Nuôi bò thịt lai giống ngoại: Hiệu quả chưa cao do nuôi... tùy hứng

Vân Tâm - Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 07/09/2019 14:10 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, chăn nuôi bò sữa đã không còn là mô hình hấp dẫn, nhiều nông dân ngoại thành TP.HCM đã chuyển dần từ nuôi bò sữa sang bò thịt. Nhằm giúp bà con nắm bắt thêm kiến thức chăn nuôi bò, nâng cao sản lượng thịt và tăng thu nhập, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại...
Bình luận 0

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã tổ chức “Hội thảo phát triển chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại hiệu quả” kết hợp tổ chức tham quan học tập mô hình, với sự tham gia của các cán bộ kỹ thuật và nông dân chăn nuôi bò tại 2 xã Trung Lập Hạ và Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Bò thịt ngoại ngày càng hấp dẫn

img

Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại là định hướng phát triển lâu dài của TP.HCM.  Ảnh: Vân Tâm

Trong 5 năm gần đây, Bộ NNPTNT đã cho nhập trên 50 con bò đực các giống cao sản để nhanh chóng cải tạo chất lượng giống đàn bò thịt; đồng thời, nhập một số giống bò kiêm dụng: bò Brahman của Mỹ, bò Charolais của Pháp, bò Simmental của Thụy Sĩ, bò Limousin của Pháp.

Trong những năm gần đây, chăn nuôi bò thịt ở nước ta ngày càng có xu hướng phát triển mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), để nâng cao sản lượng, năng suất chăn nuôi bò thịt, Bộ NNPTNT đã đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ giống bò lai từ mức 47,6% năm 2013, lên 70% vào năm 2020, nhằm tăng tỷ trọng thịt bò trong cơ cấu tổng sản lượng thịt.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tỷ lệ thịt xẻ của bò lai Sind hiện vẫn ở mức thấp (khoảng 45%), trong khi bò Úc tỷ lệ thịt xẻ lên đến 50 - 55%. Vì vậy, năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 232/QĐ-UBND về chương trình phát triển giống bò thịt trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu “Giống bò thịt TP.HCM”. Tham gia chương trình này, nông dân sẽ được hỗ trợ cám công nghiệp và thức ăn bổ sung theo định mức.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Văn Minh (ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ nuôi bò lai Sind, 2 năm gần đây được Nhà nước khuyến khích nuôi bò lai thịt giống ngoại, tìm hiểu thấy đây là những giống bò lớn nhanh hơn bò lai Sind, tính tình hiền lành, dễ nuôi nên gia đình ông đã nuôi thêm các giống bò lai Brahman, Red Angus, BBB theo hình thức bán chăn thả, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Tèo ở ấp Trảng Lắm (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) hiện cũng có nhiều kỳ vọng vào đàn bò sữa và bò thịt 70 con (trong đó bò thịt lai giống ngoại là 20 con). Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình ông Tèo đã trồng thâm canh cỏ voi, bổ sung thêm thức ăn tinh vào khẩu phần ăn hàng ngày cho bò.

Ông Tèo cho biết, đàn bò cái nền trong trang trại là đàn bò cái lai Sind có trọng lượng từ 280kg trở lên và bò sữa có năng suất sữa thấp (dưới 5.000kg/con/chu kỳ 305 ngày) nhưng có khả năng sinh sản tốt, dùng để gieo tinh bò thịt cao sản chuyên dụng như Red Angus, BBB…

img

Nhiều hộ chăn nuôi ở TP.Hồ Chí Minh đang có xu hướng chuyển từ bò sữa sang bò thịt lai giống nhập ngoại hoặc nuôi kết hợp cả hai

Theo ông Sáu Xê - người nuôi bò thịt ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, đồng thời cũng là một thương lái: “Theo kinh nghiệm của tôi, hiện nay việc nuôi bò thịt của các hộ trên địa bàn vẫn chưa đạt năng suất và chất lượng. Thứ nhất, do chăn thả ngoài đồng với thời tiết nắng nóng như hiện nay bò rất mất sức, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Thứ hai, cho bò ăn không đủ số lượng và chất lượng theo từng giai đoạn, có gì ăn đó nên thời gian xuất bán lâu hơn nhiều, hiệu quả kinh tế không cao. Chuồng trại và công tác vệ sinh thú y cũng không đảm bảo. Qua hội thảo này, bà con đã biết được những lỗi mắc phải khi nuôi bò thịt và các chính sách hỗ trợ mà Nhà nước đang triển khai, từ đó phát triển nghề nuôi bò thịt hiệu quả hơn”.

Chú ý khâu chọn giống

Để nuôi bò thịt lai giống ngoại đạt hiệu quả, cán bộ khuyến nông TP.HCM khuyến cáo người chăn nuôi chú ý một số khâu như sau: Về xây dựng chuồng trại, cần đảm bảo yêu cầu theo 2 tiêu chí, đó là lạnh ấm, hè mát. Khi nuôi số lượng lớn cần xây dựng chuồng thành từng dãy dài, mỗi chuồng rộng khoảng 4 - 5m2 để thuận tiện quản lý, chăm sóc. Để tiết kiệm chi phí, bà con có thể tận dụng tre, lá cọ, cỏ tranh làm chuồng.

Về thức ăn, mỗi ngày bò cần được cung cấp từ 20 - 25kg cỏ tươi và 2 - 3kg thức ăn tinh. Chú ý đến nguồn nước uống vì đây cũng là một trong những yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng của bò. Ngoài ra, cần thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh phổ biến như tụ huyết trùng, lở mồm long móng…; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại.

Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại đang là định hướng phát triển lâu dài của thành phố, tuy nhiên bà con chỉ nên sử dụng các dòng tinh bò thịt cao sản BBB, Red Angus, Droughtmaster, Brahman để phối giống. Đối với bò cái lai Sind có trọng lượng từ 250 - 300kg/con nên sử dụng các dòng tinh bò Brahman, Droughmaster để phối giống; bò có trọng lượng từ 300kg/con trở lên nên cho phối với dòng tinh bò BBB, Red Angus...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem