“Vợ chồng tôi vào Bình Dương, Đồng Nai làm gạch, sang cả Thái Lan, Lào buôn bán, nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Năm 2006, chúng tôi quyết định về quê lập nghiệp và có điều kiện chăm lo cho con cái” - anh Ty kể.
|
Trang trại nuôi lợn rừng của vợ chồng anh Ty (trái). Trần Văn Thường |
"Vùng đất này khí hậu hòa hợp, thiên nhiên ưu đãi, trước có nhiều heo rừng sống. Thịt heo rừng rất ngon, bán được giá nhưng lâu lâu người đi rừng mới bắt được một con. Vợ chồng tôi tìm hiểu trên báo đài, rồi thời gian buôn bán ở Thái Lan thấy nuôi heo rừng đơn giản, chúng tôi quyết định hồi hương để xây trang trại heo rừng. Vợ chồng tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng với tiền tích góp sau mấy năm tha phương để xây chuồng trại, mua heo giống".
Anh chị mua 6 con heo rừng về nuôi, trong đó 1 con đang có chửa, chỉ hai tuần sau, đã cho ra đời 3 chú heo con. Năm đầu vợ chồng anh bán 2 đợt được 15 con heo rừng, giá 150.000 đồng/kg. Tính sơ sơ, năm đầu trừ chi phí thu về hơn 80 triệu đồng. Cứ như vậy, đến nay vợ chồng anh đã có gần 3ha trang trại nuôi heo, trồng rừng... với 50 heo nái, 3 heo đực để phối giống và hàng trăm heo con.
Trung bình mỗi năm, vợ chồng anh cung ứng cho thị trường 400 - 500 con heo rừng, trừ chi phí bỏ túi 300- 350 triệu đồng. Trang trại còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương, với thu nhập 2,1 triệu đồng/tháng. Chị Hà cho biết: “Vợ chồng tôi bán heo giống với giá hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con mới vào nghề. Giá heo giống ở thị trường là 250.000 đồng/kg nhưng tôi chỉ bán cho bà con 200.000 đồng/kg".
Anh Ty tiết lộ, anh đang có kế hoạch xây khu du lịch sinh thái và trồng nấm linh chi trong trang trại. Đây là khu nghỉ dưỡng cho du khách muốn tận hưởng không khí trong lành của núi rừng. Để thực hiện dự định này, xung quanh trang trại, vợ chồng anh đã xây 6 hồ nuôi cá. Cổng vào trang trại được trồng cau cảnh, lộc vừng, dừa… "Sắp tới vợ chồng tôi thuê thêm nhân công để trồng nấm linh chi. Ở đây đất rộng, khí hậu thích hợp với trồng nấm”.
Trần Văn Thường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.