Tận dụng diện tích đất đồi rộng, nguồn thức ăn phong phú và dồi dào ở ngoài tự nhiên, nhiều năm trở lại đây người dân sinh sống ở xã Phú Vinh (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) phát triển chăn nuôi dê thả đồi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Anh Hà Công Hiếu, xóm Kè Ưng là người trẻ tuổi luôn ham học hỏi và đi đầu trong phát triển mô hình nuôi dê thả đồi, đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.
Thời gian qua, nhiều hộ sinh sống ở xã Phú Vinh đã phát triển mô hình nuôi dê thả đồi đem lại thu nhập lớn cho gia đình.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đinh Công Hiếu, xóm Kè Ưng, xã Phú Vinh, cho hay: Trước kia gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và trồng ngô trên nương trang trải cuộc sống, thu nhập rất bấp bênh. Nhận thấy mô hình nuôi dê thả đồi, có thể mạng lại kinh tế cao nên tôi vay tiền người thân mua giống về nuôi. Ban đầu tôi nuôi thử 3 con dê cái trưởng thành, thấy dê phát triển tốt tôi tiếp tục nhân đàn lên 6 con. Trong thời gian chăm sóc, tôi thấy dê là động vật ăn tạp rất dễ chăm sóc. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh, sản phẩn ít cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đinh Công Hiếu, xóm Kè Ưng, xã Phú Vinh là người trẻ tuổi đầu tiên trong xóm mạnh dạn phát triển mô hình nuôi dê thả đồi.
Theo kinh nghiệm của anh Hiếu: Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 - 12 tháng, thời điểm này dê sẽ đạt trọng lượng từ 30 - 35kg/con, trung bình 2 năm dê đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Chuồng trại nuôi dê không đòi hỏi diện tích lớn, nên cũng không tốn kém nhiều. Dê là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng. Dê tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả trong rừng trồng của mỗi gia đình, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém. Nhu cầu tiêu thụ dê ở địa phương cũng tương đối cao nên tôi rất yên tâm về đầu ra.
Anh Hiếu cho biết: Dê ăn tạp nên rất dễ chăm sóc, không tốn nhiều chi phí chăm sóc.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Vinh có hơn 30 hộ nuôi dê với tổng đàn 812 con. Hộ nhiều nhất nuôi hơn 40 con, hộ ít nuôi từ 10 - 15 con. Dê giống được bà con lựa chọn là giống dê cỏ, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, thời tiết của địa phương, ít bị dịch bệnh. Chất lượng thịt dê thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, do đó nhiều thương lái từ các tỉnh lân cận cũng tới tìm mua dê ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc. Nghề nuôi dê được xã đưa vào Nghị quyết về phát triển kinh tế, ưu tiên nhân rộng mô hình, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi, qua đó góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), cho biết: Nghề nuôi dê phát triển mạnh tại các xóm Bò, xóm Kè Ưng, vì trên xóm này có diện tích chăn thả rộng, địa hình núi đá, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào rất thích hợp cho dê phát triển. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê. Xã đã mở các lớp tập huấn cho các hộ, hướng dẫn xây dựng chuồng trại kiên cố, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, làm mát cho vật nuôi mùa hè, giữ ấm về mùa đông, chủ động nguồn thức ăn dự trữ. Nhờ vậy đàn dê của các hộ đều sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm thịt dê đạt chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có gia đình anh Đinh Công Hiếu.
Diện tích đồi núi rộng, nguồn thức ăn dồi dào, đàn dê của gia đình anh Hiếu luôn phát triển và béo tốt.
“Hiện gia đình tôi đang nuôi hơn 20 con dê, ban ngày tôi thả dê lên núi tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, chiều tối về nhốt chuồng. Khi dê trưởng thành không chỉ thương lái ngoài huyện, thành phố Hòa Bình về mua, mà còn nhiều thương lái ở tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nội về tận nhà tôi thu mua, với giá trung bình từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Từ lúc chuyển sang nuôi dê thả đồi, cuộc sống của gia đình tôi đã sung túc hơn, mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng” – anh Hiếu khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.