Đây là các loại cây ra hoa đẹp, trổ quả ngon ở Lào Cai đang hút dân tình kéo lên chụp ảnh, quay phim
Đây là các loại cây ra hoa đẹp, trổ quả ngon ở Lào Cai đang hút dân tình rủ nhau lên chụp ảnh, quay phim
Mùa Xuân
Thứ bảy, ngày 30/11/2024 05:25 AM (GMT+7)
Trồng dâu tây, trồng mận hậu ra quả ngon, trồng vườn hoa cải vàng, vườn hoa tam giác mạch nở tưng bừng, người dân Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng đang kiếm được thu nhập tốt nhờ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch...
Phát triển nông nghiệp sinh thái, hàng hoá gắn với du lịch trải nghiệm đang là một trong những hướng đi được các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch
Thị xã Sa Pa được biết đến là khu du lịch quốc gia thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm mỗi năm.
Do đó, thị xã Sa Pa luôn xác định việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa không làm phá vỡ cảnh quan môi trường, gắn các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng với phát triển du lịch. Đến nay, thị xã đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu tạo ra liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị như: cây ăn quả ôn đới, dược liệu...
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Hiện trên địa bàn thị xã Sa Pa có một số mô hình nông nghiệp gắn với du lịch như: Mô hình hoa địa lan xã Tả Phìn, hoa hồng cổ tại phường Sa Pả, Ô Quý Hồ; mô hình dâu tây trên địa bàn phường Hàm Rồng, Phan Si Păng, Ô Quý Hồ; trải nghiệm tắm lá thuốc của người dao đỏ tại xã Tả Phìn…
Trong đó, đã có 3 mô hình được UBND tỉnh Lào Cai công nhận điểm du lịch và hoạt động hiệu quả là vườn hồng cổ Sâu Chua của HTX nông nghiệp sinh thái Hoàng Liên, vườn hồng Mộng Mơ của hộ kinh doanh Đỗ Phú Chính, vườn đá Tả Phìn của HTX Tả Phìn.
Sa Pa xác định phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án "Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2020 2025".
Đến nay, UBND thị xã sử dụng nguồn ngân sách thị xã để thực hiện "Dự án phát triển cây cải dầu" gắn với bảo tồn ruộng bậc thang, với diện tích 20ha.
Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới, Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh trên địa bàn thị xã cũng triển khai mô hình thí điểm cho người dân tham quan, trải nghiệm tại Trung tâm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp do các đơn vị nghiên cứu và phát triển.
Riêng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới tại thị xã Sa Pa vào mùa hoa nở, quả chín rộ đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã đón khoảng 2.000 lượt du khách check in, hái quả tại vườn; nhờ đó, bán được hơn 1,6 tấn quả mận, đào, lê... doanh thu đạt hơn 180 triệu đồng.
Cùng với đó, chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi đặc hữu của địa phương có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, đẩy mạnh Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) mang thương hiệu của Sa Pa.
Đến nay, thị xã Sa Pa có 40 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao mới được công nhận năm 2024 là cao mềm actiso Sa Pa và trà phun sương actiso Sa Pa của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông thôn, nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý được thị xã Sa Pa quan tâm triển khai, với 6 nhãn hiệu rau an toàn Sa Pa, su su Sa Pa, cá nước lạnh Sa Pa, hoa Sa Pa, thảo dược tắm Dao đỏ Tả Phìn, nấm hương Sa Pa được tỉnh, Trung ương bảo hộ...
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (Lào Cai cho biết thêm: Ngoài một số mô hình trên, thị xã Sa Pa cũng đang định hướng phát triển mô hình tham quan vườn lanh, vườn chàm và quy trình dệt vải, nhuộm vải của đồng bào các dân tộc thiểu số tại xã Tả Van, Mường Bo, Tả Phìn, Bản Hồ, Liên Minh; mô hình tham quan vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất các sản phẩm thuốc tắm và thảo dược Dao đỏ tại xã Tả Phìn, xã Ngũ Chỉ Sơn.
Đặc biệt là việc du khách trải nghiệm làm ruộng bậc thang, một ngày làm nông dân cùng bà con bằng việc tham gia thu hoạch lúa cùng người dân trên địa bàn thị xã. Hiện mô hình này đang được thị xã Sa Pa quan tâm triển khai và xây dựng theo các tour du lịch riêng.
Còn ở huyện vùng cao Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, nơi được biết đến với khí hậu quanh năm mát mẻ, cũng là mảnh đất lưu giữ những nét văn hóa và cảnh đẹp độc đáo trên vùng núi cao.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Du khách đến với vùng cao nguyên trắng Bắc Hà sẽ được trải nghiệm về các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc vùng cao như nấu rượu bằng men hồng mi, nghề làm nón lá cọ của dân tộc Tày, sao chè, phở đỏ Bắc Hà, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa ở Bắc Hà...
Du khách nên đi du lịch Bắc Hà vào dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này du khách được tham quan khung cảnh ngập tràn sắc hoa với hoa đào, hoa mận, hoa lê; tham quan rừng chè cổ thụ Hoàng Thu Phố, cây nghiến nghìn năm tuổi ở Cốc Ly...
Nếu du khách muốn trải nghiệm hái mận và xem lễ hội đua ngựa nổi tiếng Bắc Hà thì mọi người nên đi vào dịp đầu tháng 6 hàng năm. Còn những du khách nào đam mê chụp ảnh ruộng bậc thang thì nên đến Bắc Hà vào khoảng đầu tháng 5, tháng 6 là mùa nước đổ và tháng 9, tháng 10 mùa lúa chín.
Trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có khoảng hơn 50 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 23 khách sạn, nhà nghỉ với gần 350 phòng và 26 hộ kinh doanh lưu trú tại gia Homestay ở các xã, thị trấn.
Anh Ly Seo Dũng, chủ Homestay ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) bảo: Hầu hết các các món ăn đãi khách của gia đình tôi đều là thực phẩm tại chỗ, từ rau rừng, lợn cắp nách, gà chạy bộ, măng rừng. Mọi thứ bày biện mang đậm chất văn hóa của người Mông nên du khách rất thích.
Du khách rất thích trải nghiệm ở vùng cao không chỉ đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc mà du khách được thưởng thức những món ăn được chế biến từ những nông sản bản địa do bà con sản xuất ra.
Lào Cai có tiềm năng lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch
Tại huyện nông thôn mới Bảo Thắng là địa phương được quy hoạch phát triển nông nghiệp đặc hữu kết hợp du lịch sinh thái, tạo sự gắn kết, niềm tự hào cho mỗi người dân về những miền quê tươi đẹp, đáng sống nơi đây.
Xác định sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ðồng thời, xây dựng nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đi đầu trong việc chuyển hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, những vùng đất màu mỡ ven sông Hồng giờ đây đã trở thành vùng rau chuyên canh và cây ăn quả của người dân xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng.
Riêng với cây bưởi Múc, loại trái cây nổi tiếng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, bằng việc tận dụng hoa và quả bưởi non, HTX bưởi Múc Thái Niên đã xây dựng thành công 2 sản phẩm mới là Trà bưởi Múc và Trà hương bưởi Múc. Với cách làm linh hoạt này đã giúp các đồi bưởi gia tăng khoảng 30% giá trị.
Hiện gần 200 ha bưởi Múc đang được bà con nông dân chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm khắc nhằm bảo vệ thương hiệu và đầu ra ổn định, lâu dài.
Anh Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc HTX Bưởi Múc Thái Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: Trước đây, đa số hoa bưởi và quả bưởi non bỏ đi hết, rất lãng phí.
Giờ HTX đã biết tận dụng cả hoa và quả bưởi non tạo ra các sản phẩm độc đáo trà bưởi Múc và trà hương bưởi Múc, tăng thêm thu nhập, cây bưởi nâng được giá trị lên. Khi làm ra thành phẩm ướp hoa bưởi, giá là 400.000 đồng/kg, mà cũng được rất nhiều người ưa chuộng.
Cùng với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phong trào mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, làm đường hoa, xây dựng các mô hình nhà sạch, vườn đẹp ở Thái Niên được người dân và du khách hào hứng vào tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ riêng thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, Bảo Thắng mà tại các địa phương khác của tỉnh Lào Cai đang có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch như trải nghiệm thăm những vườn chè trải dài trên các sườn đồi xanh ngát, hái quýt sen đặc sản tại thị trấn Mường Khương, xã Thanh Bình, Bản Sen... của huyện Mường Khương; trải nghiệm du lịch Y Tý đại ngàn của huyện Bát Xát với những ngôi nhà trình tường mang kiến trúc độc đáo của đồng bào Hà Nhì; trải nghiệm khu du lịch sinh thái của người Tày với kiến trúc nhà sàn, những nếp nhà sàn cột nghiến, cột lý, mái lợp cọ, khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những dòng suối, thác nước, cánh đồng thẳng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên...
Từ việc hình thành và phát triển các mô hình nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch đã góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo thêm các sản phẩm cho khách đến tham quan và trải nghiệm. Từ đó, tạo động lực để người dân địa phương phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, đặc trưng ở Lào Cai.
Clip: Mô hình dâu tây gắn với du lịch trải nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai). Nguồn: Kim Dung.
Tháng 9/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030", với tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là hơn 190,5 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai mang tính tổng thể, bền vững gắn với việc xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Cụ thể đến năm 2030, phấn đấu đón 1.700.000 lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; Tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh.
Có 6 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN; 11 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Có 7 thôn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng theo đề án được công nhận thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng dịch vụ Homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 60 cơ sở Homestay, nâng tổng số Homestay toàn tỉnh lên 527 cơ sở; tạo việc làm cho 1.500 lao động; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.