Nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn METRO: “An toàn, chi phí thấp mà không lo lắng đầu ra”

Thu Tuyết Thứ ba, ngày 22/07/2014 09:00 AM (GMT+7)
Cách đây 10 năm đối với  người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nuôi cá lồng bè là một nghề phổ biến và cho lợi nhuận cao. Trên khu vực sông Hậu, Quận Bình Thuỷ, Cần Thơ thời gian cao điểm có đến vài chục hộ nuôi. Nhưng trong 3 năm trở lại đây chỉ còn lác đác vài hộ còn trụ lại. Câu chuyện nuôi cá lồng bè không còn ở đỉnh cao như trước, các hộ nông dân còn tồn tại được đến bây giờ đều phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn.
Bình luận 0
Thay đổi tư duy nuôi trồng

Ông Lê Ngọc Quý dành cả cuộc đời của mình trên sông nước theo nghiệp nuôi cá lồng bè mà theo ông thì cái nghiệp đã vận vào thân. Ông Quý nhớ lại giai đoạn khó khăn mà ông và nhiều nông dân phải trải qua khi cá diêu hồng mất giá: “Thị trường tuy rộng lớn nhưng không phải có nhiều thương lái có uy tín, khả năng mua. Thị trường chung rớt giá, nông dân như chúng tôi bị thương lái ép không thương tiếc. Nhiều thương lái đến xem hàng, mỗi người ép xuống một giá. Nếu không bán thì càng ngày càng lỗ tiền thức ăn, không có tiền xoay vòng vốn lên đến cả trăm triệu mỗi ngày.”
img

Tại thời điểm đó, trong suy nghĩ của nhiều nông dân việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn là việc rất tốn kém đẩy chi phí lên cao khiến con cá, con tôm bán ra không có lời mà cũng không thương lái nào quan tâm đến chất lượng. Tuy nhiên ông Quý lại có cách nghĩ khác và bắt đầu tham gia vào chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mới do công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đặt hàng. Từ đây cá diêu hồng của ông rẽ nước sang một hướng mới.

Cho đến bây giờ khi nhiều người đặt câu hỏi  hàng năm thu lãi hay lỗ bao nhiêu,  ông trả lời một cách rất nông dân “Không biết bao nhiêu nhưng thấy nó (vốn) có “nở” ra nhiều.”  Trong thời gian đầu tham gia vào dự án đào tạo nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn Metro ông Quý chia sẻ: “Tôi nuôi cá theo kinh nghiệm từ 8 năm trong nghề của mình, việc ghi chép mỗi ngày về lượng thức ăn, các loại vitamin đã sử dụng,… làm tôi thấy bất tiện. Nhưng sau đó chính vì có ghi chép theo hướng dẫn tôi có thể kiểm soát được con cá nuôi đang ở giai đoạn nào, lượng thức ăn bao nhiêu thì phù hợp, cá bán ra đảm bảo an toàn cho người sử dụng hơn. Hoạt động này cũng trở thành quen thuộc và dễ dàng mỗi ngày với tôi và nhân công”.
 
Áp dụng khoa học phải kết hợp với đầu ra cho sản phẩm

Theo các kỹ sư nông nghiệp đang tư vấn cho nhiều hộ nông dân trong chương trình việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn không làm tăng chi phí nuôi mà ngược lại là giảm đi rất nhiều. Ví dụ đối với cá diêu hồng, hiệu quả từ mô hình Metro ứng dụng  trong 2 năm qua cho thấy nông dân giảm được hao hụt thức ăn, hao hụt giống và các chi phí khác từ 5 đến 8 nghìn đồng cho mỗi kg cá”.
img

Hiện nay ông Quý và hơn 400 nông dân và thương lái khác được đào tạo hướng dẫn nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản an toàn theo chương trình hợp tác công tư do công ty Metro Cash & Carry Việt Nam kết hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thực hiện. Dự án này nhằm thiết lập chuỗi cung ứng thuỷ sản tươi chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và cung ứng cho hệ thống 19 trung tâm Metro trên toàn quốc.
 
Đến nay nhiều nông dân như ông Quý vẫn đều đặn nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ thuật của dự án và đơn đặt hàng từ Metro. “Tôi không còn lo lắng cá nuôi lên phải tìm kiếm người bán, việc bây giờ là tập trung chuyên môn nuôi cá của mình thôi”, ông Quý chia sẻ đầy hạnh phúc.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem