Nuôi cá hô, con động vật sách Đỏ to vật vã trong họ cá chép, dân Kiên Giang bán 200.000 đồng/kg
Nuôi con động vật "khổng lồ" nhất trong họ cá chép, nông dân nơi này ở Kiên Giang bán 200.000 đồng/kg
Hồng Đạt (Cổng TTĐT VP UBND tỉnh Kiên Giang)
Thứ tư, ngày 14/08/2024 05:28 AM (GMT+7)
Nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp là mô hình thuộc Chương trình phát triển các mô hình thủy đặc sản nước ngọt tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Sau khi triển khai đến các hộ nông dân đã mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Những loại cá ngon được nông dân huyện Giồng Riềng nuôi là cá chép, mè vinh, mè hoa…
Các loại cá này dễ nuôi nhưng năng suất và giá bán trên thị trường thấp nên lợi nhuận không cao.
Thực hiện kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển các mô hình thủy đặc sản nước ngọt, trong đó có mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ao nuôi cá hô thương phẩm của nông dân tham gia mô hình ở xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Việc triển khai mô hình này cũng từ chủ trương của huyện Giồng Riềng trong thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Ngọc Khải, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng đã tiến hành triển khai mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp.
Đơn vị chức năng huyện Giồng Riềng đã đến các hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá hô thí điểm trên địa bàn xã Hòa Hưng.
Nông dân tham gia mô hình nuôi cá hô thương phẩm được hỗ trợ 60% chi phí mua con cá hô giống, 40% chi phí thức ăn, nuôi trong thời gian 18 tháng.
Tại nhà bà Lưu Thị Liễm, ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là một trong các hộ nông dân được chọn nuôi thí điểm mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp.
Bước đầu bà Liễm thả 500 con cá hô giống trên diện tích 500 m2 ao nuôi vì quy định mật độ nuôi cá hô là chỉ 1 con/m2.
Theo bà Liễm, giá cá hô giống là 18.000 đồng/con được thả xuống ao nuôi phải có kích thước đồng đều, không bị xây sát, màu sắc tươi sáng, phản ứng nhanh nhẹn, đảm bảo trọng lượng lúc thả nuôi 18 con/kg.
Cá hô giống chuyển về phải được ngâm trong ao nuôi 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó dùng thau pha nước muối 50g/10 lít nước rồi ngâm cá giống từ 03 - 05 phút để xử lý ngoại ký sinh.
Bà Liễm cho biết, nuôi cá hô khó khăn nhất là cho ăn giai đoạn đầu, từ 1-3 tháng tuổi. Lúc này cá hô còn nhỏ nên ăn ở dưới tầng đáy, phải tìm cách để thức ăn chìm xuống hẳn. Chỉ qua tháng thứ 3, cá hô mới ăn ở trên mặt nước.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang-ông Trần Ngọc Khải cho biết, qua quá trình thực hiện mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp, các hộ nông dân đã thực hiện cơ bản đúng quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu chuẩn bị ao nuôi, quản lý môi trường ao nuôi, chăm sóc cho cá ăn.
Cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật, xử lý kịp thời các sự cố bất thường xảy ra trong quá trình nuôi.
Theo đúng tiến độ 18 tháng thả nuôi, với 500 con cá hô thả nuôi ở mỗi mô hình sẽ đạt trọng lượng bình quân trên 2 kg/con, sản lượng cá hô đạt hơn 1.000 kg.
Giá cá hô thương phẩm trên thị trường là 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, giống ban đầu, mỗi hộ nông dân tham gia mô hình có thể lãi trên 140 triệu đồng.
Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Đặc biệt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, thời gian sinh trưởng của cá hô là phù hợp để nông dân dễ áp dụng mô hình. Sắp tới, mô hình nuôi cá hô sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng tại nhiều địa phương khác trong huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang để nông dân có thể tham gia thực hiện, giúp cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình.
Theo đó, các cơ quan trong ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng và tỉnh Kiên Giang tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân áp dụng mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân ở nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.