Nuôi cá lóc đầu nhím, bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Nuôi cá lóc đầu nhím, bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Cảnh Thắng
Thứ bảy, ngày 16/05/2020 09:36 AM (GMT+7)
Anh Bùi Văn Thỏa ở (xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu) thành công với mô hình nuôi cá lóc đầu nhím ở tỉnh Nghệ An. Mỗi năm trừ tất cả chi phí anh bỏ túi hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loài cá lóc đầu nhím.
Năm 2005, anh Bùi Văn Thỏa thuê đất với 5.000m2 đào ao nuôi cá lóc đầu nhím tính kế mưu sinh. Thời gian đầu kỹ thuật nuôi cá lóc còn yếu lại nuôi thêm cá tạp nên vụ được vụ mất...
Dần dần nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá lóc, con cá lóc đầu nhím lại thích hợp với vùng đất và khí hậu ở xã Quỳnh Hưng. Chính nhờ nuôi loài cá dữ này đã đưa cuộc sống của gia đình anh Thỏa dần khá lên.
Anh Thỏa kể: "Sau một thời gian tích lũy được một phần vốn nhỏ, vay mượn thêm ngân hàng năm 2013 tôi quyết định mở rộng thêm diện tích, thầu khoán lại 20.0000 m2 để cải tạo thành ao thả cá lóc đầu nhím. Tôi mua cá lóc đầu nhím giống ở miền Nam rồi đưa về thả ở Trung tâm giống ở Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi ươm cá lóc đầu nhím được 15 ngày nơi đây, tôi mới đưa cá về Nghệ An thả trực tiếp tại ao nuôi nhà mình.".
Được biết, trong năm 2019, anh thả 120.000 con cá lóc đầy nhím giống, tỷ lệ cá đạt tới lúc xuất bán là 50%. Cá lóc đầu nhím sau 7 tháng nuôi là có thể xuất bán. Trọng lượng cá lóc đầu nhím lúc này đạt bình quân 1 con là 0,6 kg, tổng thu được 60 tấn. Giá bán cá lóc đầu nhím giao động từ 49.000 đồng/kg đến 52.000 đồng/kg, anh Thỏa thu về 3 tỷ đồng, trừ mọi chi phí hết 2,1 tỷ đồng, lãi ròng đạt 900 triệu đồng/năm.
"Nếu một hộ gia đình nào đến tham quan học hỏi, muốn xây dựng mô hình nuôi cá lóc đầu nhím thì tôi bán cá lóc giống, rồi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cung cấp thức ăn, rồi bao tiêu sản phẩm. Những hộ gia đình nào còn băn khoăn, chưa nắm rõ quy trình cũng như kỹ thuật nuôi, tôi đến tận trang trại để hướng dẫn cách nuôi...", anh Thỏa cho hay.
Theo anh Thỏa, cá lóc đầu nhím lớn, đạt chuẩn, anh sẽ thu mua lại bán ra thị trường. Những năm gần đây, mỗi năm anh bao tiêu cho các trại thành viên là 80 tấn cá lóc đầu nhím. Dù không lời nhiều, nhưng cùng nhau động viên, giúp đỡ nhau làm giàu cũng là niềm vui rồi...
Thu nhập "khủng" hơn 900 triệu mỗi năm
Trao đổi với Dân Việt ông Nguyễn Anh Hùng - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Anh Bùi Văn Thỏa ở (xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trường hợp điển hình thành công với mô hình nuôi cá lóc đầu nhím trên địa bàn. Ở mô hình nuôi cá lóc đầu nhím của gia đình anh Thỏa có thể nuôi với mật độ cao từ 60 – 70 con/ m2 mặt nước; sử dụng thức ăn công nghiệp; tổ chức bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân khi cá đạt theo yêu cầu...".
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: "Đối với cá lóc, từng ao nuôi có độ sâu giao động từ 2m đến 2,5m. Sâu như thế vừa để làm mát vừa tăng mật độ nuôi cá được nhiều hơn. Người nuôi thường xuyên theo dõi độ pH giao động từ 7 đến 8,5 là thích hợp, rồi kiểm tra nước để xử lý, hoặc thay nước để luôn có ngưỡng như trên.
Theo ông Nguyễn Thế Thắng, đặc biệt nhiệt độ thích hợp trong ao nuôi cá đầu nhím giao động từ 24oC đến 34oC. Người nuôi có thể phải trồng cây, trồng giàn leo, thả một ít bèo xung quanh bờ, hoặc dùng máy sục khí để tạo oxy và làm nước mát, tránh hao hụt cá.
Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc đầu nhím đang là hướng đi mới đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân tại huyện Quỳnh Lưu. Dù vậy trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện cần định hướng cụ thể, tạo chuỗi liên kết nuôi cá lóc với đầu vào được kiểm soát, đầu ra được bao tiêu với giá hợp lý, ổn định hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.