng tài sản HAGL của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) năm 2017 đã tăng thêm 1.161,365 tỷ đồng tương ứng với mức tăng trưởng là 2,22%.

Trong báo cáo hợp nhất chưa qua kiểm toán thì kết thúc năm 2017, tổng các khoản phải thu của HAGL là hơn 16.347 tỷ đồng chiếm 30,6% giá trị tổng tài sản và tăng hơn 3.252 tỷ đồng (20%) so với cuối năm 2016 .

Nếu so với tốc độ tăng trưởng của tài sản là khoảng 2,22% thì tốc độ tăng của các khoản phải thu nhanh hơn 11 lần so với tốc độ tăng của tổng tài sản.

Nếu đi sâu vào chi tiết các khoản phải thu thì lại thấy một số vấn đề khá tiêu cực. Đầu tiên là sự bí ẩn của khoản mục “Cho vay ngắn hạn các bên khác”.

img

Cơ cấu nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của HAGL năm 2017

Cụ thể, trong 16.347 tỷ đồng nợ phải thu thì có tới 10.870 tỷ đồng là các khoản mà HAGL cho các đối tác, các cá nhân có liên quan vay nợ. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện khoản mục “cho vay ngắn hạn các bên khác” có giá trị tới gần 2.300 tỷ đồng trong khi các năm trước giá trị khoản mục này thường rất nhỏ.

Trong thuyết minh BCTC của mình, HAGL không có bất kỳ sự giải trình nào cho sự tăng lên khác thường cũng như các cá nhân, tổ chức liên quan đến giao dịch vay nợ này.

Thêm vào đó, trong vòng 1 tháng vừa qua, em trai ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là ông Đoàn Nguyên Thu có tới 2 lần bị bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay với số lượng bán ra lần lượt là 260.000 cổ phiếu và 960.000 cổ phiếu HAG vào các ngày 4.4 và 13.4.

Tài sản bầu Đức “bốc hơi” 396 tỷ đồng

Sau khi bị HSX đưa vào diện cảnh báo do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, cổ phiếu HAG đã giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 2.5. Điều này khiến tài sản chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giảm hơn 120 tỷ đồng còn 1.601,09 tỷ đồng.

Tính riêng từ đầu tháng 4.2018 tới nay, cổ phiếu HAG đã giảm 1.220 đồng/cổ phiếu (19,84%) khiến tài sản chứng khoán của bầu Đức giảm khoảng 396,2 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem