Nuôi con động vật đặc sản được săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập 100 triệu/tháng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 12/12/2024 12:51 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn tìm tòi, thay đổi hướng đi, chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi con đuông dừa-con động vật đặc sản, nhóm thanh niên trẻ ở xã Yên Trạch (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bước đầu có thu nhập kinh tế cao từ 100 – 150 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng xây dựng Hà Nội, năm 2014 anh Lý Hoàng Sơn (xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vào TP HCM rồi quay ra Bắc bươn trải với nhiều công việc khác nhau. 

Đến năm 2016, anh Sơn xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn, nhưng rồi dịch bệnh liên tiếp khiến anh quyết định nghỉ chăn nuôi.

Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 1.

Anh Lý Hoàng Sơn (xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) và nhóm bạn bắt tay vào mô hình nuôi con đuông dừa đến nay được khoảng 3 tháng. Ảnh: Hà Thanh.

Đến năm 2019, anh Sơn tham gia HTX Nông nghiệp Tiên phong xã Yên Trạch và được các thành viên khác tham gia giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình nông nghiệp tại địa phương.

Tận dụng diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn, sau một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, anh Sơn đã cùng với hai người bạn đưa vào nuôi thử nghiệm đuông dừa và bước đầu đã thành công. 

Đến nay, sau 3 tháng "khởi nghiệp" nhóm của anh Sơn đã phát triển quy mô đã lên tới hơn 500 chậu đuông dừa.

Đuông dừa là một dạng ấu trùng sâu của loại họ vò voi, nó thuộc họ bọ cánh cứng hay được gọi là mọt cọ đỏ, bọ Sago hay ấu trùng Sago, chúng thường sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á, thường thấy trong cổ hũ dừa, phần thân và nhất là ngọn của cây dừa, cau hoặc đủng đỉnh. 

Đuông dừa được dùng để làm nhiều món ăn trong ẩm thực Việt Nam nhất là vùng Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 2.

Con đuông dừa là một dạng ấu trùng sâu của loại họ vò voi, nó thuộc họ bọ cánh cứng. Ảnh: Hà Thanh.

"Trước khi bắt tay vào mô hình này tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi, trên cơ sở một người bạn đã có kinh nghiệm nuôi trước đó, mấy anh em đã kết hợp cùng nhau để phát triển mô hình này", anh Sơn nói và cho biết, ban đầu anh mua con giống từ Ba Vì về nuôi. 

Theo anh Sơn, vòng đời của đuông dừa sẽ trải qua các bước: Vào kén khoảng 15 – 20 ngày sẽ rồi nở ra ấu trùng (con bố mẹ), sau đó con cái và con đực sẽ được tách riêng ra từ 1 -2 ngày cho hồi sức.

Tiếp đến, con bố mẹ sẽ được đưa vào chậu để phối giống (khi đó trứng đã được sản sinh), sau 10 ngày sẽ lại tách con mẹ ra chậu riêng để sinh sản tiếp lứa mới. 

Mỗi chậu sẽ cho từ 10 – 15 cặp bố mẹ tuỳ con giống. Chu kỳ từ lúc đuông dừa bắt đầu sinh sản đến lúc được thu hoạch nhộng kéo dài khoảng 40 – 45 ngày.

Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 3.

Đến nay anh Sơn và nhóm bạn đã phát triển quy mô lên hơn 500 chậu đuông dừa. Ảnh: Hà Thanh

Để gây đuông giống không khó, khi con nhộng được khoảng 35 ngày tuổi sẽ tách ra, sau đó băm xơ dừa và ép chặt lại thành khung rồi bỏ nhộng vào để tạo kén. 


Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 4.

Theo anh Sơn, nhiệt độ thích hợp cho đuông dừa phát triển là từ 28oC trở lên. Ảnh: Hà Thanh.

Với khoảng 20kg nhộng sẽ tạo ra khoảng 2.000 kén, chú ý khi vào kén cần tránh nguyên liệu và môi trường ẩm ướt vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Sau khoảng 15 ngày vào nhộng kén là sẽ được thu hoạch con giống.

Nhiệt độ thích hợp cho đuông dừa phát triển là từ 28oC trở lên vì nếu thời tiết lạnh quá đuông dừa sẽ sinh sản kém và chết.

Để nuôi đuông dừa, chi phí đầu tư không quá lớn, vì chỉ phải đầu tư chậu nuôi và thức ăn với chi phí khoảng 40.000đ/chậu. Thức ăn của đuông dừa là xơ dừa kết hợp cám gạo, cám ngô phối trộn với nhau theo tỷ lệ 1,2 – 1,5 cám gạo, 0,8 – 1kg cám ngô, trong đó thành phần chính vẫn là xơ dừa.

Lúc đầu khi đưa con bố mẹ vào nuôi, thức ăn của đuông dừa là chuối sau đó đến mía và các loại hoa quả ngọt như mít.

Với mỗi chậu đuông sẽ cho khoảng từ 1,5 - 2kg nhộng. Để chăm sóc 500 chậu đuông, nhóm của anh Sơn sử dụng hai lao động chính thường xuyên theo dõi sát sao.

Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 5.

Thức ăn của con đuông dừa chủ yếu là xơ dừa, kết hợp một phần cám ngô và cám gạo. Ảnh: Hà Thanh

Nuôi loài côn trùng là món ăn được nhiều người săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập cao - Ảnh 6.

Con đuông dừa hiện được bán với giá từ 200.000 - 250.000đ/kg tuỳ từng loại. Với quy mô như hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhóm của anh Sơn thu về từ 100 - 150 triệu đồng từ nuôi đuông dừa. Ảnh: Hà Thanh.

Theo anh Sơn, hiện nay con đuông dừa đang là món ăn được nhiều người yêu thích và tìm mua. Trong quá trình nuôi, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường vì chăn nuôi trong môi trường khép kín. Hơn nữa xơ dừa để nuôi đuông còn có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt.

Bởi vậy, xác định hướng đi lâu dài, nhóm của anh Sơn sẽ cung cấp ra thị trường 3 sản phẩm chính từ đuông dừa đó là con giống, đuông dừa tươi, đuông dừa đông lạnh. 

Với hơn 500 chậu nuôi con đuông dừa như hiện nay, trung bình mỗi ngày anh Sơn xuất bán ra thị trường từ 60 – 100kg nhộng tươi sống với giá bán dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, còn nhộng đông lạnh có giá từ 160.000 – 180.000 đồng/kg. 

Con đuông dừa giống hiện được anh Sơn bán với giá 10.000 đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, mỗi chậu đuông dừa có lợi nhuận từ 80.000 – 100.000 đồng. 

Như vậy, với quy mô như hiện tại, trung bình mỗi tháng, nhóm của anh Sơn có thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng từ nuôi đuông dừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem