Nuôi con dưới nước chỉ ăn bèo, một nông dân ở Thái Nguyên thu lợi nhuận 500 triệu đồng mỗi năm
Nuôi con dưới nước chỉ ăn bèo, củ quả, một nông dân Thái Nguyên lãi ròng 500 triệu/năm
Hà Thanh - Kiều Hải
Chủ nhật, ngày 22/12/2024 17:15 PM (GMT+7)
Sau khi xem trên tivi thấy nhiều người nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) hiệu quả, anh Phan Văn Huy, nông dân xóm Hợp Tiến, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc và chia sẻ kỹ thuật nuôi ốc đặc sản cho nhiều người nuôi thành công.
Trước đây, gia đình anh Huy chủ yếu trồng và chế biến chè, sau khi tìm hiểu và tham quan mô hình ở một số nơi, nhận thấy nhiều người nuôi ốc nhồi hiệu quả nên năm 2017 anh Huy đã học hỏi kỹ thuật và bắt tay vào nuôi.
Anh Phan Văn Huy, nông dân nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) ở xóm Hợp Tiến, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào nuôi ốc nhồi từ năm 2017. Ảnh: Hà Thanh.
Ban đầu, anh Huy nuôi ốc nhồi trên diện tích khoảng gần 4 sào mặt nước, sau đó mở rộng thêm khoảng 1 sào nữa.
Anh Huy lựa chọn nuôi ốc nhồi sinh sản và bán trứng vì hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi ốc thương phẩm.
Nuôi ốc cơ bản khá đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật gì nhiều, quan trọng là cần giữ nguồn nước trong ao nuôi thật sạch và thực hiện việc phòng bệnh là chính.
"Từ khi bắt tay vào nuôi ốc nhồi đến nay, tôi thấy trường hợp ốc chết rất ít, có thể do thời tiết thay đổi đột ngột chứ cũng chưa phát hiện ra bệnh gì", anh Huy chia sẻ.
Thông thường vào thời điểm tháng 3 âm lịch hàng năm ốc nhồi sẽ bắt đầu đẻ trứng, sau khoảng 1 tháng sẽ bắt đầu có con giống.
Anh Phan Văn Huy (xóm Hợp Tiến, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) lựa chọn nuôi ốc nhồi sinh sản để bán con giống và trứng vì hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh.
Thời gian tính từ lúc trứng ốc bắt đầu nở đến khi ốc sinh sản lứa đầu tiên kéo dài khoảng 4 tháng. Với ốc bố mẹ, thời gian khai thác trứng có thể kéo dài khoảng 2 năm.
Tuy nhiên đến năm thứ 2 ốc sẽ đẻ kém hơn nên thường những người nuôi sẽ không khai thác đến năm thứ 2.
Để đảm bảo tỷ lệ sống khi mới bắt đầu nuôi cần chú ý khi thả ốc con xuống cần hết sức nhẹ nhàng, và lựa chọn mật độ thả phù hợp khoảng 100 con/m2, không thả quá dày vì như vậy ốc sẽ chậm lớn.
Nếu ốc còn quá nhỏ, trước khi đưa ốc xuống ao cần thả vào tráng khoảng 10 ngày để tránh ốc bị chết.
Gia đình anh Phan Văn Huy, nông dân xóm Hợp Tiến, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) hiện đang nuôi ốc nhồi trên diện tích khoảng 1.800m2 mặt nước. Ảnh: Hà Thanh.
Theo anh Phan Văn Huy, nông dân xóm Hợp Tiến, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), đối với ốc nhồi con (ốc nhồi giống các kích cỡ) chủ yếu cho ăn bèo tấm, kết hợp với một số loại quả như mướp, bí và một số phụ phẩm nông nghiệp khác.
Thức ăn cho ốc nhồi hầu hết đều là các loại rau, củ, quả rẻ tiền, có thể trồng được ngay tại ao nuôi ốc như bầu, bí, mướp; có loại có thể đi cắt ở các khu đồng hoang, bãi rậm như cây khoai ngứa; có loại có thể xin được hoặc mua với giá rẻ, ví như bầu, bí, mướp, đu đủ, hoa quả bị hỏng...
Thường ốc nhồi chỉ ăn một lần vào buổi chiều tối, chính vì vậy người nuôi loài ốc đặc sản nên không mất nhiều công chăm.
Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm. Ảnh: Hà Thanh
Theo anh Huy, mực nước phù hợp trong ao để nuôi ốc là khoảng 1m, thậm chí 1,5m vẫn có thể nuôi, vì nếu mực nước sâu, nguồn nước sẽ ít bị ô nhiễm và lâu phải thay nước hơn.
Một lưu ý đó là, khi lựa chọn ao nuôi nên lựa chọn ao có bờ đất để khi ốc đẻ trứng có thể đẻ vào những bụi cỏ vừa mát, vừa dễ thu hoạch.
Sau đó trứng ốc nhồi sẽ được nhặt về để ấp trong các rổ đặt trên một bể nước và thực hiện việc phun nước hàng ngày nhằm giữ ẩm để trứng nở ra đạt tỷ lệ cao nhất.
Mỗi năm, gia đình anh Huy sẽ giữ lại khoảng 5 tạ ốc bố mẹ để phục vụ sinh sản cho năm sau. Với 5 tạ ốc bố mẹ sẽ cho thu khoảng 1 tấn trứng, với giá bán trung bình 500.000 đồng/kg, lúc cao điểm đầu vụ khoảng 1 triệu đồng/kg.
Khi bán giống cho người nuôi, anh Huy thường sát sao và tư vấn cẩn thận đảm bảo họ nắm chắc kỹ thuật từ lúc thiết kế ao đến cả quá trình nuôi. Việc kiểm soát thức ăn rất quan trọng nếu không cho ăn đúng cách ốc sẽ không ăn gây lãng phí hoặc cho ăn dư thừa sẽ khiến ô nhiễm nguồn nước dẫn đến việc ốc bị bệnh mà chết.
Mỗi năm, gia đình anh Huy sẽ giữ lại khoảng 5 tạ ốc bố mẹ để phục vụ sinh sản cho năm sau. Ảnh: Hà Thanh.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đến tham quan mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Huy. Ảnh: Hà Thanh.
Với khoảng 1.800m2 diện tích ao nuôi ốc nhồi như hiện nay, trung bình mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng cho gia đình anh Huy.
So với một số vật nuôi khác nuôi ốc nhồi không phải đầu tư nhiều, mà hiệu quả kinh tế cao, lại ít rủi ro.
Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Bí thư Chi bộ xóm Hợp Tiến (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Gia đình anh Phan Văn Huy là hộ tìm tòi và phát triển mô hình nuôi ốc nhồi đầu tiên của xóm.
Sau đó, trong xóm đã có một hộ phát triển mô hình và thành công. Hiện nay đang có nhiều hộ nhận thấy hiệu quả từ mô hình nên đã cùng nhau học hỏi và phát triển theo.
"Đây là một mô hình phát triển rất tốt, giá cả lại ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao, do đó tôi nhận thấy nên nhân rộng mô hình này tại địa phương", bà Thuỷ nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.