Hội Nông dân Ninh Bình tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cho 100 nông dân

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 22/03/2023 07:00 AM (GMT+7)
Kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày là một trong những phương pháp xử lý chất thải tốt nhất đối với chất thải nông nghiệp. Bên cạnh đó, áp dụng kỹ thuật này giúp người chăn nuôi giảm công dọn dẹp và làm phân ủ, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức 4 lớp tập huấn tổng quan và kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cho 100 hội viên, nông dân tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các lớp tập huấn này thuộc dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".

Ninh Bình: Tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cho 100 hội viên, nông dân - Ảnh 1.

Một trong những lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức. Ảnh: HND

Kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày được xem là phương pháp tạo ra phân ủ tốt cho cây trồng, giúp đàn gà khỏe mạnh, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Đối với kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cần đảm bảo các tiêu chuẩn như: Mái nhà đảm bảo đón tối đa ánh sáng mặt trời, thông gió và tránh được gió lạnh vào mùa đông; riêng tường chuồng cần thông thoáng…

Đặc biệt, lớp đệm lót được tạo thành từ việc tận dụng phụ phẩm cây trồng, rơm, thân, cành lá cây, mùn cưa với độ dày 20-30cm, phun dung dịch EM 1-2% lên lớp đệm lót có tác dụng bổ sung vi sinh vật giảm mùi hôi chuồng trại, thúc đẩy quá trình phân hủy.

Ninh Bình: Tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cho 100 hội viên, nông dân - Ảnh 2.

Hội viên, nông dân tỉnh Ninh Bình tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày được thực hành tại chỗ. Ảnh: HND

Sau khoảng từ 1 đến 3 tháng ủ, nông dân có thể thu phân ủ từ lớp đệm lót sinh học dày bón cho cây trồng. Đệm lót sinh học dày còn giúp con gà thể hiện tập tính tự nhiên trong bới và tìm kiếm thức ăn để biến phụ phẩm cây trồng thành phân hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Thập (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn) chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi dùng vỏ trấu rải xuống nền chuồng để nuôi con gà, tuy nhiên vẫn phải quét dọn hàng tuần. Qua đợt tập huấn này, tôi thấy dùng đệm lót sinh học dày để nuôi gà rất thiết thực".

"Nếu áp dụng kỹ thuật dùng đệm lót sinh học trong việc nuôi con gà, tôi không phải lãng phí thời gian và công sức vào việc dọn dẹp phân gà, lại có được lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng, giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hơn" - ông Thập phấn khởi.

Được biết, sau lớp tập huấn 100 học viên, nông dân thực hiện cam kết áp dụng kỹ thuật làm đệm lót sinh học dày trong chăn nuôi gà phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem